Khi sự an toàn của khán giả còn bị xem nhẹ

12/11/2022 - 06:49

PNO - Ngành công nghiệp âm nhạc thế giới đang trở thành tâm điểm, với một loạt sự cố gây chết người do giẫm đạp, sập sân khấu.

Thời gian gần đây, những buổi hòa nhạc quy mô lớn, hay fanmeeting (họp mặt người hâm mộ) trên toàn cầu của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn đi kèm nỗi lo của công chúng. Các sự kiện tập trung đông người không chỉ có nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn có thể dẫn đến các sự cố khó lường.

Đến giờ, mọi người vẫn không khỏi kinh hoàng khi nhớ đến vụ 30 khán giả bị ngất xỉu do chen lấn và xô đẩy nhau, trong buổi hòa nhạc của nhóm NCT 127 ở Indonesia tối 4/11. Cảnh sát đã yêu cầu nhóm nhạc k-pop phải tạm dừng biểu diễn giữa chừng. Chỉ vài ngày sau, Indonesia tiếp tục chứng kiến cảnh khán giả hỗn loạn, chen chúc nhau khi tham dự fanmeeting của nam thần tượng Sehun (EXO).

Buổi hòa nhạc của nhóm NCT 127 ở Indonesia phải tạm dừng vì sự cố đám đông xô đẩy, chen lấn
Buổi hòa nhạc của nhóm NCT 127 ở Indonesia phải tạm dừng vì sự cố đám đông xô đẩy, chen lấn

 

Trước đó, vào tháng Tám, thảm họa sập sân khấu tại lễ hội âm nhạc ở Tây Ban Nha khiến một người tử vong và 17 người bị thương, trong đó có ba người bị thương nặng. Rồi buổi hòa nhạc ở thành phố Guadalupe, bang Nuevo Leon, Mexico từ một sự kiện vui vẻ bỗng chốc nhuốm màu tang thương với năm người chết. Nguyên nhân do khoảng 500 người đã xô đẩy, giẫm đạp lên nhau chạy thoát thân, sau khi nghe thấy có tiếng súng nổ. 

Những sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhưng cho đến khi xảy ra thảm họa giẫm đạp tại Itaewon, Seoul, Hàn Quốc, vấn đề an toàn tại các sự kiện đông người, nhất là các buổi hòa nhạc mới thực sự được xem xét nghiêm túc.

Nhiều chuyên gia an ninh nhận định các đơn vị tổ chức biểu diễn hòa nhạc đang rất chủ quan. Paul Wertheimer - người sáng lập dịch vụ tư vấn an toàn đám đông Crowd Management Strategies ở Los Angeles (Mỹ) - cho biết: “Không có gì biến chuyển, bởi những người tổ chức không thay đổi và không quan tâm đến việc thay đổi. Họ chỉ đang mải mê với việc làm sao kiếm được nhiều tiền từ các buổi hòa nhạc trực tiếp”.

Khách quan nhìn nhận thì vẫn có những sự thay đổi nhỏ, điển hình là các nghệ sĩ đã biết cách xử lý những tình huống bất ngờ, nhanh chóng cho tạm dừng buổi biểu diễn, khi cảm thấy có dấu hiệu bất ổn. Ví dụ, Billie Eilish đã tạm dừng buổi hòa nhạc của mình ở Atlanta để đảm bảo rằng một người hâm mộ đang khó thở nhận được sự giúp đỡ, hay Adele đã ngưng trình diễn ở London khi thấy một vài người hâm mộ đang gặp nạn.

Tuy nhiên, sự tinh ý từ một vài cá nhân nghệ sĩ là chưa đủ để đảm bảo cho người hâm mộ có được một không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn. Thay vào đó, các nhà tổ chức cần có những biện pháp kỹ lưỡng hơn, bao gồm tăng cường giám sát các địa điểm, khả năng xử lý đám đông lớn và các sự cố; nhân viên an ninh và y tế cần được đào tạo chuyên sâu và kiểm tra nghiêm ngặt hơn; sự kết nối giữa các nhân viên an ninh và nhân viên sân khấu, những người có thể cảnh báo nghệ sĩ về sự cần thiết phải dừng buổi biểu diễn.

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI