Hút chì cho mặt, chỉ là 'chiêu câu khách'

09/09/2017 - 19:00

PNO - Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa quảng cáo dịch vụ “hút chì cho mặt” khá hấp dẫn chị em.

Tuy nhiên, có thực da chúng ta sạm đen là vì nhiễm chì và có thể hút chì khỏi da?

Hút chì chỉ 39.000 đồng!

Nhân viên tư vấn của spa H. giới thiệu với chúng tôi về dịch vụ hút chì cho mặt đang được khuyến mãi, giảm giá đến 74%, chỉ còn 39.000 đồng. “Hút chì thải độc tố qua tám bước tác động lên da, da sẽ trắng sáng chỉ sau một lần thực hiện. Phương pháp hút chì dùng viên nang thải chì kết hợp công nghệ Ultrasonic cure năng lượng siêu âm hội tụ để “khử” chì, đào thải độc tố, giúp đưa dưỡng chất ở các bước sau thẩm thấu sâu vào da”, cô nhân viên nói. Theo giới thiệu, quy trình hút chì khoảng 50 phút.

Hut chi cho mat, chi la 'chieu cau khach'
 

Giải thích về hiệu quả, nhân viên spa cho biết: “Sau khi “khử” chì khỏi da, sẽ cải thiện tình trạng cho làn da mụn, nám, xỉn màu và lão hóa sớm; đặc biệt hiệu quả thấy rõ đối với những người thường xuyên trang điểm và tiếp xúc với khói bụi”. Tùy spa, giá dịch vụ hút chì dao động từ 150.000-300.000 đồng.

Trên một số diễn đàn, có nhiều ý kiến trái chiều nhau khi sử dụng dịch vụ này. Người thì cho là “da trông sáng hơn”, người lại than sau khi làm xong, thấy da mỏng, dễ bắt nắng hơn… Nhưng điểm chung là ai cũng băn khoăn không biết có hút được chì ra khỏi da không? Khi chúng tôi thắc mắc vấn đề này, nhân viên spa thuyết phục: “Bôi viên nang thải chì xong, chị dùng máy, nếu kem chuyển sang màu xám - đó là chì được thải ra”(!?).

Chỉ làm sạch da

Bác sĩ Ngô Anh Kiệt - Trưởng khoa Thẩm mỹ, BV Triều An cho biết, chì là kim loại nặng dễ tích tụ vào nước và đất. Khi sống tại khu vực ô nhiễm chì, cơ thể con người sẽ tích tụ chì thông qua việc hít thở. Hoặc, khi ăn các thực phẩm nhiễm chì, sử dụng các vật dụng có dính chì cũng làm cơ thể tích tụ độc tố chì. Một số mỹ phẩm như kem dưỡng da, son môi, sơn móng tay… có chứa khoáng chất chì ôxít với mật độ chỉ vài phần triệu (part per million-ppm). Tuy nhiên, nguồn gốc sản phẩm càng không rõ ràng thì nguy cơ nhiễm chì càng cao.

Khi sử dụng mỹ phẩm chứa chì, kim loại này không tích tụ trong các lớp biểu bì dưới da mà sẽ đi thẳng vào máu. Muốn điều trị bệnh nhân nhiễm độc chì, tùy thuộc vào mức độ lâm sàng, kết quả xét nghiệm mà thời gian nghỉ dưỡng, điều trị lâu hay mau.

Với thắc mắc, nếu không hút được chì, tại sao mỹ phẩm bôi trên da lại chuyển sang màu xám? BS Ngô Anh Kiệt lý giải, đó có thể là do cơ sở thẩm mỹ sử dụng các loại kem, đắp mặt nạ dưỡng da mà khi gặp áp suất cao của máy hút, hơi nóng, hơi lạnh, gió, không khí… nên chuyển màu. Áp suất của máy cao cũng làm dãn nở lỗ chân lông, khi máy hút bỏ bã nhờn và chất bẩn dưới da nên mỹ phẩm chuyển sang màu xám. Đây đơn giản chỉ là phương pháp làm sạch da, tẩy tế bào chết thông thường chứ không hút được chì trong da.

Cẩm - Lài

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI