Hướng phát triển nào cho thành phố Củ Chi tương lai?

30/03/2022 - 06:55

PNO - Củ Chi được lãnh đạo đảng bộ, chính quyền TPHCM định hướng từ huyện lên thành phố trước năm 2030. Ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp “xanh”, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái… là những gợi ý của các chuyên gia về định hướng để đầu tư, phát triển huyện này.

Phát triển công nghiệp “xanh”

Phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - phân tích TPHCM đang phát triển từ khu vực trung tâm tỏa ra bốn hướng. Trong đó, hướng đông - đông bắc là TP.Thủ Đức đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch nhưng dư địa phát triển không còn nhiều; hướng đông nam là H.Cần Giờ, khu dự trữ sinh quyển nên không thể đô thị hóa mạnh; hướng nam - tây nam là H.Bình Chánh trũng, làm nơi thoát nước cho cả thành phố nên không thuận lợi cho việc xây dựng đô thị hiện đại. Như vậy, chỉ H.Củ Chi là còn dư địa phát triển trong tương lai xa nhờ có quỹ đất lớn, mật độ dân cư thưa thớt, địa thế vùng đất cao, thuận lợi cho việc xây dựng đô thị hiện đại, không bị sụt lún, dễ dàng thoát nước. 

Theo các chuyên gia, trong ba huyện dự kiến “lên” thành phố, hiên chỉ có Củ Chi có đủ điều kiện thuận lợi về vị trí, nguồn lực đất đai để phát triển - ẢNH: SƠN VINH
Theo các chuyên gia, trong ba huyện dự kiến “lên” thành phố, hiện chỉ có Củ Chi có đủ điều kiện thuận lợi về vị trí, nguồn lực đất đai để phát triển - Ảnh: Sơn Vinh

Theo bà, Củ Chi có thể hình thành khu Đại học Quốc gia 2, khu công nghệ cao số 2 và công viên phần mềm số 2 (các khu chức năng này đều hết quỹ đất ở nội thành để mở rộng). Việc phát triển công nghiệp ở Củ Chi nên theo hướng công nghệ hiện đại, ngưng phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và gây ô nhiễm như gia công da giày, chế biến rượu bia. 

Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy (Trường đại học Nông Lâm TPHCM ) cũng cho rằng với vị trí thuận lợi, có đường bộ nối trung tâm thành phố chỉ hơn 30km, đường thủy cách cảng Sài Gòn không xa và có xa lộ xuyên Á nối với nhiều quốc gia, Củ Chi có tiềm năng rất lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Tuy nhiên, cần có “bộ lọc” để thu nạp những nguồn vốn “sạch”, mang tính bền vững từ doanh nghiệp có tầm chứ không chạy theo FDI bằng mọi giá.

Trong đó, ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp “xanh”, thân thiện môi trường, như ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Củ Chi cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải hiệu quả để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trong quá trình hình thành khu công nghiệp Tây Bắc theo quy hoạch.

Tiến sĩ Thạch Phước Hùng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, thuộc Đại học Quốc gia TPHCM ) - đề xuất nên phát triển các vành đai xanh (green belt) làm vùng đệm giữa khu công nghiệp, khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp, giúp giải tỏa áp lực trong bối cảnh trung tâm thành phố thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng nhưng không còn không gian để mở rộng.

Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao

Củ Chi dược lãnh dạo Đảng bộ, chính quyền TP.HCM dịnh hướng từ huyện lên thành phố trước năm 2030. Ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp “xanh”, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái… là những gợi ý của các chuyên gia về dịnh hướng dể dầu tư, phát triển huyện này. - ẢNH: SƠN VINH
Củ Chi được lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền TPHCM định hướng từ huyện lên thành phố trước năm 2030. Ưu tiên những lĩnh vực công nghiệp “xanh”, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái… là những gợi ý của các chuyên gia về định hướng để đầu tư, phát triển huyện này - Ảnh: Sơn Vinh

Theo thạc sĩ Thạch Phước Hùng, nguồn lương thực, thực phẩm của TPHCM đang được cung ứng chủ yếu từ các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch và biến đổi khí hậu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực đô thị công nghiệp để hạn chế sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu của hoạt động sản xuất công nghiệp và khu dân cư. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Lộc (Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước), Củ Chi có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất TPHCM , chiếm hơn 52% tổng diện tích đất nông nghiệp của năm huyện ngoại thành. Đây là nguồn lực quan trọng thu hút vốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp “sạch”, thân thiện môi trường. Với nguồn nhân lực còn hạn chế, trước mắt Củ Chi có thể ưu tiên cho ngành chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu hoặc thức ăn chăn nuôi hiện đại thường cần nhà máy lớn nhưng ít nhân lực vận hành. 

Theo ông, mô hình nông nghiệp công nghệ cao với mỗi khâu đều tự động hóa sẽ giúp giảm thiểu ô nhiễm, sản phẩm đầu ra thân thiện môi trường, từ đó nâng cao dần sự phát triển ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của H.Củ Chi và các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Bình Dương, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.

“Thách thức lớn nhất của việc thu hút vốn FDI vào Củ Chi nói riêng và TPHCM nói chung là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Sẽ rất khó tăng mức đầu tư cho nguồn nhân lực khi tỷ lệ điều tiết ngân sách của Trung ương cho TPHCM hiện nay quá thấp, chỉ 18%. Cần kiến nghị Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết lên 23 - 25% để TPHCM đầu tư phát triển hạ tầng, năng lượng và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao” - ông Nguyễn Hữu Lộc góp ý.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thu Vân (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ) cho rằng TP.Thủ Đức là khu công nghiệp công nghệ cao, nên Củ Chi cần hướng tới mục tiêu hình thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tạo nên cán cân hợp lý trong cơ cấu kinh tế của TPHCM.

Do đó, cần có chính sách phù hợp, như sản xuất theo hợp đồng (contract farming), trong đó nông dân cho doanh nghiệp thuê đất để tích tụ ruộng đất tới quy mô đủ lớn để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với hình thức này, nông dân không bị mất đất, có thu nhập từ việc cho thuê đất và cũng có thể trở thành người làm việc trong doanh nghiệp nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân tiên tiến cho một nền nông nghiệp tiên tiến. 

Hình thành trục sinh thái ven sông Sài Gòn

TPHCM là đô thị có vùng nông nghiệp, sinh thái ở các huyện ngoại thành. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hình thành các đô thị hạt nhân giúp giảm áp lực cho khu trung tâm TPHCM , cần phát triển Củ Chi theo hướng đô thị sinh thái, “lá phổi xanh” phía tây bắc.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bưởi (Học viện Cán bộ TPHCM ) cho rằng môi trường trong lành, bảo lưu được nhiều giá trị truyền thống của Củ Chi rất phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng. Hiện nay, rất nhiều du khách muốn trải nghiệm những ký ức tuổi thơ như mò cua, bắt ốc, hái rau, ăn uống ngay tại sân vườn. Người dân Củ Chi có thể tận dụng, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có để phục vụ du khách, vừa cho thu nhập cao, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

UBND H.Củ Chi hiện đang kêu gọi đầu tư mười dự án phân khu ven sông Sài Gòn dài 51,5km với định hướng xây dựng khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn.

Theo bà Nguyễn Thị Bưởi, để làm du lịch hiệu quả, nên kết nối các tour, các điểm du lịch ngoài huyện để khai thác du khách, như tour du lịch địa đạo - chiến khu D - núi Bà, đa dạng hóa loại hình sản phẩm, như du lịch nông nghiệp, du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch giải tỏa căng thẳng, du lịch học đường, du lịch chuyên đề, du lịch về nguồn...

Đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch như xây dựng chuỗi hoạt động trải nghiệm trên sông Sài Gòn cho du khách như kéo lưới bắt cá, trải nghiệm cuộc sống của người dân làng quê Nam bộ, có chính sách hỗ trợ người dân phát triển các loại hình homestay, farmstay ở khu vực ven sông để kéo dài thời gian lưu trú của du khách trên tuyến du lịch Bạch Đằng - Củ Chi.

Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo, cần hạn chế sự phát triển du lịch quá nhanh để tránh các hệ lụy về môi trường sinh thái. Để phát triển bền vững, việc khai thác du lịch ở Củ Chi có thể lồng ghép với việc sử dụng những sản phẩm thân thiện môi trường như túi phân hủy sinh học, ống hút giấy, cốc giấy thay thế đồ nhựa... 

H.Củ Chi có diện tích 435km2, dân số 462.000 người, thu ngân sách năm 2021 là 1.386 tỷ đồng, dự kiến sẽ trở thành thành phố trong giai đoạn 2025-2030. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM , trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng Tư tới, sẽ có các gian triển lãm một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và 55 dự án kêu gọi đầu tư vào huyện Củ Chi và Hóc Môn, lĩnh vực hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… với tổng mức đầu tư gần 286.000 tỷ đồng. Ban tổ chức ghi nhận, có 16 dự án sẽ được ký kết tại hội nghị với tổng mức đầu tư hơn 54.000 tỷ đồng.

Vành đai, cao tốc tạo sức bật
Ông Phạm Trần Trung (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM ) cho rằng, “nút thắt” lớn nhất hiện nay của khu vực ngoại thành là hạ tầng giao thông. Trong đó, H.Củ Chi có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng trục giao thông chính là Quốc lộ 22 hiện đã quá tải, còn 1.600 tuyến đường nội huyện là đường nông thôn nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo phải mất 45-60 phút mới vào được trung tâm TPHCM dù chỉ cách hơn 30km.

Những năm gần đây, luồng vận chuyển hàng hóa giữa TPHCM và tỉnh Tây Ninh đang tăng nhanh dẫn đến nguy cơ ùn ứ và tai nạn giao thông. Do đó, việc triển khai tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ chia sẻ đáng kể áp lực giao thông cho Quốc lộ 22, tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Đây là tuyến giao thông hết sức quan trọng, tạo đà giao thương phát triển mạnh mẽ cho toàn khu vực tây bắc TPHCM ; cũng như tạo sự kết nối Campuchia - Tây Ninh - Củ Chi - Hóc Môn về trung tâm TPHCM .
Tương tự, hai tuyến vành đai 3, 4 đang được triển khai sẽ tạo ra động lực phát triển lớn cho các huyện ngoại thành, đặc biệt là Củ Chi, khi có cả hai đường vành đai đi qua. Theo quy hoạch, tuyến metro số 2 (giai đoạn 3) đi qua khu tây bắc Củ Chi sẽ kết nối hiệu quả huyện này với khu trung tâm thành phố.

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM - hiện nay, các khu công nghiệp ở H.Củ Chi phân bố chủ yếu trên Quốc lộ 22 là tuyến đường đông đúc, thường kẹt xe, khoảng cách đến cảng Cát Lái cũng xa nên năng lực cạnh tranh kém so với các khu công nghiệp ở quận, huyện và tỉnh, thành khác. Để khắc phục điểm yếu này, việc hình thành các tuyến cao tốc, vành đai hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành logistics, là một kênh kết nối thị trường xuất khẩu, giúp Củ Chi tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, tạo động lực để hình thành các khu đô thị công nghiệp. 

Khi tuyến vành đai liên kết vùng được đầu tư, tạo thành vành đai công nghiệp với cụm cảng Hiệp Phước phía nam và Cái Mép - Thị Vải phía đông, Củ Chi có khả năng trở thành trung tâm kho vận và hậu cần logistics quốc tế. Đặc biệt, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch thuận lợi, Củ Chi có thể đẩy mạnh giao thông đường thủy, xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn nối H.Củ Chi với Q.1.

Thận trọng với đô thị hóa vùng ngoại thành

Tiến sĩ Nguyễn Thiềm (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng việc “nâng cấp” từ huyện lên thành phố nên được diễn ra một cách tự nhiên, phù hợp thực tế và gắn liền với việc nâng cao đời sống người dân. Không nên cố “ép” lên thành phố hoặc phát triển “nóng” bằng mọi giá vì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khi đời sống người dân chưa từng bước được nâng lên, việc chuyển đổi ngành nghề cũng chưa theo kịp mô hình phát triển chung.

Nếu không kiểm soát tốt việc quy hoạch, việc “lên” thành phố sẽ gây xáo trộn đời sống người dân, tạo ra tình trạng đầu cơ đất đai, xé nhỏ quỹ đất, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án lớn sau này. Như hiện nay, sau khi có thông tin “lên thành phố”, giá đất ở các huyện ngoại thành đều bị đẩy lên cao, chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp bất động sản và những người đầu cơ đất. Khi lên thành phố mà mức sống của dân vẫn không tăng, chỉ có đất đai, nhà ở, dịch vụ tăng giá thì người nghèo càng khổ hơn và cơ hội sở hữu nhà ở của người dân càng xa vời.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Miền Nam) cho rằng khu vực nội đô đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm, ngập nước, thiếu hụt mảng xanh nghiêm trọng và các huyện ngoại thành được xem là vành đai xanh của TPHCM. Nếu màu của cây cối, đồng ruộng, kênh rạch bị thay bằng màu bê tông, gạch ngói thì liệu hướng phát triển đó có bền vững cho tổng thể TPHCM hay không, hay chỉ làm dân số tăng lên, ô nhiễm, ngập nước nhiều hơn? Do đó, cần hết sức thận trọng với việc đô thị hóa huyện ngoại thành.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI