Kể về một sức mạnh vô kể

28/04/2020 - 08:03

PNO - Ngay cả những ngày Côn Đảo toàn tin dữ do địch chôn sống tù binh, bà vẫn tin cách mạng sẽ thành công. Ngay cả những ngày mà cái chết kề cận, bà vẫn tin thành tựu sẽ đến, trước cả cái chết.

Sáng 30/4, nhà tù Côn Đảo yên như tờ. Mọi người bắt đầu cảm nhận sự lạ từ giờ cơm. Tù nhân không được ăn cơm như thường lệ. Từ sáng sớm, các tù nhân đã không thấy lính gác đi lại như ngày thường. Ngược lại, trên bầu trời, tiếng máy bay trực thăng vần vũ. 

Lúc ra khỏi Côn Đảo  ngày 1/5/1975, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết chỉ mới 23 tuổi
Lúc ra khỏi Côn Đảo ngày 1/5/1975, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Thị Ánh Tuyết chỉ mới 23 tuổi

Những tín hiệu lạ lùng này khiến các tù nhân xáo động. Trước đó, họ vừa trải qua những ngày sinh tử. Những tù nhân còn ở lại Côn Đảo lúc này là “một phần xấu số” bị sàn lại sau Hiệp định Paris. Theo hiệp định, các tù nhân khác đã được đối phương trao trả. Nhưng vì không muốn thả theo tỷ lệ đã cam kết, họ dùng chiêu trò thay đổi thành phần tù nhân. Những tù nhân bị bắt chụp hình, lăn tay để làm lại hồ sơ, đổi từ tù chính trị sang tù hình sự.

“Cách mạng” của những chiến sĩ bị bắt vào tù khi ấy, chính là đấu tranh để dẹp bỏ hoặc vô hiệu những âm mưu gây bất lợi cho tù nhân và cuộc cách mạng bên ngoài. Họ kiên quyết chống lại ý muốn hợp thức hóa việc lưu giữ tù nhân trái hiệp định Paris. Bà Đoàn Thị Ánh Tuyết nhớ, khi ấy các chị em bạn tù thống nhất chà mòn vân tay. Việc lăn tay không hiệu quả vì ngón tay tù nhân không còn vân. Đến lúc bị đưa đi chụp ảnh, bất chấp đòn roi hay những màn tra tấn của quản ngục - các tù nhân lè lưỡi, nhắm mắt để việc chụp ảnh thẻ thất bại.

Chỉ sau vài phút hồi tưởng ngắn ngủi, giọng bà Đoàn Thị Ánh Tuyết đã run run. Tôi nghe bà nói như khóc: “Con hỏi cô Hoàng Thị Khánh đi con. Cô Khánh cũng là bạn tù với cô, cũng không được trao trả mà ở lại và đấu tranh cho đến giải phóng". Vị Nữ anh hùng lực lượng vũ trang đã thoát khỏi những ngày đày ải giày vò thân xác, mà đến khi nhắc đến một dấu mốc của quá khứ, vẫn còn nguyên cái giọng kể cao trào, trong veo. “Đến mấy ngày này là tụi cô xốn xang lắm con, năm nào cũng vậy".

“Mấy ngày này", là mấy ngày mà 5g sáng, quản ngục mở đài cho tù nhân nghe, nói “mấy bà thắng rồi!”. Trên đài, ông Trần Văn Trà đọc thiết quân luật dành cho Sài Gòn. Những tù nhân như đứng hình, nhìn nhau. Không ai khóc. Nhưng cũng không ai cười. Trước đó, Chi bộ bí mật trong tù đã trao đổi những thông tin ít ỏi về cuộc tổng tiến công của quân Giải phóng. Họ đã biết những tín hiệu khả quan. Anh em nhắc nhau cố gắng đấu tranh cho đến ngày miền Nam giải phóng, để chính đồng đội tháo chốt ngục tù cho mình. Thế nhưng, đến gần ngày 30/4; tập thể tù nhân Côn Đảo lại chịu những mất mát do những chính sách đàn áp vô lối của quản lý nhà tù. Mỗi ngày, những đồng đội nếm mật nằm gai ở nhà tù khét tiếng khắc nghiệt này lại vơi đi một ít. Họ lần lượt bị mang chôn sống. Những tín hiệu mừng từ ngoài truyền vào còn rất mơ hồ, nhưng hiện thực trong tù lại quá ác liệt. 

Đêm 30/4 cả nhà tù Côn Đảo đã liên tục chuyền tin thống nhất. Nhiều người nhận được lệnh phá chuồng cọp, yêu cầu quản ngục giao nộp chìa khóa để mở cửa. “Tụi cô đặt niềm tin vào cuộc tổng tiến công của đồng đội bên ngoài. Nhưng dù có hy vọng nhiều đến mấy cũng dự đoán chắc phải còn lâu lắm, phải mất mát nhiều lắm mới giành được độc lập. Vậy nên đến lúc được tin giải phóng, không ai cười vì không thể tin nổi". Ngay sau phút đứng hình, là những tiếng la hét ầm trời Côn Đảo. Hơn 4.000 tù nhân được tự do sau hàng ngàn ngày đày ải.

Nữ anh hùng từng là “cảm tử" rồi thoát chết gang tấc trong một vụ đặt bom ngay nội đô Sài Gòn giờ không kể nổi một chiến công, hay một ngày đày ải nào. Bà chỉ nói về niềm tin. Mọi chi tiết tôi chỉ lượm lặt trong những ví dụ sáng rõ của bà cho một đức tin duy nhất “đồng đội mình sẽ làm được!”. Ngay cả những ngày Côn Đảo toàn tin dữ do địch chôn sống tù binh, bà vẫn tin cách mạng sẽ thành công. Ngay cả những ngày mà cái chết kề cận, bà vẫn tin thành tựu sẽ đến, trước cả cái chết. Năm đó, bà 23 tuổi. Nhưng đó lại là một niềm tin đã được tôi luyện qua bao lần vượt lằn ranh sinh tử. Một kiểu niềm tin đã trăm lần va vào đá, vào đòn roi, tra tấn, ngục tù…

Bà nói vội những hồi ức Côn Đảo trong cái giờ “đang quýnh quáng lo cơm nước", rồi dặn tôi: “Con nhớ gọi cô Khánh nha con. Mấy chuyện vầy mình phải kể để giới trẻ bây giờ hiểu được sức mạnh của niềm tin". Nói rồi, bà cúp máy. Người nữ đồng đội bà dặn tôi gọi điện có lẽ cũng bận bịu đời thường nên không bắt máy. Nhưng chỉ cần đối diện với một gương mặt, nghe một giọng nói trong số hàng ngàn gương mặt, giọng nói nọ, người ta đã có được sự mãnh liệt vô kể của niềm tin. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI