Không có tiền, vẫn mua được hàng

14/07/2023 - 06:05

PNO - Một số nhà cung cấp trong và ngoài nước tạo ứng dụng (app) cho phép người dùng mua hàng hóa, dịch vụ trước, thanh toán sau 1 tháng hoặc trả góp.

Một dạng mua hàng trả góp 

Có thể kể đến các app mua trước, trả sau hiện nay như Fundiin, Kredivo, Heno, Aftee. Người dùng từ 18 tuổi trở lên, có căn cước công dân, sở hữu số điện thoại chính chủ từ các nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone chỉ cần tải app, đăng ký trực tuyến (online) mà không cần chứng minh thu nhập. Khi đăng ký thành công, người dùng sẽ được cấp hạn mức từ 400.000 - 5 triệu đồng và có thể dùng tài khoản này để mua các loại hàng hóa, dịch vụ ở các đơn vị bán hàng mà các ứng dụng này đã liên kết. Những người có lịch sử mua hàng tốt, điểm tín dụng tốt có thể được tăng hạn mức trong tài khoản ứng dụng lên 25-30 triệu đồng.

App Hero chủ yếu liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và không thu phí đối với tài khoản; app Fundiin liên kết với Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, The Face Shop, AHC, Paula’s Choice, người dùng được mua hàng trước và trả góp trong 3 kỳ thanh toán với lãi suất 0%; Kredivo hợp tác với Sendo, FPT Shop, Cellphones, Di Động Việt, S52, Di Động Thông Minh, Di Động Mango, Gió Biển, Uni Mobile, kỳ hạn trả sau linh hoạt. 

Theo đại diện Fundiin, app sẽ có những đánh giá dựa trên một số yếu tố trước khi duyệt tài khoản hoặc đơn hàng của người dùng. App có quyền từ chối, tạm dừng hoặc chấm dứt việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người dùng trong trường hợp người dùng không đáp ứng các điều kiện hoặc vi phạm quy định về thanh toán.

Một đơn hàng mua trước, trả góp tiền trong 12 tháng với lãi suất 14% cộng phí thanh toán
Một đơn hàng mua trước, trả góp tiền trong 12 tháng với lãi suất 14% cộng phí thanh toán

Ngoài các app, các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee, ví điện tử Momo, Zalopay, Viettel Money cũng cho khách mua hàng trước, trả góp sau qua app do các ngân hàng cung cấp với hạn mức từ 3-20 triệu đồng tùy app. Lãi suất mua hàng trả góp 0% với kỳ hạn 3, 6, 9, 12 tháng thường chỉ áp dụng đối với khách có thẻ tín dụng visa, mastercard, JCB, điều kiện xét duyệt khó khăn hơn và khách phải trả thêm phí chuyển đổi gần 3%/tháng và 30.000 đồng phí chậm thanh toán. 

Với app Spaylater trên Shopee, nếu hóa đơn quá hạn thanh toán thì ngoài mức phí trả chậm 30.000 đồng cho mỗi kỳ hóa đơn quá hạn, dịch vụ có thể sẽ bị đóng, đồng thời hóa đơn quá hạn này sẽ được cập nhật lên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), ảnh hưởng không tốt đến điểm tín dụng của người dùng.

Co.opXtra Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng vừa hợp tác với Công ty cổ phần Hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú (MOVI) triển khai hình thức mua trước, trả sau đối với các loại nhu yếu phẩm. Theo đó, khách mua sắm nhu yếu phẩm của Co.opXtra qua MOVI có thể trả góp trong 45 ngày mà không phát sinh khoản phí nào, vẫn được giao hàng tận nơi.

Ông Lương Việt Chương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế Đất Phú - cho hay, công ty đang hợp tác với Aftee (Nhật Bản) triển khai phương thức mua trước, trả sau ở Việt Nam. Khách nhập số điện thoại ở mục thanh toán, sẽ có ngay hạn mức tín dụng 400.000 đồng để mua hàng và được trả góp với lãi suất 0%. 

Phải kiểm soát chi tiêu 

Ông Lương Việt Chương cho rằng, nhà cung cấp ứng dụng tin tưởng vào cả người mua hàng và người bán hàng. Họ chọn lọc kỹ nhà bán hàng uy tín để ký hợp đồng. Với mỗi giao dịch phát sinh, họ thu 3,9% phí duy trì hoạt động và 4.000 đồng phí triển khai. Hiện nhà cung cấp app tạm miễn mức phí này trong 3 tháng đầu.

Mới đây, trong sự kiện công bố sự hợp tác giữa Fundiin và Lotte Cinema - hệ thống rạp phim có hơn 40 cụm rạp ở Việt Nam - đại diện Fundiin cho biết, việc cho phép khán giả thanh toán sau 30 ngày hoặc chia 3 kỳ thanh toán khi xem phim tại hệ thống rạp Lotte giúp các đối tác gia tăng hiệu quả bán hàng, gia tăng giá trị đơn hàng trung bình lên gấp 2 lần so với các phương thức ví điện tử. 

Đa số app miễn lãi suất đối với kỳ hạn trả sau 30 ngày hoặc 3 tháng, yêu cầu khách trả trước khoảng 30 - 40% trị giá đơn hàng và chia ra trả dần khoản còn lại với lãi suất từ 3,5 - 14% cho kỳ hạn 6, 9, 12 tháng. Hầu hết các app cho phép người dùng thanh toán hóa đơn điện, nước hay nạp tiền điện thoại với kỳ hạn trả sau 30 ngày, lãi suất 0%.

Chúng tôi vào một trang web chuyên kinh doanh thực phẩm, chọn sản phẩm sô cô la cần mua, trị giá 275.000 đồng/gói. Khi thanh toán, ngoài phương thức trả tiền mặt khi nhận hàng hoặc thanh toán online bằng thẻ, còn có ứng dụng thanh toán online Aftee. Theo đó, chỉ cần nhập số điện thoại, mã xác thực OTP sẽ được gửi qua tin nhắn điện thoại, nhập mã này thì có thể liên kết với Aftee để thanh toán trả góp theo gói 3, 6, 9, 12 tháng.

Tuy nhiên, tương ứng mỗi gói trả góp là các mức lãi suất khác nhau, cộng với phí thanh toán nhiều lần. Nếu chọn gói 3, 6, 9 hay 12 tháng, khách phải trả mức lãi suất tương ứng trên kỳ hạn đó là 3,5%, 7%, 10,5%, 14% và phí thanh toán nhiều lần từ 9.500-36.500 đồng theo gói đăng ký trả góp. Khi chúng tôi chọn gói 12 tháng, tổng số tiền phải trả cho đơn hàng trị giá 275.000 đồng là 313.500 đồng. 

Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc marketing Haravan (công ty xây dựng nền tảng bán hàng online cho hơn 50.000 doanh nghiệp trên cả nước) - cho biết, hình thức mua trước, trả sau khá phổ biến ở các nước phát triển và hiện đang được áp dụng ở thị trường Việt Nam. Haravan cũng liên kết với nhiều app mua trước trả sau để áp dụng trên các nền tảng bán hàng online. 

Theo ông, mua trước trả sau cũng giống hình thức mua hàng trả góp bằng thẻ tín dụng nhưng hình thức mới này dành cho người chưa có thẻ tín dụng hoặc người muốn kéo dài thời gian thanh toán thay vì phải thanh toán sau 45 ngày. Thông thường, các app sẽ miễn phí lãi suất cho những lần mua sắm đầu tiên. Hình thức thanh toán này giúp kích thích tiêu dùng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng nhóm đối tượng khách hàng, giúp người có thu nhập thấp mua được hàng trị giá cao và trả góp. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, ở Việt Nam, tỉ lệ nợ xấu, các trường hợp xù nợ ngày càng nhiều nên số lượng người được duyệt để được mua hàng trước, trả tiền sau không tăng mạnh như trước đây. Do đó, hình thức mua sắm này vẫn chưa thể thay thế thẻ tín dụng được mà chỉ có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhóm khách hàng trẻ tuổi chưa có nhiều tiền. 

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, bên cạnh sự tiện lợi cho khách hàng và đơn vị bán hàng, hình thức này khá rủi ro cho các đơn vị triển khai app. Thực tế, đã có một số app rời khỏi thị trường Việt Nam sau một thời gian triển khai. 

Ông nói: “Để hình thức này phổ biến, cần có sự hợp tác thanh toán của người tiêu dùng. Điểm tín dụng giúp người tiêu dùng được ứng trước khoản tiền lớn hơn để mua món hàng có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần tìm hiểu kỹ chính sách thanh toán, mức lãi suất, các khoản phí liên quan để tránh trả tiền cao hơn nhiều so với trị giá món hàng. Việc chi tiêu quá tay cũng dễ dẫn tới tình trạng thiếu trước, hụt sau”.

Bà Hồ Lê Thảo Trinh - Nhà sáng lập Lady Networking Community - cũng đánh giá, các ứng dụng mua trước trả sau dần phổ biến nhưng người dùng cần kiểm soát chi tiêu, chẳng hạn có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, lên danh sách các khoản chi cố định trong tháng để cân đối với nguồn thu nhập, chỉ nên mua sắm trong khả năng thanh toán để không rơi vào tình trạng bị phạt lãi cao khi trả chậm, bị điểm tín dụng xấu, gây ảnh hưởng về lâu dài. Người dùng cũng nên theo dõi sát các khoản phí này trên app, chủ động thanh toán trước mà không cần đợi thông báo từ app để tránh việc quên thanh toán hoặc thanh toán trễ hạn. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI