Không để giáo viên cả nước “khổ như nhau, khó như nhau”

07/05/2025 - 07:12

PNO - Sáng 6/5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các địa phương có điều kiện nên dành chế độ ưu đãi tốt cho giáo viên, những nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước phải có thêm chính sách để hỗ trợ, không để cho giáo viên ở các nơi “đều khổ như nhau, đều khó như nhau”.

Phải phù hợp với bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đồng tình với quy định giao việc tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục thay vì giao cho UBND cấp huyện như hiện hành.

Tuy nhiên, ông băn khoăn: “Khi sắp xếp bộ máy, bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, các phòng giáo dục sẽ không còn, vậy thì cơ quan quản lý giáo dục của địa phương là ai?”. Ông đề nghị cần thiết kế dự thảo luật phù hợp với tình hình mới. Theo ông, dự thảo quy định, chỉ được thuyên chuyển khi giáo viên được ký hợp đồng hoặc tuyển dụng vào từ 5 năm trở lên. Nhưng trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, nếu vợ về tỉnh này, chồng về tỉnh kia thì việc chuyển công tác cho gần gia đình sẽ khó khăn, nên cần sửa đổi quy định này trong dự thảo luật.

Học sinh Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) trong giờ luyện chữ viết - ẢNH: TRANG THƯ
Học sinh Trường tiểu học Đinh Công Tráng (phường An Lạc, quận Bình Tân) trong giờ luyện chữ viết - Ảnh: Trang Thư

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (tỉnh Lào Cai) cho rằng, phải tính đến thẩm quyền tuyển dụng của các cơ quan địa phương trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, dự thảo phải có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhằm tránh tình trạng “mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu đồng bộ, lạm dụng, làm phát sinh bất cập trong chất lượng đội ngũ”.

Bà đề nghị, đối với các trường THPT chuyên - nơi có yêu cầu cao về chất lượng giảng dạy - cần cho phép các trường tham gia sát hạch, đánh giá đầu vào của giáo viên; ngoài những tiêu chuẩn, quy định chung, cần có những tiêu chuẩn riêng để đảm bảo tuyển chọn được đội ngũ giáo viên giỏi, đủ khả năng đào tạo học sinh năng khiếu và học sinh chuyên biệt của trường chuyên.

Ủng hộ việc giao quyền quản lý, tuyển dụng nhà giáo cho ngành giáo dục nhưng đại biểu Đỗ Huy Khánh (tỉnh Đồng Nai) băn khoăn về quy định “khi thuyên chuyển, giáo viên cần có sự tiếp nhận, đồng ý của cơ sở giáo dục”. Theo ông, điều này là cực kỳ khó: “Nếu chúng ta làm như thế thì các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa muôn đời sẽ không về được dưới xuôi. Tôi muốn giao việc này cho cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương. Họ có trách nhiệm điều động, luân chuyển để các thầy cô cắm bản 10 năm, 15 năm thì được về với gia đình, chăm lo cho gia đình và các con, không thể bắt thầy cô mãi mãi cắm bản”.

Khuyến khích các địa phương chăm lo cho nhà giáo

Phản hồi ý kiến của các đại biểu Quốc hội về quản lý, tuyển dụng nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phân tích, về phân cấp, phân quyền, “nơi nào sử dụng lao động, nơi đó có quyền được tuyển dụng”. Tuy nhiên, nhiều trường mầm non, tiểu học chỉ tuyển dụng rất ít giáo viên, làm cả một hội đồng tuyển dụng với các yêu cầu tuyển dụng viên chức khắt khe thì rất khó tuyển. Do đó, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý giáo dục đóng vai trò tổ chức tuyển dụng, riêng với các trường THPT có đủ điều kiện tuyển dụng thì sẵn sàng xem xét để phân cấp.

Đại biểu Bế Trung Anh (tỉnh Trà Vinh) cho rằng, trong xã hội hiện đại, nhiều ngành nghề đã có thu nhập vượt trội, trong khi thầy cô vẫn “ngơ ngác với đồng lương ổn định nhưng không đủ trang trải”. Nhiều giáo viên phải sống bằng nguồn thu nhập làm thêm, như bán hàng online, làm “cò” đất… Ông đề nghị, phải xác định tầm quan trọng của nghề giáo để có những ưu đãi xứng tầm.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, các địa phương có chính sách hỗ trợ nhà giáo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và cơ sở giáo dục. Đại biểu Trần Khánh Thu (tỉnh Thái Bình) kiến nghị xem xét, cân nhắc để đảm bảo sự nhất quán, công bằng giữa các địa phương bởi ngân sách mỗi địa phương khác nhau nên có thể tạo ra sự thiếu công bằng giữa các nhà giáo.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, đối với một số địa phương có điều kiện, Bộ GD-ĐT khuyến khích họ để dành các nguồn lực hỗ trợ nhà giáo: “Ví dụ như thời gian qua, chính quyền TPHCM đã chủ động dành các nguồn kinh phí để hỗ trợ, làm cho đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, giáo viên đỡ chuyển việc, nghỉ việc hơn. Đây là một điều rất đáng quý”.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, sự công bằng ở đây cần được hiểu là không để cho giáo viên ở các nơi “đều khổ như nhau, đều khó như nhau”. Các nơi có điều kiện được khuyến khích có chế độ ưu đãi tốt, còn những nơi chưa có điều kiện thì Nhà nước phải có thêm những chính sách để hỗ trợ. Ông mong muốn chính quyền cấp trung ương và địa phương cùng nhau chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho các nhà giáo.

Khoảng cách giữa trường công và trường tư ngày càng lớn

Tính đến hết năm học 2022-2023, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng trên 1,2 triệu giáo viên mầm non và phổ thông, tỉ lệ ngoài công lập chiếm 11,43%. Mặc dù có những khó khăn, song đội ngũ giáo viên ngoài công lập vẫn nhiệt tình với nghề và có nhiều đóng góp vào hệ thống giáo dục. Tuy nhiên, họ cũng có nhiều trăn trở do bị thiệt thòi về mặt chế độ, chính sách, hợp đồng lao động thiếu tính ràng buộc.

Điều này khiến giáo viên ngoài công lập phải tất bật dạy thêm bên ngoài hoặc thường xuyên nhảy việc. Chỉ có những bạn trẻ mới ra trường, không có hộ khẩu ở thành phố mới xin vào làm việc trong các trường dân lập, chủ yếu là để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy.

Các quy định chế độ, chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo chủ yếu áp dụng cho giáo viên công lập. Điều này sẽ tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa giáo viên trường công và trường tư. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý để quy định phù hợp với đối tượng nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập, trong đó có tính đến đặc thù của các cơ sở dân lập, tư thục.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình)

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI