Đại học Quốc gia TPHCM "chốt" hết tháng 3, nhiều đại học khác đòi 16/3 mở trường

06/03/2020 - 11:17

PNO - Đó là thông tin được đại diện nhiều trường đại học đưa ra tại cuộc họp do UBND TPHCM tổ chức vào sáng 6/3.

Trường học than khó “chốt” ngày đi học lại

PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường đại học (ĐH) Luật TP.HCM phân trần, các trường đang gặp khó trong việc quyết định cho sinh viên đi học lại.

Ông kể, luôn hồi hộp, không biết xử lý thế nào cho đúng, mong muốn của lãnh đạo trung ương và địa phương trong việc xác định thời điểm cho học sinh - sinh viên khác nhau, không thể để trường đóng cửa mãi. 

Đo thân nhiệt sinh viên ở ký túc xá
Đo thân nhiệt sinh viên ở ký túc xá

Trường ĐH Luật TPHCM chỉ cho học lại từ ngày 2/3 với những sinh viên năm cuối, số còn còn lại vẫn nghỉ. Ngày 15-16/3 tới, theo lịch các trường sẽ đi học trở lại nhưng chưa biết tình hình thế nào. Ông Hải ví von, không nên để xảy ra tình trạng sáng thứ Hai đến trường mà tối Chủ nhật còn không biết có đi học hay không.

Tuy nhiên, ông Hải vẫn còn băn khoăn ngày 16/3 cho sinh viên đi học hay không đi học? Đi thì có áp lực gì cho TPHCM? 

PGS-TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: "Đứng ở góc độ phòng ngừa bệnh dịch, chúng ta nên thống nhất về ngày đi học lại. Chỉ đạo của Bộ GD-ĐT cho các trường ĐH tự chủ nhưng quyết định phải dựa vào ngành y tế.

Nhưng không một cơ sở trường học nào có đầy đủ thông tin bằng ngành y tế. Vì vậy, tôi đề nghị UBND TP nên thống nhất ngày đi học trở lại, để toàn bộ sinh viên thấy quyết tâm chung, thấy an tâm để đi học trở lại.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhấn mạnh rằng các trường không được chủ động và đang gặp khó khăn khi lịch học cứ dời từng tuần một.

Ông nói: "Cho sinh viên nghỉ cũng chết, không cho nghỉ cũng chết. Cụ thể là bài toán học vụ, Bộ GD-DT đã quy định 15/7 là thi thì không thể lùi được nữa. Nếu nghỉ hết tháng 3/2020 thì học kỳ sẽ bị đẩy qua cả kỳ thi THPT quốc gia. Lúc đó, giảng viên, cán bộ lại làm công tác coi thi quốc gia, học vụ phải đẩy qua mấy tuần nữa nhưng không còn thời gian dự trữ.

Trường chúng tôi tự chủ, lâu nay lấy quỹ tích lũy để trả lương, chứ lấy tiền đâu trả lương nếu không có người học. Chúng tôi tính mỗi sinh viên tốn khoảng 4 triệu đồng/tháng nhà trọ, xe cộ… sinh hoạt tại TP.HCM, tổng số 600.000 sinh viên và 400.000 các hệ cao đẳng thì mỗi tháng lãng phí quá lớn. Tôi đề xuất chỉ nên nghỉ thêm một tuần để nghe ngóng và đi học đồng loạt lại vào ngày 16/3".

PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thừa nhận rất lo lắng, rất cân não và nên có sự thống nhất. Phải tính toán lịch dạy từ 15 tuần xuống còn 10 tuần vì hết thời gian bù rồi. Các trường đều sáng tạo, dạy online nhưng không thể nào thay thế được “face to face” và thực hành thì phải chờ đi học lại mới làm được.

"Tôi tin rằng có sự thống nhất về lịch đi học tạo được sự đồng thuận chung và an tâm chung. Tôi đề xuất đi học lại từ 16/3 vì dịch bệnh diễn biến rất nhanh, chúng ta cũng không biết nghỉ đến bao giờ. Như hiện nay, chúng tôi cần có một ngày chốt cụ thể, rồi toàn thể các trường sẽ đồng loạt thực hiện các biện pháp an toàn để chuẩn bị ngày đón sinh viên trở lại", PGS Phong đề xuất.

Đề xuất sinh viên y khoa cần đi học sớm

PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM, phân tích: "Chống dịch là phải nhất quán và hiện nay trường đã dời 3 tuần lễ rồi. Đi học và không đi học, một bàn cân hết sức nhạy cảm và khó khăn. Số liệu hiện nay có 12 ca tử vong/145 ca của Mỹ cập nhật cách đây 10 phút, tỷ lệ tử vong là 8,2%. Hàn Quốc tử vong 40 ca/hơn 6.000 ca thì tỷ lệ thấp hơn. Sở dĩ Hàn quốc có tỷ lệ tử vong thấp vì tỷ lệ xét nghiệm cao, những nơi tử vong cao đều do xét nghiệm ít". 

Trường đại học Công nghiệp TP.HCM đã thông báo cho sinh viên nghỉ hết tháng 3/2020
Trường đại học Công nghiệp TPHCM đã thông báo cho sinh viên nghỉ hết tháng 3/2020

Theo PGS Tuấn, "lực lượng y tế dự bị ở đâu ra, tôi nghĩ đó là sinh viên khối ngành khoa học sức khỏe. Có thể, tuần tới cho nhóm nhỏ là sinh viên y khoa (các em cũng cần biết, làm quen với dịch bệnh) đi học trước coi như tập huấn, sau đó hãy đến sinh viên các ngành khác. Nhà trường mong muốn như vậy, nếu thống nhất quan điểm đó, mong muốn Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các bệnh viện nhận sinh viên y khoa đến tập huấn trong đợt này".

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng mong muốn cho sinh viên y khoa đi học trở lại. Có thể thêm các học viên sau đại học đi học trước.  

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng sinh viên ngành khoa học sức khỏe cần có trách nhiệm xã hội, đây cũng là cơ hội để các em tiếp cận với thực tế. Ông cho biết, các giảng viên nhóm ngành sức khỏe của trường rất mong muốn được đi dạy và hỗ trợ công tác y tế tại các bệnh viện trong thời điểm dịch bệnh.

Riêng ĐH Quốc gia TPHCM đề nghị nghỉ đến hết tháng 3. PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: "Sáng nay, trước khi đi họp, chúng tôi đã hỏi ý kiến 7 hiệu trưởng trường ĐH thành viên, tất cả đều thống nhất lịch học này. Riêng khoảng 1.000 sinh viên y khoa của ĐH Quốc gia đi học sớm".

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho hay: "Vẫn chưa thấy có sự đồng thuận. Nguy hiểm nhất là môi trường ký túc xá, chỉ cần một người bị là coi như mệt. Trường hợp xác định, tìm những người trong chuyến bay và hành trình di chuyển của du khách người Nhật vừa qua vô cùng phức tạp. Bộ GD-ĐT phải có ý kiến chính thức, lịch học như thế nào để Chủ tịch UBND địa phương quyết định".

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI