Khi đạo diễn điện ảnh tham gia làm phim truyền hình

03/02/2024 - 17:17

PNO - Lĩnh vực phim truyền hình trực tuyến (OTT) đang chứng kiến xu thế “lấn sân” của các đạo diễn điện ảnh với nhiều tác phẩm có chất lượng.

Nhộn nhịp phim truyền hình mới

Cuối tháng 10/2023, bộ phim Tết ở làng địa ngục của đạo diễn Trần Hữu Tấn đã ra mắt trên kênh K+. Đây là dự án truyền hình đầu tiên của anh, sau các tác phẩm có màu sắc kinh dị là Bắc Kim Thang, Chuyện ma gần nhà, Rừng thế mạng Kẻ ăn hồn. Tác phẩm trên cũng đã đạt được thành tích ấn tượng, khi dẫn đầu về số lượt xem trên K+ lẫn Netflix một thời gian dài.

Các tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của đạo diễn điện ảnh ở lĩnh vực phim truyền hình
Các tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của đạo diễn điện ảnh ở lĩnh vực phim truyền hình

Ngày 24/1 vừa qua, bộ phim Ước mình cùng bay gần 50 tập lên sóng nền tảng VieON. Đây là tác phẩm của đạo diễn Phan Đăng Di - người từng gây tiếng vang với những tác phẩm nghệ thuật độc lập nổi tiếng trong và ngoài nước như Bi, đừng sợ!, Cha và con và…, Chàng ăn cá, nàng dâng hoa… Được biết, tác phẩm đã được thực hiện suốt gần 3 năm, từng bị gián đoạn vì đại dịch, đến nay mới ra mắt khán giả. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của những người trẻ mong muốn thoát nghèo, đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ XXI. Nội dung bao gồm rất nhiều chủ đề, từ gia đình, tuổi trưởng thành, tình cảm - lãng mạn… Dàn diễn viên tham gia cũng gồm những tên tuổi lớn và thế hệ tài năng mới.

Một tác phẩm khác dự kiến ra mắt vào mùng Ba tết Giáp Thìn là Đi về phía lửa về các chiến sĩ cứu hỏa, dài 6 tập, sẽ lên sóng K+ do đạo diễn Trần Thanh Huy thực hiện. Anh từng có phim điện ảnh Ròm được đánh giá cao tại Liên hoan phim quốc tế Busan và khi trình chiếu trong nước cũng được ghi nhận là có lượng vé đặt trước ấn tượng ở thời điểm 2020 với doanh thu mở màn ước tính gần 11 tỉ đồng. Phim lấy cảm hứng cũng như làm lại từ loạt phim truyền hình Nước mắt của hỏa thần (Tears on fire) đình đám của Đài Loan (Trung Quốc). Xoay quanh 4 người lính trẻ trong một đội cứu hỏa địa phương, tác phẩm khắc họa đời sống cá nhân cũng như tâm tư nghề nghiệp của 4 nhân vật.

Một tác phẩm khác cũng đáng chú ý là Mất tích đêm 30, dài 6 tập, phát sóng trên nền tảng Galaxy Play, dự kiến từ ngày 3/2. Đứng sau dự án này là Hàm Trần - đạo diễn quen thuộc với những tác phẩm đa dạng thể loại như Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn, Siêu trộm, Bạn gái tôi là sếp, Thất Sơn tâm linh… Bộ phim mang màu sắc tâm lý - giật gân, xoay quanh cuộc sống của một gia đình sau khi cô con gái mất tích vào đêm giao thừa. 

Hy vọng về chất lượng

Với sự khác biệt giữa lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, những khó khăn ban đầu là không tránh khỏi. Chia sẻ về tác phẩm mới, đạo diễn Hàm Trần cho biết: “Cấu trúc để quay một bộ phim truyền hình rất khác so với điện ảnh. Đầu tiên là về thời lượng. Trung bình 1 phim chiếu rạp có độ dài từ 90-120 phút, nhưng với phim series có thể gấp đôi con số trên”. Dẫu vậy, anh nói: “Cái hay khi làm phim series là tôi có nhiều thời gian để đi sâu hơn vào câu chuyện của từng nhân vật, nhưng đồng thời phải giữ được mối liên kết và sự tò mò để kích thích khán giả mong đợi theo dõi ở mỗi tập phim”.

Vì quen làm những phim điện ảnh có thời lượng giới hạn nhưng vẫn truyền tải nội dung thành công nên khi có nhiều cơ hội để thể hiện hơn, đây chính là lợi thế cho các đạo diễn điện ảnh “đá chéo sân”. Khâu kịch bản cũng được quan tâm đặc biệt với phim nhiều tập để giữ chân khán giả. Chẳng hạn, đảm nhận Ước mình cùng bay là nhà văn, nhà nghiên cứu điện ảnh Nguyễn Khắc Ngân Vi, hay Tết ở làng địa ngục trước đó cũng được “giám sát” bởi “mẹ đẻ” là nhà văn Thảo Trang - người hiểu hơn ai hết tác phẩm của mình mà từ đó bộ phim được chuyển thể.

Trailer phim Đi về phía lửa:

 

Ngoài ra, việc đầu tư bối cảnh cũng được nhiều đạo diễn quan tâm. Chẳng hạn bộ phim Ước mình cùng bay không hề sử dụng bối cảnh có sẵn, mà được dựng mới - từ những ngôi nhà cho đến bông hoa, cây cỏ… Trước đó, Tết ở làng địa ngục cũng được đánh giá rất cao về bối cảnh, phục trang, tạo hình nhân vật… và được coi là các nhân tố quan trọng giúp bộ phim thành công. Những điều trên góp phần cải thiện điểm yếu cố hữu ít được khắc phục từ trước đến nay là sự phù hợp giữa nội dung và cảnh quay của phim truyền hình, từ đó mang đến tác phẩm toàn diện, ấn tượng và thống nhất. 

Về mặt diễn xuất, với một tác phẩm xoáy sâu vào một ngành nghề có tính chuyên môn như cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, các diễn viên trong Đi về phía lửa cũng đã trực tiếp tham gia vào quá trình học tập, rèn luyện và được đào tạo bài bản trong môi trường đặc biệt của các chiến sĩ thuộc lực lượng PC07 (TP Đà Nẵng). Qua đó, họ đã đích thân thực hiện những cảnh quay nguy hiểm để mang đến các thước phim chân thật và sống động về một công việc được coi là nguy hiểm nhất.

Với sự đầu tư của các hệ thống OTT, năm 2024 đang có nhiều tín hiệu khả quan cho phim truyền hình, khi các tác phẩm phải cạnh tranh gay gắt và khán giả sẽ có nhiều tác phẩm hay hơn để thưởng thức. 

Ngô Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI