Sẽ xếp lại bảng lương giáo viên mầm non, phổ thông

11/07/2025 - 12:18

PNO - Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thường đưa ra trong buổi họp báo công bố về Luật Nhà giáo, sáng 11/7 tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ tham mưu xếp lại bậc lương cho giáo viên mầm non để đảm bảo cuộc sống - Ảnh minh họa
Theo dự kiến, Chính phủ sẽ tham mưu xếp lại bậc lương cho giáo viên mầm non - Ảnh minh họa: Đại Minh

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có nhiều điểm mới so với các quy định hiện hành.

Trong đó tập trung vào 5 chính sách lớn: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước.

Theo Thứ trưởng, luật cũng làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.

Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.

Ông khẳng định, đây là điểm nhấn quan trọng nhằm bảo vệ nhà giáo và giữ gìn môi trường học đường an toàn, văn minh.

Đáng lưu ý, Luật Nhà giáo quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, đây là căn cứ để Chính phủ điều chỉnh tiền lương nhà giáo, đảm bảo chủ trương “xếp cao nhất”.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.

Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV... nhằm đảm bảo mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Một điểm đáng chú ý khác, Luật Nhà giáo quy định giáo viên mầm non nếu có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 năm mà không bị giảm lương hưu (nếu đủ 15 năm đóng BHXH). Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc nhà giáo làm việc trong lĩnh vực đặc thù được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn để giữ chân người tài.

Luật cũng giao thẩm quyền cho ngành giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.

Quy định này nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, giải bài toán thừa, thiếu nhân lực cục bộ như thời gian vừa qua.

Luật Nhà giáo có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI