Không phải qua một tiết học là có kỹ năng sống

04/11/2019 - 14:44

PNO - Gần đây, phong trào dạy kỹ năng sống cho trẻ nở rộ, cũng là điều đáng mừng. Nhưng vì sao dạy nhiều nhưng có vẻ những thay đổi trong ứng xử, hành vi của trẻ không cải thiện như mong đợi?

Tôi từng băn khoăn rất nhiều, từng tìm kiếm, hỏi han về tài liệu dạy kỹ năng sống cho học sinh ở các nước nhưng rồi ngỡ ngàng nhận ra họ chẳng có bao nhiêu. Có chăng là vài tài liệu vụn vặt từ các trung tâm tư nhân. Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ họ không coi trọng dạy kỹ năng sống?

Thực tế không phải. Chẳng qua, họ quan niệm kỹ năng sống hình thành từ các hoạt động thường ngày của con người nên sẽ không có bài học kỹ năng sống nào tách rời để dạy giáo điều trong trường học cả.

Vậy thứ họ ưu tiên phát triển cho học sinh là gì? Chính là giá trị.

Tôi đặt hàng giáo sư xã hội học và tội phạm học người Mỹ Neil Quisenberry nói chuyện với sinh viên trong học phần giáo dục kỹ năng sống. Ban đầu, tôi nêu chủ đề sự thiết lập các quy tắc/chuẩn mực, với ý nghĩ thời gian ít, nhờ giáo sư nói cái gì gần gũi, mang tính ứng dụng.

Kỹ năng sống là khả năng thực hiện các hành vi tích cực và thích nghi với các tình huống trong xã hội, trong khi đó chuẩn mực chính là các quy tắc hành vi mà xã hội mong đợi cá nhân thực hiện. Trẻ học được các quy tắc hành vi ắt sẽ hành xử phù hợp với cộng đồng xung quanh. Hành vi khi thực hiện nhiều lần, có tính phổ biến, ắt sẽ thành kỹ năng.

Tôi hiểu đằng sau chuẩn mực và quy tắc là giá trị nhưng thời lượng ít ỏi thì bỏ qua giá trị vậy. Thế nhưng, vị giáo sư quyết không bỏ qua. Ông bắt đầu với khái niệm văn hóa, nói rất kỹ. Sau đó tới giá trị, nói không ít, rồi mới tới quy tắc/chuẩn mực. Ba thứ này gắn chặt với nhau không thể tách rời. Không thể nói đến chuẩn mực khi không hiểu giá trị gì đằng sau. Và một nền văn hóa tử tế sẽ không thể có khi không được xây dựng trên những giá trị tử tế.

Cách tiếp cận vấn đề tận gốc thế này giúp tôi nhận ra lý do tại sao bấy lâu nay chúng ta dạy đạo đức, đặt ra hàng loạt quy tắc, kỷ luật cho trẻ… nhưng không hiệu quả. Càng lúc chúng ta càng khủng hoảng, rối loạn trong các nguyên tắc ứng xử. Suy cho cùng, chỉ vì chúng ta đang khủng hoảng giá trị - thứ được định nghĩa là niềm tin đạo đức (moral beliefs). Khủng hoảng niềm tin thì khủng hoảng chuẩn mực vì chuẩn mực là những cách thức hành xử mà các giá trị hướng dẫn cho ta.

Khong phai qua mot tiet hoc la co ky nang song
Học sinh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ngày càng nhiều

Việc ép trẻ tuân thủ quy tắc nhưng không đồng thời phát triển các giá trị cho trẻ khiến việc tuân thủ có thể không vững chắc vì trẻ không có niềm tin vào các quy tắc ấy. Việc giáo dục giá trị thì không thể thông qua các bài dạy sáo rỗng mà nó cần được cài đặt trong mọi hoạt động tương tác của người lớn với trẻ. 

Sẽ không thể giáo dục trẻ giá trị tôn trọng khi trường học không cho trẻ quyền được bày tỏ ý kiến, giáo viên không lắng nghe trẻ, dùng lời lẽ thô lỗ, miệt thị trẻ. Từ trong chính sách của trường, cách ứng xử của giáo viên, cách thiết kế môi trường học đường đã hàm chứa việc nhà trường đang muốn giáo dục giá trị gì cho trẻ. 

Vậy đó, chúng ta cứ mải mê đuổi theo những chiếc bóng... 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI