 |
Cựu chiến binh ngồi cùng bạn trẻ, cùng mừng hoà bình của hôm nay |
Với công việc của một phóng viên, những ngày tác nghiệp trong đợt lễ 30/4 vừa qua thật sự đáng nhớ. Có nhiều tâm tư, cảm xúc nhưng điều đọng lại trong tôi là một thế hệ biết cúi đầu, không chỉ ồn ào, bề nổi.
Sáng 30/4, ngày quan trọng nhất để chứng kiến đoàn diễu binh, diễu hành mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người trẻ sẵn sàng đến từ tối hôm trước để “xí” một chỗ ngồi thật đẹp cho sáng hôm sau.
Nóng nực, chật chội, vật vờ vì thiếu ngủ nhưng khi một cựu chiến binh trên ngực gắn đầy huy chương danh dự đi ngang, vài nhóm trẻ hò reo, vỗ tay. Thời gian không đủ để có những cuộc trò chuyện, để hiểu hơn từng chiếc huy chương kia là thành tựu cho từng chiến công nào. Nhưng chỉ cần thấy màu áo xanh, áo trắng của các lực lượng từng tham gia quân đội, công an đi ngang, lòng biết ơn được thể hiện ra bằng cách tối thiểu nhất là tiếng vỗ tay và lời chào, lời cảm ơn.
 |
Những người cựu binh gặp lại nhau trong dịp đất nước mừng 50 năm thống nhất |
Khi cựu chiến binh Nguyễn Văn Tĩnh đi ngược ra từ khán đài chính, giữa dòng người, ông quay phim và thỉnh thoảng chọc ghẹo người xem bằng cách đưa camera lại gần. Không ai khó chịu mà thậm chí còn hợp tác với ống kính. Thời điểm chúng tôi phỏng vấn, nhiều người trẻ, nhiều gia đình trẻ có con nhỏ tập trung xung quanh. Có người quay phim, có người chỉ im lặng đứng nghe nhưng kết thúc cuộc trò chuyện ngắn, tất cả vỗ tay và xin chụp ảnh với người cựu binh già.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh năm nay 75 tuổi, nguyên là cán bộ chiến sĩ của Quân đoàn 3, nay là Quân đoàn 34. Trong thời gian tham gia cách mạng, quân đoàn của ông từng đánh thắng nhiều trận lớn, trực tiếp là 1 trong 5 cánh quân góp vào thành công của đại thắng 30/4 lịch sử. Khi biết ông Nguyễn Văn Tĩnh tự chạy xe máy từ Đắk Lắk đến TPHCM, trên đường ghé qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ để thắp nhang, tưởng nhớ đồng đội của mình, không ai bảo ai nhưng tiếng vỗ tay vang lên.
 |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tĩnh trả lời Báo Phụ nữ TPHCM, nhiều người trẻ tập trung lắng nghe ông chia sẻ |
Trong những ngày tác nghiệp phải rảo mắt quan sát liên tục, không ít lần tôi thấy khối “đặc cách” xuất hiện. Khối “đặc cách” là cách gọi vui cho những trường hợp được lực lượng an ninh hỗ trợ để có được vị trí phù hợp để xem diễu binh. Họ có thể là những cựu chiến binh mang trên mình huy chương lấp lánh của Tổ quốc, cũng có thể làm công việc hậu cần hay văn công trong quân đội... vì đến sau nên chỗ ngồi chưa thuận lợi. Lực lượng an ninh nhìn thấy và ngay lập tức, khối “đặc cách” được mở đường để vào trong, thuận lợi hơn để theo dõi các khối diễu binh, diễu hành.
Điều đáng nói là những người cựu chiến binh không yêu cầu được biệt đãi. Rất nhiều cô chú ngồi hoặc đứng phía sau để theo dõi chương trình, nhưng họ được mời vào hàng đầu như một sự đặc cách mà không ai phiền hà vì họ xứng đáng.
Những chia sẻ trên không phải bênh vực cho thế hệ trẻ, không để xoa dịu khi một vài người trẻ trở thành tâm điểm của sự chỉ trích vì không nhường chỗ cho các cựu chiến binh, mà chỉ đưa đến một góc nhìn khác. Ở đó, có nhiều người trẻ biết cúi đầu trước thế hệ cha ông - những người mang trong mình vết thương chiến tranh, đánh đổi tuổi xuân và chấp nhận nhiều mất mát để đất nước có được hoà bình hôm nay.
 |
Những chứng nhân lịch sử xuất hiện tại sự kiện 30/4 như một lần nữa nhắc nhớ, hoà bình hôm nay đáng giá thế nào |
 |
Các cựu chiến binh được mời lên để ngồi trước |
 |
Nhiều đồng đội cũ rủ nhau gặp lại ở ngày 30/4. Họ được mời lên trước để có chỗ ngồi thuận tiện xem diễu binh, diễu hành. |
Diễm Mi
Ảnh: Nguyễn Quang