Kéo học sinh ra khỏi lớp học

08/02/2017 - 16:44

PNO - Thầy và trò Trường THCS và THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã và đang có nhiều chuyến thực tế theo mô hình học tập trải nghiệm, do trường tổ chức thực hiện từ hai năm qua.

Trước xu thế đổi mới dạy học ngày càng mạnh mẽ, thầy và trò Trường THCS và THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã và đang có nhiều chuyến thực tế theo mô hình học tập trải nghiệm, do trường tổ chức thực hiện từ hai năm qua.

Keo hoc sinh ra khoi lop hoc
Học sinh trường Nhân Văn trong một chuyến học tập trải nghiệm

Những khám phá thú vị

Trước tết Nguyên đán vừa qua, Trường Nhân Văn đã tổ chức cho 70 học sinh (HS) lớp 12 đi trải nghiệm thực tế bảy ngày từ Huế đến các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Hà Nội. Trước đó, cuối học kỳ I, trường cũng đã tổ chức một chuyến học tập trải nghiệm cho HS khối 11 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong chuyến “trải nghiệm thực tế, học tập tích hợp liên môn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”, nhóm 8 HS lớp 11/3 đã chọn làm đề tài “Công tử Bạc Liêu: Sự thật và giai thoại”. Sau hơn một tuần phân công nhau sưu tầm tư liệu, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh, tổng hợp… nhóm đã ghi nhận được nhiều thông tin thú vị về đề tài này. Cũng trong chuyến học tập trải nghiệm này, nhóm bảy HS khác chọn thực hiện đề tài “Những phận đời lênh đênh”, khám phá công việc và cuộc sống của những người chèo đò, lái đò và buôn bán trên sông…

Những cuộc tiếp xúc đã giúp các em hiểu ra thực tế là không hề có chuyện “ngồi mát ăn bát vàng”. Để kiếm được đồng tiền, làm nghề nào cũng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt; mà lý do khiến người ta gắn bó với công việc đôi khi chỉ đơn giản là “đã quen thuộc với con sông này, với chiếc tàu này, bỏ nghề thì nhớ lắm”.

Đến Cần Thơ, tại chợ nổi Cái Răng, các em đã có được một cảm nhận thú vị: “Trò chuyện với các chủ ghe, chúng em mới biết, chiếc ghe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là nhà, là nơi cư trú của những phận đời lênh đênh sông nước. Trên mỗi chiếc ghe đều có vật nuôi và các tiện nghi sinh hoạt như ti vi, xe gắn máy…”.

Qua những câu chuyện, nỗi lo của các cư dân sông nước cũng hiện rõ: “Theo đà phát triển của xã hội, các chợ nổi bị thu hẹp và mất dần. Chúng em tự hỏi: một ngày nào đó, khi chợ nổi không còn nữa, những gia đình này, những chiếc ghe này sẽ trôi về đâu? Chuyến trải nghiệm thực tế giúp chúng em thấm thía với những phận đời phải rày đây mai đó để kiếm sống, bất chấp hiểm nguy. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng trong họ vẫn đầy ắp ước mơ. Người phụ nữ mơ có một cuộc sống bình yên bên gia đình để chăm lo cho chồng con. Người đàn ông mong kiếm được nhiều tiền hơn để vợ con bớt khổ, con cái được ăn học thành tài. Những ước mơ nhỏ nhoi và bình dị ấy lại rất mong manh vì chủ nhân của nó ngày ngày vẫn dạt trôi theo con nước lớn ròng. Chúng em nhận ra, mình thật sự may mắn hơn họ rất nhiều”.

Vừa đi, vừa học, vừa làm đề tài

Học tập trải nghiệm là mô hình học tập mới được Trường Nhân Văn triển khai đã hai năm. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng bảy-chín ngày, khối lượng kiến thức phải học tập khá lớn nên HS phải vừa đi, vừa học, vừa thu thập tư liệu thực hiện đề tài.

Trước mỗi chuyến đi, nội dung học tập được các giáo viên (GV) xây dựng sao cho gắn với thực tế mà HS sẽ trải nghiệm trong chuyến hành trình. Ví dụ, đến Bình Thuận thì HS sẽ được học về hiện tượng hoang mạc hóa ở khu vực Nam Trung bộ, học về giống tại vườn nho Ba Mọi; đến Ninh Thuận HS sẽ học về điện gió, thủy triều và khí hậu; đến Nha Trang là học về hóa học-muối; đến Phú Yên thì học địa lý tại Gành đá dĩa; đến Quy Nhơn học về Hàn Mặc Tử; đến Đà Nẵng học vật lý, sinh vật trên đỉnh Bà Nà; ra Huế học lịch sử, thơ ca…

Nội dung chương trình được tổng hợp, chỉnh sửa rồi in thành “Sổ tay trải nghiệm thực tế học tập tích hợp liên môn”. Những nội dung học tập sẽ được thầy trò hoàn thành dần theo hành trình. Sau mỗi bài học, HS sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi để lấy điểm 15 phút, ghi lại những cảm nhận của mình để lấy điểm 1 tiết.

Ngoài những bài học cụ thể, từng nhóm HS còn phải thực hiện các đề tài tự chọn hoặc do GV giao, kiểu như “Mạc Cửu, vị công thần của vùng đất Hà Tiên”, “Mắm Châu Đốc - chút hồn Nam bộ”, “Quà thiên nhiên rừng ngập mặn”, “Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”…

Trước chuyến đi, các nhóm HS sẽ phân công nhau tìm sẵn tư liệu. Trong chuyến đi, các em tiếp tục thu thập tư liệu từ các bảo tàng, phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh… “Nhờ vậy nên “sản phẩm” của các em khá tốt, nhiều đề tài còn được đánh giá xuất sắc” - cô Hoàng Thị Minh Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng trường Nhân Văn, nhận xét.

Cô Minh Liên kể: “Chúng tôi đến đồng muối Nha Trang khi trời đứng bóng, nắng chang chang nhưng các em vẫn bám lấy những diêm dân để phỏng vấn, tìm tư liệu về nghề muối, người làm muối…

Hôm đó, tận 4 giờ chiều các em mới ăn trưa, 10 giờ đêm mới ăn tối. “Mặn hơn muối” là tên các em đặt cho đề tài này. Nhìn những đống muối trắng tinh, cứ ngỡ muối là đã mặn nhất rồi, nhưng đời người làm muối còn mặn hơn…”.

Trở về sau chuyến đi Huế và đồng bằng Bắc bộ trước tết vừa qua, HS Đỗ Văn Tuấn cho biết: “Chúng em vui lắm. Quê em ở Kiên Giang, em còn chưa biết hết các tỉnh miền Tây nhưng nay thì đã đi gần hết miền Trung và miền Bắc.

Ngoài việc được thưởng thức các món ăn ngon của vùng miền, được kiểm chứng những kiến thức lý thuyết bằng thực tiễn, em còn được biết thêm về kiến trúc lăng tẩm. Những hiểu biết này sẽ giúp em trong nghề nghiệp tương lai”.

HS Nguyễn Trần Lan Tuyên kể: “Lâu nay chúng em chỉ láng máng chuyện cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, giờ được đến tận nơi; được sờ, được ngắm, được nghe kể trực tiếp, chúng em mới biết cầu có mấy nhịp, biết cuộc đấu tranh năm xưa gian khổ thế nào… Đến Tràng An, Ninh Bình chúng em mới hiểu địa hình Cacxtơ, núi đá vôi tạo ra hang động thật sự là thế nào”.

Thầy Trần Anh Tài, GV môn địa lý, nhận xét, lợi ích thu được từ các chuyến đi là rất lớn. Bị buộc phải làm việc nên các em chủ động tìm tư liệu, không phụ thuộc vào thầy cô nữa. Thầy cô chỉ gợi ý cách trình bày đề tài, các em phải tự làm từ A tới Z. Nhờ vậy, nhiều em đã mày mò biết cả powerpoint và mạnh dạn thuyết trình bảo vệ đề tài.

Được đi đây đó, các em càng vỡ ra nhiều điều. Lên Chùa Hang (Châu Đốc, An Giang), phải vượt qua hơn 300 bậc thang men theo vách núi khiến các em thở dốc; nhưng khi nghe các nhà sư kể họ hoàn toàn dùng sức mình để làm từng bậc thang và xây dựng ngôi chùa như treo trên vách núi, các em hết sức bất ngờ.

“Làm việc tập thể còn xây dựng cho các em tính tự giác, kỹ năng phối hợp nhóm và tinh thần đồng đội, biết cách xử lý tình huống… Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi rất lo, chỉ khi nhìn thấy cách các em làm việc thì mới bớt lo. Trở về sau chuyến đi, đến ngày bảo vệ đề tài, chúng tôi càng thấy rõ sự trưởng thành rõ rệt của các em. Thành công nhất là việc các em rất biết chủ động trong công việc” - thầy Phan Duy Duẩn, trợ lý thanh niên của trường nói.

Không chỉ HS, những chuyến học tập trải nghiệm còn có ý nghĩa lớn cả với các GV. “Nói thật, trước đây tôi chưa từng có những chuyến đi như thế, nên bản thân cũng như nhiều đồng nghiệp khác cũng nhận được nhiều điều bổ ích từ chuyến đi” - thầy Phan Ngọc Luông, GV vật lý, nhìn nhận.

Theo cô Minh Liên, trên tinh thần đổi mới dạy học, Trường Nhân Văn quyết tâm “kéo HS ra khỏi lớp” và bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định từ mô hình học tập trải nghiệm.

Mỗi năm, Trường THCS và THPT Nhân Văn tổ chức một chuyến học tập trải nghiệm dài ngày cho tất cả HS bậc THPT. Theo đó, HS khối 10 sẽ đi miền Tây, khối 11 đi Nam Trung bộ, khối lớp 12 đi Bắc Trung bộ và đồng bằng sông Hồng. Kinh phí được tính toán kỹ, trường xem xét hỗ trợ một phần, còn lại do phụ huynh đóng góp.

Với những hoàn cảnh khó khăn trường sẽ miễn, giảm hoặc cho trả dần hàng tháng. Ngoài ra, trong năm học còn có nhiều chuyến đi gần (một ngày) do các tổ bộ môn lên kế hoạch.

Chị Đặng Ngọc Hợi, phụ huynh:  Các chuyến du lịch học tập đã bổ sung những kiến thức thực tế cho các cháu và giúp các cháu có được những kỷ niệm đẹp. Địa điểm đến đều là những nơi có thể học tập được nhiều điều nên các cháu nhận được thêm nhiều kiến thức. Chuyến vừa rồi, tôi định không cho cháu đi vì nhà có đám cưới; nhưng sau khi cháu về tôi rất hài lòng. 9,9 triệu đồng cho chuyến đi tám ngày từ miền Trung ra miền Bắc, đi về bằng máy bay, ở khách sạn, ăn uống tử tế là không đắt.

 Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI