Khi phụ nữ tham gia vào nền kinh tế chia sẻ

24/02/2022 - 06:20

PNO - Mô hình kinh tế chia sẻ từ các nền tảng công nghệ đã phần nào bù đắp số lượng việc làm đang thiếu cho người thất nghiệp.

Hơn hai năm qua, do dịch bệnh, Nhật Bản từ chối tiếp nhận người lao động đến từ các nước khác. Không sang Nhật làm việc được, nhiều người cũng hoãn kế hoạch học tiếng Nhật nên lớp dạy tiếng Nhật cho người đi xuất khẩu lao động của chị Nguyễn Ngọc Khánh Vân cũng tạm đóng cửa, chị chỉ nhận 50% lương do công ty hỗ trợ. 

Người mẹ đơn thân này đã về tỉnh Bến Tre tránh dịch nhưng số tiền do công ty hỗ trợ không thể nuôi sống cả gia đình bốn người. Trong tài khoản chỉ còn hơn 1 triệu đồng, chị Vân phải vay mượn thêm để tham gia lớp học bán hàng và đóng 3 triệu đồng tiền ký quỹ bán hàng tại BCA Solutions - nền tảng công nghệ kết nối người bán hàng với nhà cung cấp. Tháng đầu tiên, chị kiếm được 4 triệu đồng. 

Nhờ tham gia vào nền kinh tế chia sẻ nhiều phụ nữ có việc làm và thu nhập tốt (trong ảnh: Trong lúc khó khăn, chị Khánh Vân đã kết nối và kinh doanh qua mạng để có thu nhập trang trải cuộc sống)
Nhờ tham gia vào nền kinh tế chia sẻ nhiều phụ nữ có việc làm và thu nhập tốt (trong ảnh: Trong lúc khó khăn, chị Khánh Vân đã kết nối và kinh doanh qua mạng để có thu nhập trang trải cuộc sống)

Dịch bệnh đã đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh mất việc, mất thu nhập. Theo khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2021, hơn 28 triệu người Việt Nam bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, năm 2022, khoảng 1,3 triệu người lao động Việt Nam sẽ bị thất nghiệp. Khi nền kinh tế chưa phục hồi, có được việc làm phi chính thức đã là niềm vui của không ít người. Mô hình kinh tế chia sẻ từ các nền tảng công nghệ đã phần nào bù đắp số lượng việc làm đang thiếu cho người thất nghiệp.

Trong mô hình kinh tế này, các đối tác ngang hàng (peer-to-peer network) chia sẻ lợi ích kinh doanh. Một số phụ nữ đã tìm được lối đi mới trong khi thị trường việc làm chưa ổn định trở lại. Họ trở thành đối tác của các nền tảng trực tuyến trước khi tìm được công việc có đầy đủ chế độ phúc lợi.

Cũng như chị Khánh Vân, chị Lê Thị Huyền - 30 tuổi, ở phường Bình Trưng Đông, TP. Thủ Đức - đã tìm đến mô hình kinh tế chia sẻ trong đại dịch. Trước kia, chị từng tự kinh doanh mỹ phẩm trên các mạng xã hội. Cũng tham gia sàn thương mại điện tử nhưng chị chỉ kinh doanh riêng lẻ. Có tháng, chị bán được 100 triệu đồng tiền hàng nhưng trừ các chi phí, chị chỉ còn khoảng 15 triệu đồng.

Khi dịch COVID-19 ở TPHCM bùng phát mạnh, chị mang con về quê (tỉnh Thanh Hóa), vừa tiếp tục bán hàng, vừa mở quán kem, chè để bán. Nhưng dịch lan đến tỉnh Thanh Hóa. Không bán được hàng online, cũng không bán được kem, chè trực tiếp, chị quay lại TPHCM. Thấy sức mua qua mạng xã hội ngày càng yếu, chị tìm đến BCA Solutions.

Đại dịch là cơ hội để các nền tảng thương mại điện tử trong nước phát triển mạnh mẽ. Nhưng những người kinh doanh trực tuyến nhỏ lẻ không thể theo kịp sức bán của các sàn thương mại điện tử. Điều này khuyến khích họ lập nghiệp tại các cánh cổng điện tử kết nối với thị trường rộng lớn hơn. Họ không cần phải bán kem trộn, hàng trôi nổi nữa mà tiếp cận được với các nhà sản xuất và sản phẩm có nguồn gốc qua những cú nhấp chuột trên các sàn. 

Chị Vương Hữu Thùy Giang - Giám đốc tiếp thị và truyền thông BCA Solutions - cho hay, nền tảng của công ty là hệ sinh thái kinh doanh kết nối chủ nhãn hàng với người bán hàng làm việc tại nhà. Mô hình kinh tế chia sẻ giữa ba bên giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng trên nền tảng công nghệ, nơi nhà sản xuất không phải đổ nhiều tiền vào quảng cáo mà vẫn mang hàng đến tay người tiêu dùng, còn người bán hàng không phải bỏ vốn mua hàng nhập kho hay lo chuyện giao hàng nhưng sẽ mang về được 30 - 45% hoa hồng trên sản phẩm.

Tuy dịch COVID-19 mang lại nhiều hệ quả cho nền kinh tế nhưng lại tạo thói quen mua sắm trực tuyến mạnh mẽ. Năm 2020, doanh thu tại BCA Solutions tăng 200% so với năm 2019; sang năm 2021, doanh thu tăng 16 lần so với năm 2020. Cùng lúc đó, nhu cầu tìm việc kinh doanh trực tuyến của phụ nữ gia tăng nhanh chóng. Rất nhiều chị em bán hàng đã tự tìm đến BCA Solutions trong thời điểm này.

Chị Lê Thị Huyền khoe, bây giờ, chị kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng mà không phải lo đi mua hàng và đi giao hàng bởi nhà sản xuất tự lo việc giao hàng. Chị cũng không lo chuyện hàng tồn kho, chôn vốn mua hàng.

Dù BCA Solutions thường khuyên người bán hãy xem thu nhập từ bán hàng trên sàn là khoản thu nhập thứ hai nhưng chị Huyền xem đây là công việc chính, vừa làm chủ việc kinh doanh của mình, vừa chăm sóc được hai con nhỏ. Còn chị Khánh Vân cũng tự tin hơn bởi đã kiếm thêm nguồn thu để nuôi gia đình nhỏ của mình. 

Năm ngoái, BCA Solutions đã nhận được bằng khen từ Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và quà lưu niệm từ Văn phòng Chính phủ do những đóng góp của mình. Sàn thương mại điện tử do ba bên cùng kinh doanh này đã mang lại cơ hội kinh doanh cho những phụ nữ mất việc trong mùa dịch. 

Trên thị trường, đã xuất hiện nhiều nền tảng thực hiện mô hình kinh tế chia sẻ, tạo việc làm cho phụ nữ, như jupviec.com - kết nối người giúp việc nhà với người có nhu cầu. Các ứng dụng gọi xe công nghệ hiện nay cũng nằm trong nhóm này, nhiều phụ nữ đã tham gia vào lực lượng tài xế công nghệ để kiếm thu nhập.

Những phụ nữ có con nhỏ rất thích cách vừa làm việc trên mạng, vừa trông con tại nhà. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có các chính sách hỗ trợ phụ nữ nằm trong lực lượng lao động phi chính thức - nhất là phụ nữ ở nông thôn - để họ có thu nhập ổn định và được đào tạo nhiều hơn từ chính công việc của mình. 

Mỹ Huyền 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI