Củ Chi sẽ là "thành phố trong thành phố" thứ hai của TPHCM?

19/02/2022 - 15:23

PNO - Để đạt được mục tiêu giai đoạn 2022-2030 xây dựng Củ Chi trở thành thành phố trực thuộc TPHCM, đòi hỏi chính quyền phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngày 19/2, UBND huyện Củ Chi và Học viện Cán bộ TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - đánh giá, trong những năm qua, với xu thế phát triển chung, Củ Chi đang là một huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh. Nhiều tiêu chí kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc TPHCM.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Ngọc
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Quốc Ngọc

Theo bà Lệ, để đạt được mục tiêu giai đoạn 2022-2030 xây dựng huyện Củ Chi trở thành thành phố trực thuộc TPHCM, đòi hỏi chính quyền phải nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở.

Một trong sáu giải pháp bà đưa ra để đổi mới và nâng cao hiệu quả của chính quyền đáp ứng yêu cần phát triển bền vững của huyện Củ Chi, đó là đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền. Tiếp tục chỉ đạo rà soát, đề xuất thành phố ban hành quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND huyện, UBND cấp xã bảo đảm phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn của địa phương.

“Bên cạnh đó, các xã, thị trấn chủ động triển khai, tuyên truyền để người dân biết và tham gia thực hiện. Việc ủy quyền giúp cho cấp xã chủ động sắp xếp, bố trí nguồn lực thực hiện, thuận tiện trong việc xác minh giải quyết hồ sơ, giảm bớt trình tự và rút ngắn được thời gian giải quyết yêu cầu của cá nhân, tổ chức”, bà Lệ nói.

Góp ý cho huyện về mô hình phát triển, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - cho rằng, tại nhiều nước trên thế giới, du lịch nông nghiệp đã ngày càng phát triển trở thành một trong những loại hình du lịch hấp dẫn đông đảo du khách.

“Thực chất đó là mô hình du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nhân văn đặc trưng của các vùng nông thôn, là nơi thu hút cao nhất đối với du khách đa số vốn đi từ các vùng đô thị đã và đang ngày càng bị áp lực đè nặng bởi quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ông Thắng nói.

Theo chuyên gia, du lịch nông nghiệp cần là một trong những định hướng phát triển Củ Chi trong tương lai. Ảnh: CC
Theo chuyên gia, du lịch nông nghiệp cần là một trong những định hướng phát triển Củ Chi trong tương lai. Ảnh: CC

Trong khi đó, TPHCM là trung tâm du lịch lớn hàng đầu của cả nước với tính chất vừa là trạm trung chuyển của các địa phương trong vùng, vừa là nơi thu hút đông đảo các loại du khách cả nội địa lẫn quốc tế. Nơi đây có đầy đủ các điều kiện vật chất - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đang ngày càng rất cần phát triển những mô hình du lịch mới, những sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao. Xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp của TPHCM là sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp du lịch gắn với bảo tồn, phát huy môi trường sinh thái - văn hóa vùng ven đô và ngoại thành.

Hướng phát triển đó không chỉ làm cho du lịch thành phố có thêm hình thức du lịch hấp dẫn mà còn có thể vừa liên kết với chương trình chuyển đổi nền sản xuất nông sản tại chỗ sang làm kinh tế dịch vụ theo định hướng phát triển bền vững, vừa góp phần cung cấp cho ngành du lịch địa phương những sản phẩm mới đặc sắc.

“Theo hướng như vậy, Củ Chi có nhiều tiềm năng để thực hiện mục tiêu nói trên với tư cách vừa là vùng đất mang đầy đủ nét đặc trưng văn hóa nông thôn của Sài Gòn - Gia Định xưa, ngoại thành TPHCM hôm nay, vừa là địa phương có nhiều điều kiện triển khai những giải pháp tích cực để xây dựng thành một trong những trọng điểm du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp”, ông Thắng nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - cho biết, hội thảo khẳng định sự đúng đắn của chủ trương, định hướng phát triển huyện Củ Chi thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, cũng như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện trong việc cải thiện môi trường đầu tư, để Củ Chi thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, là trung tâm cầu nối giữa các khu công nghiệp lớn giáp ranh của tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - trao đổi với đại biểu, nhà đầu tư bên lề hội thảo. Ành: Quốc Ngọc
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - trao đổi với đại biểu, nhà đầu tư bên lề hội thảo - Ảnh: Quốc Ngọc

Theo bà Hiền, các thế mạnh về tiềm năng chính trị, truyền thống cách mạng, văn hóa, tiềm năng con người, đất đai, khí hậu của quê hương Củ Chi anh hùng… sẽ là những lợi thế quan trọng để phát triển huyện một cách toàn diện với nhiều mô hình được đề xuất.

Điển hình như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ; liên kết nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ phân phối bán lẻ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học cũng đề xuất các mô hình tổ chức phát triển kinh tế - xã hội của đô thị Củ Chi trong tương lai: đô thị sinh thái thông minh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh…

Tuy nhiên, bà Hiền lưu ý, thực trạng thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi trong thời gian qua còn chưa hiệu quả. Cần phải quan tâm, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư hiệu quả trên địa bàn huyện để đánh thức, khơi dậy tiềm năng phát triển của vùng tây bắc thành phố, xa hơn là vùng tiếp nối giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI