Khi công chúng không nhớ giải thưởng

05/12/2013 - 01:21

PNO - PN - Hàng năm luôn có các giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam, hội nhà văn các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM; các giải thưởng sách của quốc gia, hội, ngành; các giải do những đơn vị nghề nghiệp tổ chức. Đang diễn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không thể phàn nàn gì về những cuốn như Nắng được thì cứ nắng - Phan Khôi từ Sông Hương đến nhân văn (Phan An Sa), Văn học cổ cận đại Việt Nam - từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật (Nguyễn Huệ Chi) đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay. Cũng không thể nghi ngờ về chất lượng của giải thưởng Sách hay, khi nó được điều hành và xét tuyển bởi những nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ, dịch giả, chuyên gia hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, dù nhìn vào danh mục sách đoạt giải, thấy nhiều tựa sách “chóng mặt” như Đi vào nghiên cứu khoa học (Nguyễn Văn Tuấn), Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” (nhóm chuyên gia VEPR), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Li Tana)… Có thể thấy ngay, hai cuốn biên khảo bên trên, lẫn những cuốn sách nghiên cứu, kinh tế bên dưới, đều là sản phẩm “hạng nặng” đối với bạn đọc phổ thông. Đó cũng là màu sắc chung của nhiều giải thưởng hiện nay khi nó phản ánh rất sát “gu” của người chấm chọn, nhưng không phải cuốn nào cũng tới gần được bạn đọc.

“Sức ảnh hưởng của nhiều giải thưởng về sách đối với thị trường không nhiều, chỉ xuất hiện trên mặt báo một thoáng rồi bị quên lãng. Điều này do tính chất chuyên ngành, hàn lâm của một số giải thưởng, tuy có giá trị nhưng lại giới hạn trong việc tác động đến bạn đọc”, ông Lê Hoàng, Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn nhận định. Vốn đã ít người đọc, sau khi đoạt giải, mức độ quan tâm đối với những tác phẩm dạng này cũng không tăng thêm bao nhiêu. Một số cuộc thi có thời gian cách quãng quá dài cũng làm nguội lạnh sự quan tâm của công chúng. Mặt khác, có giải thưởng như giải của Hội Nhà văn Việt Nam thường gây ra tranh cãi, người được trao giải từ chối nhận (nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam năm 2012, Ly Hoàng Ly năm 2006, Hồ Anh Thái năm 2003…), cũng "góp phần" làm người yêu văn chương thêm chán ngán.

Khi cong chung khong nho giai thuong

Sự lựa chọn của độc giả thường vênh với giới chuyên môn

Dĩ nhiên, các giải thưởng đều có tiêu chí, thể thức, định hướng riêng. Điều này giải thích vì sao giải Sách hay hàng năm chọn nhiều tác phẩm nặng ký, “bất chấp” độc giả có “tiêu hóa” nổi hay không, miễn phù hợp mục đích chính là “nâng cao dân trí và khai minh xã hội”. Thêm nữa, còn có lập luận quen thuộc là các giải thưởng góp phần định hướng, nâng cao thị hiếu độc giả. Hoặc quan niệm đơn giản rằng đây là cuộc chơi và người tham gia phải tuân theo. Tuy vậy, chưa cần nói đến mục tiêu lý tưởng là sự gặp nhau của giám khảo với công chúng, chỉ riêng sự khác biệt trong lựa chọn của đông đảo người đọc so với một nhóm nhỏ người có quyền hạn nhất định trong khuôn khổ cuộc thi, cũng đã nói lên nhiều điều.

Không tự nhiên mà giải thưởng Văn học tuổi 20 lần V đổi mới thể lệ bằng việc hiển danh toàn bộ tác giả, tác phẩm dự thi, tổ chức cho độc giả bình chọn, tạo áp lực lớn đối với sự chấm chọn của hội đồng chuyên môn. Quyết định vẫn là của ban giám khảo, nhưng với sự đồng hành, “giám sát” của bạn đọc, chắc chắn khoảng cách giữa người trong nghề và đại chúng sẽ được thu ngắn. Hoặc theo như tên gọi, giải thưởng Fahasa - sách được bạn đọc yêu thích bình chọn, được kỳ vọng sẽ đưa ra một danh mục tác phẩm đoạt giải gần gũi nhất với số đông. Không thể bắt tất cả giải thưởng phải theo ý độc giả, nhưng cũng không thể cứ trao huy chương cho những tác phẩm tự biết với nhau trong một giới hẹp mà không cần biết công chúng đang quan tâm, đòi hỏi điều gì.

 Võ Tiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI