Khi sinh viên ngành y gọi đi học giữa dịch COVID-19 là sự hy sinh

09/03/2020 - 18:04

PNO - Mỗi sinh viên học ngành y đều biết về lời thề Hippocrates. Khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi bác sĩ phải dấn thân để giúp đỡ cộng đồng.

Hôm nay, 9/3, sinh viên (SV) của Trường đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM trở lại trường học. Đây là trường ĐH đầu tiên tại TP.HCM cho SV trở lại trường sau thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19. 

Theo lý lẽ của nhà trường, để đưa đến quyết định trên có nhiều lý do: thứ nhất, ngành y học thực hành nhiều nên khó học online hiệu quả; thứ hai, SV y khoa có những kiến thức y tế nhất định, tham gia tập huấn, khi cần thiết có thể trở thành đội ngũ hỗ trợ công tác phòng chống COVIDS-19 tại các bệnh viện; ngoài ra, trường cũng đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để an toàn cho SV…

Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh và SV đã không nghĩ như vậy. Trên các diễn đàn SV, trang confessions, SV và phụ huynh trường này bày tỏ lo sợ, gọi việc cho SV y khoa đi học trở lại ở thời điểm này là cuộc thí nghiệm, là sự hy sinh… Và kêu gọi nhà trường nên xem xét lại quyết định này.

Sinh viên trường ĐH Y dược TP.HCM đã trở lại trường từ hôm nay
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã trở lại trường từ hôm nay 9/3

Trên trang YDSer Confessions, có SV đã thẳng thắn nói: “Kính thưa Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô bộ môn, em rất nhớ trường lớp, em chỉ muốn học lý thuyết, không muốn lâm sàng tẹo nào vì không có gì đảm bảo sẽ có bị lây nhiễm chéo hay không… Bước vào cổng BV đã có nguy cơ bị nhiễm rồi…”.

Rất nhiều sinh viên, phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình với quyết định này
Rất nhiều sinh viên, phụ huynh bày tỏ sự không đồng tình với quyết định đi học lại

Không muốn cho con đi học vì sợ nguy hiểm, một số phụ huynh SV y khóa 2018 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phản đối khi con nhận lệnh thực tập ở một bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng. Vì cho rằng SV không đủ khả năng, kiến thức tự bảo vệ mình và đề nghị trường xem xét hủy bỏ quyết định. 

Theo PGS.TS Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Y, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mỗi SV học ngành y đều biết về lời thề Hippocrates. Mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi bác sĩ càng cần phải dấn thân để giúp đỡ cộng đồng. Quan trọng hơn, trước khi đến bệnh viện, SV đã được tập huấn, giảng dạy thêm các kiến thức về virus, vệ sinh dịch tễ, ứng phó dịch bệnh, trong đó có virus corona. Các SV cũng được khuyến khích sử dụng những kiến thức này để tiếp tục tuyên truyền cho gia đình, người thân, bạn bè. 

Tâm lý lo lắng con không an toàn khi đi học của phụ huynh cũng là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng, các SV này đang được đào tạo để trở thành những người thầy thuốc trong tương lai, ngày ngày tiếp xúc với bệnh tật. Đặc biệt, SV y khoa có kiến thức về y tế, dịch bệnh và tâm thế của người sẽ làm nhiệm vụ chữa lành vết thương cho người khác… Thử hỏi, giữa cơn đại dịch cấp bách, để trở thành lực lượng dự bị, hỗ trợ khi ngành y tế cần nếu không phải SV y khoa thì còn ai?

Một nhà đào tạo lâu năm cười buồn: thấy SV y khoa lao xao mà buồn. Nói thật, người đam mê học y khi thấy dịch, lo đấy nhưng đó cũng là cơ hội lâm sàng hiếm có.

Phụ huynh sợ - có thể cảm thông, SV y khoa sợ - chỉ thấy buồn. Trong tương lai, nếu có một con virus nào đó xuất hiện, những bác sĩ này sẽ lựa chọn bệnh nhân, hay ở nhà cho an toàn? Có thể để lại hôn thê, tài sản, tương lai xán lạn… để đi vào vùng dịch như những bác sĩ ở vùng tâm dịch Vũ Hán? Tôi không cho rằng đây chỉ thứ lý tưởng suông. Nó chẳng phải là tâm thế phải có của người học và hành nghề y sao? 

Ngay từ những ngày thanh xuân đã thiếu nhiệt huyết, không muốn đến bên bệnh nhân, không say mê những cơ hội tiếp cận lâm sàng, sợ dịch… thì sau này khi thuần thục, chịu áp lực trong guồng xoay của công việc thì ai dám kỳ vọng họ sẽ lựa chọn đi đến những nơi nguy hiểm vì bệnh nhân của mình?

Sẽ chẳng có chuyện đòi lao ra tuyến đầu cách ly, sẽ không ai tình nguyện đi đến châu Phi nghèo đói để cứu chữa, sẽ không cố thủ điều chế vắc-xin cho đến khi chính bản thân mình nhiễm bệnh như các bác sĩ trong cơn đại dịch SARS nữa sao? Tôi không dám nghĩ đến viễn cảnh đó.

Từ thuở nhỏ, tôi đã từng ngưỡng vọng trường y và những con người bước vào giảng đường đại học y. Và họ có lời thề Hippocrates thiêng liêng, mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi bác sĩ sẽ dấn thân để giúp đỡ cộng đồng. Chỉ mong lời thế tôn quý ấy sẽ luôn tồn tại trong trái tim người học, hành nghề y.

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(13)
  • An 11-03-2020 07:32:51

    Trường YDS ngoài khoa Y còn nhiều khoa khác nữa ạ

  • Quang 09-03-2020 23:40:43

    Bạn có con không? bạn vận động con bạn hy sinh cho xã hội đi nhé.

  • CTN 09-03-2020 23:25:42

    Chắc chắn là trong thời gian tới, số lượng thí sinh đăng ký vào các Trường đại học y khoa sẽ giảm. Ngành Y tế nói chung và hình ảnh người Bác sĩ y khoa nói riêng không phải là oai vệ, nhiều tiền mà phải dũng cảm, hy sinh. Cái thời mà ùn ùn thi vào y khoa với điểm cao ngất, các Trường đại học đa ngành cũng đòi đào tạo Bs sẽ qua đi. Còn lại sẽ là những người có tâm huyết với nghề.

  • Tung 09-03-2020 23:05:46

    Nghề bạc bẽo , hi sinh rồi nhận được gì, bây giờ còn định hướng là ngành dịch vụ, dịch vụ thì cứ theo cơ chế thị trường, nguy hiểm thì nghỉ

  • Ruồi 09-03-2020 22:08:19

    Tôi chỉ muốn nói rằng nếu sinh viên được nhà trường trang bị dụng cụ bảo hộ như nhân viên y tế thì chắc chắn không 1 ai dám kêu ca đi học là sự hi sinh. Họ- những người sinh viên chưa làm ra tiền- phải tự thân trang bị tất cả

  • Huy 09-03-2020 21:52:12

    Thứ nhất, khi tất cả học sinh - sinh viên HCM được nghỉ, tại sao các em ĐH YD HCM lại phải đi học tập trung ở trên trường? như vậy CÓ LỢI ÍCH GÌ? chả lẽ như vậy mới là Y đức? chả lẽ phải cầm dao lao vào màn đạn mới là yêu nước?
    Thứ hai, sv Y có kiến thức chuyên môn, có kỹ năng nên có khả năng bảo vệ bản thân? xin lỗi, dù bạn có là giáo sư tiến sĩ, thì biện pháp bảo vệ duy nhất cũng chỉ là khẩu trang, nước rửa tay thôi. Các em cũng chỉ là người thường, đừng có thần thánh hóa lên như thế. Mà đến bs còn không có khẩu trang đeo, các em hoàn toàn phải tự chuẩn bị khẩu trang đó
    Thứ 3, các em đi học để có thể tham gia vào hoạt động chống dịch? Xin hỏi trên địa bàn HCM có bao nhiêu trường Y đi học rồi? có bao nhiêu sinh viên hộ khẩu ngay tại HCM, có cần phải huy động 14.000 sinh viên từ khắp đất nước gom lại HCM chống dịch không? chả lẽ không để các em chống dịch ngay tại địa phương
    Thứ 4, và cũng là cái khó chịu nhất. So sánh sinh viên với bác sĩ? Xin lỗi bạn biết khi đi lâm sàng sinh viên Y có hoàn cảnh như thế nào không? nếu không xin mời 1 buổi sáng nào đó lên lầu 4, bv Chợ Rẫy. Cái phòng nhỏ xíu, sinh viên chen chúc nhau, đừng nói chỗ ngồi, thậm chí đứng còn không có. Nếu không đến bv Nhi Đồng, mỗi sáng sẽ thấy các bạn sinh viên học như thế nào, mỗi lần khám là 3 vòng trong 3 vòng ngoài, chen nhau để nghe giảng, xin hỏi ngăn dịch kiểu gì?

    Hiện tại, nhiều nhà trọ thậm chí không cho sv Y ở nữa, họ sợ bị lây, trong khi vẫn đòi hỏi sv Y đi chống dịch? BUỒN CƯỜI!!! Xin hỏi nếu bạn có sv Y trọ chung nhà? bạn có sợ không? nếu bạn có con là sv Y, bạn có cho nó đi không? Khi các em bị bệnh, các bạn có nguyện giúp đỡ gì không? mà đòi hỏi?

  • Nhật 09-03-2020 21:40:49

    SV Y trường cô đi học chưa?

  • pet 09-03-2020 21:30:10

    học y để chữa bệnh chứ có phải để hy sinh vì người khác đâu ?

  • Hynta 09-03-2020 21:29:24

    Sinh viên Y không sợ bị nhiễm vì sức trâu bò lắm, chỉ sợ bị nhiễm rồi lây cho người khác đặc biệt là ông bà cha mẹ lớn tuổi ở nhà.

    Đúng sai chỉ mang tính tương đối trong mọi trường hợp thôi nhé em báo gia tuệ

  • Nguyễn 09-03-2020 21:05:00

    Thiết nghĩ khi báo đăng tin thế này thì sẽ được gì nhỉ? Báo chỉ nhìn 1 góc, quá phiến diện.

  • Art 09-03-2020 20:57:03

    Trương Viễn không giống đâu bạn, ví dụ đơn giản thế này, bộ đội ra chiến trường thì được phát súng đồ, phát mũ cối đồ, phát áo chống xây xát một cách tương đối đồ (vải may quần áo cho bộ đội là loại có thể bảo vệ tương đối khỏi những thứ như mảnh vỡ, thép gai, cỏ dại,...), đó là nhân viên y tế. Sinh viên y thì bạn nghĩ giống đứa mặc đồ ngủ nhảy ra chiến trường vậy đó, nhất là tình hình giờ đi khắp thành phố không mua được cái khẩu trang. Chưa kể, sinh viên bị bệnh chết rồi thì thôi đi, nhưng trong 14 ngày từ lúc nhiễm bệnh tới chưa phát bệnh còn phải gặp, nào chủ nhà trọ, nào đứa hàng xóm, nào con bạn cấp 3,...đủ thứ người, mang mầm bệnh ra cộng đồng như vậy người ta gọi là phá hoại

  • Amanda 09-03-2020 20:01:55

    Không biết khi viết những dòng này ra, tác giả bài viết đã tìm hiểu kỹ chưa?
    - Lời thế Hippocrates thiêng liêng, "khi có thiên tai, dịch bệnh, mỗi bác sĩ phải dấn thân để giúp đỡ cộng đồng", vậy sinh viên là được coi là "bác sĩ" chưa mà tác giả lại đánh đồng sinh viên như thế?
    - "Trước khi đến bệnh viện, SV đã được tập huấn, giảng dạy thêm các kiến thức về virus, vệ sinh dịch tễ, ứng phó dịch bệnh, trong đó có virus corona". Vậy tác giả có biết sinh viên năm mấy mới được đi bệnh viện, mới học về vệ sinh dịch tễ hay không? Sinh viên cần phải có sự chuẩn bị kiến thức và kỹ năng thực hành kỹ lưỡng mới có thể đi ra thực hành trực tiếp, còn đây có những sinh viên năm 1, năm 2 còn chưa biết gì về chuyên ngành, thì lấy gì có thể đảm bảo cho sức khỏe bản thân? Mặc dù sinh viên trường y có thể hiểu biết hơn các sinh viên khác về mặt bảo vệ bản thân, nhưng hãy nhìn hình ảnh cả trăm sinh viên ngồi chen chúc nhau trong giảng đường, có đảm bảo được khoảng cách an toàn để tránh lây nhiễm hay không?
    - "Trong tương lai, nếu có một con virus nào đó xuất hiện, những bác sĩ này sẽ lựa chọn bệnh nhân, hay ở nhà cho an toàn?" một con virus xuất hiện, ngay cả các bác sĩ đầu ngành cũng còn e dè, huống hồ chi là những bác sĩ mới, trẻ, chưa có kinh nghiệm? Bây giờ thậm chí là sinh viên chưa có kiến thức cũng phải đi đối diện với hiểm nguy như vậy?

  • Nguyễn Thị Duyên 09-03-2020 19:31:33

    Bài viết hay quá. Đúng là nếu bác sỹ nào cũng chỉ nghĩ về sự an toàn của bản thân thì các em sinh viên y khoa là bác sỹ tương lai nên nhân dịp này bỏ nghề đi, chọn việc khác mà làm. Thấy mà đã sợ rồi thì làm sao sẵn sàng cứu chữa cho bệnh nhân đây? Nghĩ mà buồn quá!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI