Cách người Nhật dạy trẻ đối diện với rủi ro

08/07/2019 - 11:00

PNO - Ở Tokyo (Nhật Bản) có một sân chơi với mô hình trông có vẻ đơn sơ nhưng ẩn chứa bên trong là một triết lý giáo dục sâu sắc.

Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều với nhau về khái niệm “bố mẹ trực thăng” (helicopter parents), vốn để chỉ những vị phụ huynh “soi” con quá kỹ, luôn ở bên cạnh, hướng con theo ý mình chỉ vì không muốn trẻ chuốc rủi ro, nhận thất bại hay chịu thương tổn.

“Coi chừng con ơi!”, “Từ từ nào”, “Tránh xa ra, nguy hiểm lắm”, “Con không chơi được đâu”, “Chơi chỗ này an toàn hơn”… dường như là những câu nói cửa miệng của những ông bố bà mẹ luôn muốn canh chừng, lòng đầy lo sợ vì luôn tưởng tương hiểm nguy đang rình rập con mình.

Cach nguoi Nhat day tre doi dien voi rui ro

Trẻ thỏa thích khám phá, trải nghiệm ở sân chơi Setagaya

Một thực tế đầy mâu thuẫn là ở đâu có khu trò chơi càng hiện đại với những chức năng hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng thì ở đó, bố mẹ càng muốn quan sát, càng muốn chạy đến nâng đỡ khi con vấp ngã, trượt chân… 

Có một sân chơi kỳ lạ ở ngay trung tâm Tokyo của Nhật Bản là sân chơi Setagaya. Nơi này chỉ có những tấm ván gỗ kết thành nơi trú ẩn lý tưởng, làm thành chiếc cầu tuột bằng gỗ chẳng có tay vịn, hay bắc thành cây cầu chông chênh mà đứa trẻ nào cũng muốn chinh phục, có bàn và ghế để trẻ muốn bày trò gì để chơi thì bày…

Trong khi phụ huynh thảnh thơi ngồi trò chuyện thì những đứa trẻ lên ba, lên năm mồ hôi nhễ nhại, chẳng biết mệt với vô vàn trò chơi tự nghĩ ra. Chúng leo trèo, té ngã rồi nhận ra nguy hiểm, phải cẩn thận hoặc quyết định chuyển sang trò chơi mới. Tất cả đều do chúng lựa chọn mà không cần có sự can thiệp, quấy rầy từ cha mẹ.

Cach nguoi Nhat day tre doi dien voi rui ro
 

Trẻ thỏa thích khám phá, trải nghiệm ở sân chơi Setagaya

Ở đây, chẳng có tiếng la hét thường thấy như ở những khu trò chơi khác. Trẻ con được tự do trong thế giới của chúng. Đó chính là màu sắc tuổi thơ thật sự mà oái oăm thay trẻ con thành thị bấy lâu nay chẳng hề hay biết tới.  

Với người Nhật, sân chơi Setagaya được xếp vào loại mạo hiểm và họ tin đây là cách hiệu quả để dạy trẻ lựa chọn, ra quyết định, đón nhận thử thách, đối diện với rủi ro và vượt qua. Những mô hình trò chơi mạo hiểm như Setagaya xuất hiện ở Nhật Bản từ thập niên 1970 với sứ mệnh giúp trẻ Nhật tìm kiếm sự cân bằng sau khoảng thời gian bị “trói chặt” với những điều cấm kỵ nghiêm ngặt từ gia đình đến nhà trường. 

Năm 1995, một sự kiện tang thương đã xảy ra ở Nhật Bản. Đó là trận động đất Kobe cướp đi sinh mạng của gần 6.500 người. Sân chơi Setagaya xuất hiện ở Tokyo cũng từ thời điểm ấy, không phải ngẫu nhiên mà bởi chính quyền và các chuyên gia giáo dục hiểu đã đến lúc cần phải dạy trẻ ứng phó với một cuộc sống đầy bất trắc thay vì nỗ lực bảo vệ chúng tránh hết mọi mối nguy hiểm.

Ban đầu, phụ huynh kịch liệt phản đối sân chơi này nhưng các chuyên gia quyết tâm bảo vệ Setagaya bởi họ muốn giáo dục một thế hệ trẻ không sợ hãi trước nghịch cảnh. Họ không muốn chỉ nhìn thấy nước mắt và sự bất lực mà họ muốn nhìn thấy những con người dũng cảm, không ngừng nỗ lực. 

Giờ đây, mô hình sân chơi mạo hiểm xuất hiện ngày càng nhiều ở Nhật Bản và cộng đồng dân cư sẵn sàng hỗ trợ tài chính, vật liệu giúp sân chơi thêm phong phú, trẻ có giờ chơi thỏa thích. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI