Không nhất thiết phải test COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh

28/03/2022 - 19:24

PNO - Không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.

Ngày 28-3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.

Hướng dẫn này được xây dựng với mục đích cung cấp các hướng dẫn về quản lý và chăm sóc đặc thù đối với các đối tượng phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nhẹ tại nhà.

Để điều trị tại nhà, phụ nữ có thai mắc COVID-19 phải là người chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ; Không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như: Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần; Ra máu âm đạo; Ra nước ối; Ngất hoặc co giật; Phù mặt, chân, tay; Đau đầu, nhìn mờ; Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường; Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Trẻ sơ sinh mắc COVID-19 điều trị ở nhà phải là những trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ;

Không có một trong các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh như: Bú ít hoặc bỏ bú; Ngủ li bì khó đánh thức; Các dấu hiệu suy hô hấp: tần số thở > 60 lần/phút ở 2 lần đếm khác nhau, thở rên, thở khò khè, thở rít, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực, có cơn ngưng thở trên 20 giây, SpO2<96%; Co giật hoặc co cứng; cử động bất thường; Thân nhiệt: Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; hạ thân nhiệt dưới 36°C sau khi đã ủ ấm; Mắt sưng đỏ hoặc có mủ; rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; Dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo, tiểu ít…

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Tại hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19, Bộ Y tế cho rằng đối với phụ nữ có thai, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày; Duy trì khám thai định kỳ, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly; Ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng…

Đối với bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú, theo dõi sản dịch, co hồi tử cung và phát hiện các dấu hiệu bất thường về sản khoa.

Đối với trẻ sơ sinh, theo dõi dấu hiệu toàn trạng của trẻ: tình trạng bú mẹ, màu sắc da, phân và nước tiểu; Đo thân nhiệt; Đếm nhịp thở.

Đáng lưu ý, theo Hướng dẫn này, không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR SARS-CoV-2 cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.

Nếu cả bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được xác định mắc COVID-19: Duy trì cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi khó bú, vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho bú; Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.

Nếu chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19, tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.

N.D

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI