Kiểm tra trực tuyến: Không lo học sinh quay cop, chỉ lo phụ huynh làm bài thay con

19/12/2021 - 16:40

PNO - Tình trạng học sinh tiểu học quay cóp khi làm kiểm tra trực tuyến tại nhà là không có. Sự “quay cóp” đến từ chính hỗ trợ, can thiệp của phụ huynh trong quá trình trẻ làm bài. Thậm chí, phụ huynh làm bài thay con.

Phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của kiểm tra để có sự hỗ trợ, đồng hành với nhà trường
Phụ huynh cần nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của kiểm tra để có sự hỗ trợ, đồng hành với nhà trường

Phụ thuộc nhiều vào nhận thức của phụ huynh 

Từ kinh nghiệm tổ chức kiểm tra trực tuyến giữa học kỳ I (HKI) cho học sinh lớp 4, 5, TS. Dương Trần Bình (Hiệu trưởng Trường TH Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp) cho hay, trước khi làm bài kiểm tra, giáo viên sẽ cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra trực tuyến để các em chủ động, không bỡ ngỡ. Giáo viên cũng linh động thời gian nộp bài cho học sinh để tránh trường hợp học sinh bị lỗi mạng khi làm bài kiểm tra, các em chưa quen với hình thức kiểm tra mới. Trong quá trình làm bài học sinh sẽ bật camera để giáo viên giám sát… 

TS. Dương Trần Bình chia sẻ, kiểm tra định kỳ với học sinh tiểu học khi kết thúc mỗi học kỳ là quy định bắt buộc của Bộ GD-ĐT, được quy định rõ theo Thông tư 27. Tuy nhiên, mức độ kiến thức trong đề kiểm tra định kỳ dạy và học trực tuyến sẽ được nhà trường điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Chú trọng đánh giá mức độ nhận biết và thông hiểu của học sinh.

Không có hiện trạng học sinh tiểu học quay cóp khi làm bài kiểm tra tại nhà
Không có tình trạng học sinh tiểu học quay cóp khi làm bài kiểm tra tại nhà mà chỉ có sự can thiệp từ phía phụ huynh

Ma trận đề kiểm tra sẽ bám sát vào kiến thức quy định khi dạy học trực tuyến, tăng cường các câu hỏi nhận biết thông hiểu, hạn chế mức độ vận dụng. Ma trận có thể được thiết kế với 40% mức độ nhận biết; 50% thông hiểu, chỉ 10% vận dụng. 

Theo TS. Bình, việc giảm mức độ kiến thức và yêu cầu cần đạt trong đề kiểm tra, sẽ giúp đánh giá đúng thực chất học sinh, giúp phụ huynh an tâm. “Khi kiểm tra trực tuyến học sinh tiểu học, tình trạng học sinh quay cóp khi làm bài kiểm tra là không có. Có chăng là sẽ có sự hỗ trợ, can thiệp của phụ huynh. Do đó, để có thể đánh giá khách quan, trung thực học sinh thì quan trọng nhất lại phụ thuộc vào nhận thức của phụ huynh. Phụ huynh đừng làm bài thay con. Nhà trường, giáo viên phải tuyên truyền, tăng cường phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh hiểu rằng kiểm tra là để nhìn ra năng lực của con em mình, từ đó có sự phối hợp, không làm giúp các em…”. 

Chia sẻ về việc kiểm tra cuối HKI năm học 2021-2022, TS. Bình cho hay, nếu học sinh chưa được đến trường học trực tiếp, việc kiểm tra trực tuyến cũng đã được nhà trường tính đến. Với lớp 4, 5 các em đã có ý thức chủ động và cũng quen với việc sử dụng công nghệ thì không có khó khăn. Song với học sinh lớp 1, 2 còn nhỏ, nhiều em chưa được làm quen với môn tin học, trong quá trình làm bài kiểm tra trực tuyến chắc chắn sẽ cần sự hỗ trợ của phụ huynh về mặt công nghệ.

“Sĩ số học sinh đông, một bộ phận phụ huynh chưa quan tâm đến đồng hành cùng con trong giai đoạn bình thường mới thì kiểm tra đánh giá HKI trực tuyến sẽ rất vất vả”, TS. Bình nói. 

Giúp phụ huynh nhận thức rõ mục đích của kiểm tra, đánh giá

Khẳng định dạy và học bằng hình thức nào cũng cần phải có kiểm tra đánh giá, song NGƯT Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng ở bậc tiểu học, ngoài truyền thụ kiến thức thì mấu chốt, nền tảng quan trọng nhất là giáo dục học sinh về nhân cách, tính trung thực. Do đó, nếu thấy việc kiểm tra không đảm bảo yêu cầu thì nhà trường cần có sự điều chỉnh để đánh giá học sinh.

“Khi kiểm tra trực tuyến, học sinh làm bài ở nhà dù ít dù nhiều sẽ có tình trạng phụ huynh can thiệp vào quá trình làm bài của học sinh. Vì thế, để hạn chế tình trạng này, trước hết nhà trường phải giúp phụ huynh nhận thức rõ về mục đích của việc kiểm tra, đánh giá học sinh. Đề kiểm tra chỉ nêu những vấn đề cơ bản, không đánh đố. Khâu tổ chức trực tuyến phải chặt chẽ… Từ đó mới đánh giá đúng năng lực học sinh, yếu ở đâu để bổ sung, phụ đạo…”, NGƯT Nguyễn Văn Ngai nhận định. 

NGƯT cho rằng, trong một năm học quá “đặc biệt” như năm học này thì quá trình kiểm tra cuối kỳ không nên đặt quá nặng. Với môn tiếng Việt, Toán, giáo viên có thể thiết kế kiểm tra theo hình thức đặt câu hỏi vấn đáp để đánh giá học sinh, kết hợp với quá trình theo dõi, đánh giá học sinh khi giảng dạy trên lớp.

Đồng quan điểm, ThS. Nguyễn Hồ Thuỵ Anh (chuyên gia tâm lý) nhận định, với trẻ tiểu học, song song kiến thức thì quan trọng hơn cả là “hình thành phẩm chất”. Trong đó trung thực là một trong những phẩm chất chủ yếu cần hình thành bên cạnh các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm, được Bộ GD-ĐT nêu trong Thông tư 27. 

“Tổ chức kiểm tra trực tuyến cho học sinh tiểu học nếu không đảm bảo thì không những không hình thành được kỹ năng tự kiểm soát cho trẻ mà ngược lại, người lớn còn đang vô tình “góp phần sinh động” giúp trẻ học một điều mới: Quay cóp là thực hiện quyền trợ giúp của gia đình và người thân; Học là phải được điểm cao, điểm cao có được bằng mọi giá kể cả bằng hình thức ăn gian: lật tập, nhờ người lớn nhắc…”, ThS. Thuỵ Anh phân tích. 

Theo chuyên gia này, để hình thành được phẩm chất trung thực, trẻ tiểu học phải được gia đình, nhà trường trang bị kỹ năng tự kiểm soát bản thân tức là khi không có ai nhìn và kiểm soát, các em vẫn thực hiện đúng quy định, điều lệ. Hơn hết, phụ huynh phải hiểu được mục đích, vai trò của kiểm tra, đánh giá để có sự phối hợp, đồng hành đúng đắn, phù hợp. 

Én Bông

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Thanh 22-12-2021 12:37:03

    Tôi cùng học online với cháu lớp 1 từ ngày đầu năm học. Tôi thấy đa phần các phụ huynh luôn nhắc con mỗi khi con được cô mời đọc bài. Rất nhiều lần dù cô luôn nhắc nhở. Khi phụ huynh đi làm trở lại thì ảnh, chị thay thế. Có lúc anh, chị đọc thay cho bé, cô lại nhắc nhở. Tôi thấy cô dạy online rất vất vả. Cho nên tôi thấy nếu trường kiểm tra online thì thôi, khỏi kiểm để đỡ tốn công cô và nhà trường tổ chức.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI