Khi họ âm thầm vì dân

05/10/2020 - 06:42

PNO - Sự cầu thị, lắng nghe và quyết liệt giúp dân của những nữ lãnh đạo ấy xuất phát từ chỗ họ nhận thức được rằng họ là đại biểu của dân, là cán bộ của dân, ăn cơm của dân, nếu thấy tồn tại mà không tháo gỡ là có lỗi với dân.

Còn nhớ, vào sáng 21/4/2020 giữa mùa dịch COVID-19, bà Võ Thị Dung - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các chủ nhà trọ đã cùng chung tay phòng, chống dịch, hỗ trợ cho những người lao động khó khăn. Chuyến đi âm thầm giữa những ngày giãn cách xã hội. Bà Phù Nhật Phượng - Chủ nhiệm câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ ở P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, cũng là chủ khu trọ công nhân hơn 70 phòng trên đường Bờ Sông bất ngờ khi thấy “sếp lớn” đến nhà.

Chị kể lại: “Bà ấy hỏi tôi lý do vì sao đồng loạt giảm giá thuê phòng? Hỏi thăm sức khỏe của những người trong gia đình rồi cảm ơn về việc tôi đã tặng quà, tặng gạo cho công nhân mất việc vì dịch bệnh”. 

Bà Võ Thị Dung - nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - thăm hỏi, tặng quà cho nữ công nhân Công ty Pouyuen  (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) - Ảnh: Hoài An
Bà Võ Thị Dung - nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM - thăm hỏi, tặng quà cho nữ công nhân Công ty Pouyuen (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) - Ảnh: Hoài An

Hôm ấy, bà Dung đến các khu nhà trọ ở các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú… Bà lắng nghe từng câu chuyện của người dân, quan tâm đến mọi chuyện lớn nhỏ trong đời sống mùa dịch như việc làm, lương bổng, chiếc khẩu trang, nước rửa tay cho từng khu trọ… Đấy cũng là lần cuối bà Dung về các khu trọ công nhân trên cương vị Phó bí thư Thành ủy trước khi nghỉ hưu. 

Chúng tôi vẫn còn nhớ những bước chân nhanh nhẹn của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM - khi về Bình Chánh, Thủ Đức khảo sát nước sạch vào tháng 5/2015. Trong một buổi giám sát về nguồn nước tại H.Bình Chánh, bà Quyết Tâm - đã phản ứng gay gắt khi thấy nguồn nước tại một trạm cấp nước tư nhân bị đóng rong rêu nhưng ngành y tế dự phòng lại cho là “đạt chuẩn”. Chỉ mấy ngày sau đó, tại Q.Thủ Đức, bà Quyết Tâm cùng lãnh đạo các ban của HĐND thành phố đã có những chuyến giám sát đến từng con hẻm, từng khu dân cư, vào tận nhà dân để kiểm tra chất lượng nước mà người dân đang sử dụng, tình trạng thiếu nước sạch và lắng nghe nguyện vọng của dân.

Ngay sau những chuyến đi thực tế ấy, toàn bộ các đề xuất mà đoàn ghi nhận đã được các ban liên quan của HĐND thành phố thảo luận và đưa ra biện pháp tháo gỡ. Các công ty cấp nước cũng không thể viện cớ để chần chừ gắn đồng hồ nước cho dân. Nhờ sự quyết liệt của các nữ lãnh đạo mà cuối nhiệm kỳ 2015-2020, ở Thủ Đức và Bình Chánh, tỷ lệ người dân dùng nước sạch đã đạt gần 100%. 

“Vì sao đến thời điểm này vẫn có quận, huyện báo cáo chưa trung thực?” - bà Thi Thị Tuyết Nhung nói thẳng trong một buổi giám sát về thực trạng xâm hại trẻ em - Ảnh: Hạnh Chi
“Vì sao đến thời điểm này vẫn có quận, huyện báo cáo chưa trung thực?” - bà Thi Thị Tuyết Nhung nói thẳng trong một buổi giám sát về thực trạng xâm hại trẻ em - Ảnh: Hạnh Chi

Nhắc đến các nữ lãnh đạo, ông Lê Văn Lâm, một cán bộ về hưu ở P.Hiệp Thành, Q.12 nói: “Tôi thích nhất bà hội đồng Trương Thị Ánh (nguyên Phó chủ tịch HĐND TP.HCM). Nhờ bà ấy mà cái bô rác trung chuyển tại P.Hiệp Thành đã được cải tạo sạch sẽ, vệ sinh. Mười mấy năm sống ở đây, hai năm nay tôi mới được hít thở không khí trong lành”.

Chuyện ông Lâm kể chỉ là kết quả của một trong những chuyến khảo sát của bà Trương Thị Ánh. Trong chuyến ấy (vào tháng 3 và tháng 4/2018) bà Ánh đã vào từng con hẻm, xem từng nơi để rác của dân, ghé từng tiệm tạp hóa, từng trường mầm non để tìm hiểu và chia sẻ những khó khăn về phân loại rác… Nhưng điều quan trọng là sau khi lắng nghe, ghi nhận, các vị nữ lãnh đạo ấy đã hành động “ngay và luôn” để giúp dân.

Như trong năm 2019, sau những buổi giám sát, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM Thi Thị Tuyết Nhung đã có bản kiến nghị gửi đến Quốc hội trình bày không ít vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng về các vụ án xâm hại trẻ em. Bà chỉ ra nhiều sai sót của các cấp từ xã/phường đến quận/huyện trong giải quyết vấn đề. Để đưa ra được những kiến nghị ấy, bà đã phải tâm tư rất nhiều trước những vụ việc đau lòng và bỏ nhiều tâm sức để tìm ra bản chất vấn đề.

Bà Trương Thị Ánh tìm hiểu thực trạng về phân loại rác tại nguồn ở Q.12 - Ảnh: Hạnh Chi
Bà Trương Thị Ánh tìm hiểu thực trạng về phân loại rác tại nguồn ở Q.12 - Ảnh: Hạnh Chi

Trong buổi giám sát về thực trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn H.Củ Chi, bà Nhung đã chỉ ra những vụ án có quá trình tố tụng kéo dài khiến người dân phải trông chờ trong vô vọng. Bà nói: “Các anh hãy đặt mình vào vị trí người mẹ, người cha có con em bị xâm hại để biết sự khắc khoải, đau lòng, cũng như tuyệt vọng và ám ảnh ra sao rồi cân nhắc đến những quyết định của mình. Quyền của công an là được “im lặng” trong quá trình thụ lý vụ án, nhưng người dân lại có “quyền được thông tin” khi tố giác tội phạm. Ở đây cần một sự hài hòa”.

Sự cầu thị, lắng nghe và quyết liệt giúp dân của những nữ lãnh đạo ấy xuất phát từ chỗ họ nhận thức được rằng họ là đại biểu của dân, là cán bộ của dân, ăn cơm của dân, nếu thấy tồn tại mà không tháo gỡ là có lỗi với dân.

Về những phụ nữ tham chính, bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU - nói rằng: mỗi phụ nữ đều là những viên ngọc, phần lấp lánh sẽ tỏa sáng khi được nhìn ra, mài giũa đúng cách. 

Nghi Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI