PNO - Như đứa trẻ hiếu kỳ khi rảo bộ giữa mảnh vườn chừng 100m2 của chị Lê Thị Lan (ấp Chánh, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi, TP.HCM), tôi đụng đâu hỏi đó theo từng cái chạm tay của vị chủ nhân lên mỗi loài cây trong vườn. Có loại, chị Lan vanh vách tên. Có loài, ngẫm ngợi hồi lâu rồi chị lắc đầu cười trừ: “Gần gũi quá riết đâm quên mất nó gọi là gì rồi”.
Những lần quên tên đột xuất đám cây cỏ ngoài vườn của người đàn bà vừa qua tuổi 40 may có chồng đỡ lấy. Chốc chốc, anh Nguyễn Ngọc Thành ra dáng một bậc thầy am tường: “Là ngũ trảo”, “À! Ấy là cây khuynh diệp”, “Tên nó là ngũ sắc”…
Nhẩm đếm, gần 10 loại nguyên liệu cho một nồi lá xông đã chất đầy chiếc rổ. Ngũ trảo, lá ổi, bưởi, lá lốt, củ gừng tươi… Như sực nhớ điều gì, chị Lan gọi ới chồng: “Thiếu sả rồi anh”. “Để qua dì Tư xin”. Dứt lời, anh Thành đạp xe vọt đi trong mấy phút, quay về với giỏ xe đầy sả. Anh hồ hởi: “Trị cảm, mệt, xông một nồi vầy hết liền. Cứ chọn loại lá có tinh dầu đem nấu chung”.
Ông Út Bòn nối nghiệp cha hành nghề bốc thuốc nam. Ông là người đau đáu với sự mai một của cây dược liệu trên đất Củ Chi |
Nồi lá bắc trên bếp. Giữa gian bếp thơm lừng mùi lá xông, chị Lan cười rạng rỡ: “Cả nhà tui, hai vợ chồng và bốn đứa con đó giờ rất ít khi tốn tiền mua thuốc tây. Sắp nhỏ cũng nhờ mớ cây cỏ ngoài vườn mà khỏe mạnh ngời ngời”. Gốc khế thay ranh đất, chị Lan không nhớ xuể biết bao lần trèo hái mớ bông nụ đem ngâm chưng đường phèn, trị ho cho bầy nhỏ. Vợ chồng chị có mấy bận đau người, cũng nhờ mớ lá lốt đem phơi, sắc uống thay nước. Hồi từ nội thành về ngoại ô làm dâu, đâu 15 năm trước, chị Lan đã thấy đám cây thuốc nói trên mọc đầy vườn, cùng nhiều loài ăn quả. Quãng đó, mấy bận mang rổ theo mẹ chồng tìm hái mớ cây thuốc, lớp ăn lớp chữa bệnh, chị Lan cũng ngơ ngác, thích thú, hiếu kỳ như đứa trẻ.
Củ Chi cách TP.HCM chừng mấy chục cây số. Người dân ít nhiều còn giữ nếp sống vùng nông thôn, quen “tiêu dùng” tại chỗ bằng cây nhà lá vườn. Đất lên giá, nhiều nhà vẫn giữ lại khoảnh đất làm vườn. Họ trồng cây, nuôi con phục vụ cho gia đình. Trôi miên man trong… cái dở bằng “toan tính” của một kẻ nhiều năm sinh sống giữa nội đô, với thói sinh hoạt mà mọi sự tiêu dùng đều dựa trên mua bán, tôi không giữ được câu hỏi: “Nhà nhiều cây thuốc hay ho vậy, chị có hái bán không?”. Tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi, chị Lan ra chiều ngỡ ngàng: “Mấy này, quanh đây nhiều lắm, nhà nào cũng có thì bán ai mua. Tuy là nhà này có cây này, nhà kia có cây kia chứ không đủ hết, nhưng thiếu thì cầm rổ đi, xin ai cũng cho hết”. Đến mùa cây rậm lá, như nhiều người, anh Thành hái phơi khô, mang bán cho nhà thuốc đông y gần nơi sống. Bán lâu năm thành mối, nhưng tiền chỉ đủ mua chừng dăm bịch kẹo làm quà cho sắp nhỏ.
Rễ và gốc cây một loại dược liệu ở Củ Chi |
Cây dược liệu, quý và dễ mọc, dễ trồng, lắm khi người dân phải đào bỏ, dành đất cho việc khác sinh lợi hơn.
Những ngày “lưu lạc” giữa Củ Chi, “thết đãi” tôi một chút miệt vườn không chỉ có chị Lan. Tầm 16 giờ, trên con đường Cây Bài, thuộc xã Phú Hòa Đông, bà Nguyễn Thị Phượng níu chân tôi bằng dáng ngồi… ngủ gục. Con đường rộng thênh, thi thoảng dăm chiếc xe chạy ngang huyên náo. Một mình bà Phượng trơ trọi bên mép đường bày bán những nghệ củ, nghệ bột cùng với rổ trứng gà, hành, tỏi… Nghe tiếng tôi dừng xe, người đàn bà nhỏ thó khẽ khàng kéo chiếc nón, ngẩng mặt cười chào. Bất ngờ bà ngân nga: “Nghệ đi! Dạ dày đau đớn liên miên/ Đàn bà chửa đẻ ưu tiên nghệ này”. Thấy tôi phì cười, bà chậm rãi: “Dân xóm đây, ai cần nghệ là đều đến nhà tui”. Tôi ngộ nhận câu nói, hình dung một thửa nghệ mút chỉ trong khu vườn nào đó của bà. “Nhà còn có mấy cây hà. Phải mà ngày xưa…” - bà Phượng phân trần.
Đôi tay nhuốm màu vàng thoăn thoắt sắp lại mấy món hàng, người đàn bà quay về với “ngày xưa”. Thuở đó, bà nhớ, người dân đất Củ Chi sở hữu rất nhiều cây thuốc nam, mỗi gia đình, giàu nghèo ra sao cũng có ít nhất vài ba món trồng trong vườn. Gia đình bà Phượng có mấy luống nghệ chạy dọc dài bên hông, do mẹ bà trồng, cho sở thích kho nghệ chung với cá, ăn sống, làm quà tặng cho ai cần qua cơn đau bao tử, hoặc đàn bà ở cữ, cần phục hồi sau một chuyến gồng mình vượt cạn. Người cần nhiều, kẻ cần ít. Người muốn nhiều thì mẹ bà mới nhận tiền. Tầm hơn 10 năm trước, khi con trai bà cưới vợ, cần đất dựng nhà, thửa ruộng được trưng dụng.
Đận đó, bà Phượng tiếc thửa nghệ mẹ để lại nên đào lên chất mấy bao, mang ra chợ bán. “Rồi làm như cái duyên. Từ đó tui đi khắp làng dưới xóm trên, gom được món trái, củ, cây lá nào, chiều chiều lại mang ra đây ngồi bán” - bà Phượng kể. Nghệ mua trong dân, mỗi nhà dăm ký, rửa sạch, lớp để củ bán, lớp bà phơi khô đem xay. Mỗi ký lời vài chục ngàn đồng. Kể thêm dăm món thảo dược thường ngày vẫn hay bán, bà Phượng trút lòng, mùa dịch bệnh, không dám đi đâu xa, quầy hàng của bà cũng… vắng hoe, lèo lèo mấy món hàng.
Lúc chia tay bà Phượng, tôi trộm nghĩ biết đâu những xôn xao với khách lạ bây giờ, trong người đàn bà hơn 60 năm chỉ đôi lần rời đất thép thành đồng, có phần nào nỗi hoài nhớ quãng lao xao nơi căn nhà, mảnh vườn xưa có mẹ…
Thuộc thành phố, nhưng Củ Chi gợi nhắc những vùng quê thân thương, ít nhiều, bằng hình ảnh “những bà Phượng” tôi gặp. Ở đó, trước ngõ nhà, người dân thường kê chiếc bàn nhỏ xíu, ám màu thời gian, bày bán mớ rau củ hoặc của vườn nhà hoặc thu mua trong xóm. Khác chăng, ở Củ Chi, “những bà Phượng” không chỉ bày cây trái mà còn có thảo dược, cây thuốc nam - thương hiệu khác của đất: mớ mắc cỡ phơi khô bọc thành ký, rễ và gốc cây các loài, diệp hạ châu, cát lồi, hà thủ ô, mài rừng hay sừng bò…
Anh Thành qua dì Tư cắt mớ sả về nấu nước xông |
Đất đãi người. “Nghe Củ Chi nghĩ liền đến cây thuốc. Xứ này, thiên nhiên ban tặng rừng, sông rạch và loại đất đặc trưng vùng địa đạo. Các cây thuốc cứ theo đó mọc nhiều. Độc đáo lắm. Từ đất, cây tự nhiên mà mọc, nắng mưa nuôi lớn” - ông Bòn, ở xã Phú Mỹ Hưng, ngồi rít điếu thuốc, phả làn khói vào khoảng không mênh mông. Ánh mắt ông xa xăm: “Xưa, nhà nào chẳng có cây thuốc nam”. Những ngón tay nhăn nheo chỉ về phía góc vườn, ước chừng còn mấy chục mét vuông sau mấy bận chỉnh trang nhà cửa, ông kêu tôi hình dung tầm vài chục năm trước, dân còn đất và nhiều đất, mười nhà như một, đầy rẫy vườn với ngũ sắc, tơ hồng, ngũ trảo, chùm rụm, mắc cỡ, diệp hạ châu, mật nhân, trinh nữ, bò khai, hà thủ ô hay mài rừng… chen chúc nhau mọc kín. Cây chòi lên thành rào, vươn ra tận đường.
Ông Bòn họ tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Đức, một lương y. Ký ức ông chưa quên thuở thiếu thời Củ Chi huy hoàng với cả ngàn loài dược liệu. Rừng còn dày. Người dân nương tựa rừng và dược liệu để sống. Bấy giờ, nội của ông thường lên rừng hái cây thuốc mang về phối nấu cao. Ai cần tới múc một ly, uống chữa bệnh tại chỗ. Cây thuốc hiếm dần, cũng chẳng còn củi nào chịu xuể để nấu cao. Nội, tới cha rồi ông Bòn nối nghiệp. Lên tám, ông Bòn theo cha vào rừng, được chỉ tên từng cây thuốc, cách nhận diện “thân, tâm” - bề ngoài và tính dược. Đam mê dẫn lối cho nghiệp truyền, về sau, ông Bòn đi học nghề thầy thuốc, được cấp bằng đông y, hành nghề đến bây giờ.
Chị Lê Thị Lan trong mảnh vườn trồng gần 10 loài dược liệu |
Đời nối đời, những vị thuốc, bài thuốc trong dân gian hiếm năm nào rơi vô vùng quên lãng. Ông Bòn thả giọng, chừng như đời sống phát triển cuốn con người theo thói “vội vàng”, bệnh lớn đi bệnh viện, bệnh nhỏ mua thuốc tây. Ngay cái sự mai một, muốn cáo chung của cây dược liệu cũng lạ kỳ! “Có mấy bận người ta phá vườn, xới đất trồng dược liệu theo đặt hàng của thương lái. Rồi thương lái không mua, đành phá bỏ” - ông Bòn trầm ngâm. Lương y Hồ Hùng Nhi - Chủ tịch Hội Đông y H.Củ Chi - có lần nhắc đến cây dược liệu, cũng chạnh lòng: “Lớp trẻ giờ đâu mặn mà dùng và trồng cây thuốc nam. Mấy trạm y tế cũng trồng, theo chương trình phát triển cây thuốc nam của Bộ Y tế bao năm nay, nhưng trồng thì trồng cho có, vậy thôi!”.
Thịnh, suy của cây dược liệu, kỳ thực, vùng nào cũng vậy. Nhưng người Củ Chi cứ đau một nỗi đau riêng của thói quen, nếp sống - nơi cây thuốc dân gian gắn với thời ông bà, bom đạn. Dấu xưa, xe ngựa…
Chở tôi trên xe máy dọc con sông Sài Gòn cách nhà mấy trăm mét. Đoạn đường dọc sông nhấp nhô nhiều đụn cát, ông Bòn như sống lại những ngày chưa quá xa. Con sông này, khu rừng vùng địa đạo, khắp Củ Chi có chỗ nào ông chưa từng ghé qua. Đi, để hái thuốc, để chỉ cho người dân cây thuốc. Vóc dáng gầy nhom, người đàn ông phía trước tôi, hồi nhớ chỉ tay theo từng khúc sông, lẫn trong vạt cỏ. Kìa là muồng vàng chữa chướng bụng, táo bón, giải độc. Kia là gối hạc trị thấp khớp, suy nhược thể trạng. Đó là ngũ trảo trị cảm, ho…
Sóng dịch COVID-19 lần thứ tư quét qua mọi ngõ ngách, nhiều người đồ rằng, sẽ một chuyến tìm về sức mạnh của loài cây dược liệu. Đâu đó có những cuộc đánh thức, trỗi lên âm thầm với “bí quyết” truyền tai. Chủng vi-rút các loại lá tinh dầu, thêm mớ sả, miếng gừng nấu xông đều hiệu quả nhất định; thể trạng suy nhược, ăn lá gối hạc non; giải độc có cao đằng, cát lồi; mát gan lợi tiểu dùng cỏ xước, ké; cây mật gấu giúp giảm ho… Cao điểm dịch bệnh, thành phố phải giãn cách dài ngày, cây thuốc quanh nhà trở thành chỗ bám víu, giúp tăng đề kháng, giải cảm, giảm nhẹ các triệu chứng và phòng ngừa xâm lấn.
Tháng 9/2021, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền trong phòng và điều trị COVID-19 như biện pháp hỗ trợ. Những cây thuốc đại chúng, hồn nhiên và lặng lẽ chốn bờ rào, góc sân lại phát huy vị thế! Có mặt ở hầu hết các “điểm nóng” COVID-19 của huyện trong những ngày Củ Chi nói riêng chống chọi với dịch bệnh, lương y Hồ Hùng Nhi đã đem từng gói lá xông và túi thuốc đông y (thuộc chương trình Chung tay phòng chống dịch COVID-19 bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại, do Hội Đông y TP.HCM phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện tổ chức, dưới sự chỉ đạo thực hiện của Thành ủy TP.HCM và Trung ương Hội Đông y Việt Nam) đến các khu điều trị, cách ly.
Có nhiều nguyên nhân, song nhiều chuyên gia từng đặt câu hỏi, liệu việc dùng thuốc đông y có góp phần giúp Củ Chi trở thành một trong hai địa phương đầu tiên của thành phố công bố kiểm soát được dịch bệnh, số F0 thấp, bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng chiếm đa phần? Đầu tháng Chín, anh T.M.Đ. (ở xã Tân Thạnh Đông) nhiễm COVID-19. Nhận túi thuốc A, B, anh khăn gói ra gian nhà phía sau, tự cách ly, điều trị. Mỗi ngày một lần, mẹ anh, bà X., mang cho con nồi lá xông, nấu từ “đặc sản” trong vườn nhà với tía tô, ngải cứu, lá bưởi, hương nhu và lá dứa. Ngồi giữa căn phòng kín, anh Đ. hít hà mùi dễ chịu của lá xông, mồ hôi tuôn như tắm. “Người không còn sức sống, đầu đau như búa bổ, vậy mà xông xong, người nhẹ nhõm, dễ chịu, dễ thở hơn” - anh Đ. nhớ. Sau mỗi lần xông, ngoài cửa, bà X. cũng đặt sẵn cho con bát cháo trứng gà tía tô nhiều tiêu cay nghi ngút khói. Cùng túi thuốc tây y, mấy bài thuốc dân gian của người mẹ đưa anh Đ. qua căn bệnh nhẹ nhàng.
Dược liệu sẵn trong vườn, người Củ Chi dễ dàng áp liền tay một bài thuốc dân gian. COVID-19 ít nhiều đưa người dân đất này quay về với thiên nhiên. Nhưng, không phải cứ cây thuốc là dùng, như ông Bòn tâm tư: “Dân gian truyền bài thuốc, nhưng dân gian cũng dễ thổi bùng từng vị thuốc, cây thuốc. Đó là cách giết thuốc”. Mỗi cây thuốc chưa bao giờ là phép giải tận cùng cho một chứng bệnh nào đó của con người. Thân danh, tánh dược. Cây như người. Người có lạnh - ấm, nội tâm hay hướng ngoại, có vui tươi và cũng có dễ buồn, vô tư hay hoài niệm. Dược liệu cũng muôn vị mặn, nhạt, đắng, cay. Người với người giống như vị phối vị, đều tồn tại khác biệt.
Huy hoàng hay “lưu vong” giữa quên - nhớ, trọng - chê của người đời, thì trăm năm hay ngàn năm sau nữa, cây thuốc nam vẫn một đời sống riêng. Và Củ Chi vẫn đang chờ sự trở lại của thương hiệu cây thuốc dân gian. Cũng là cuộc trở về của một thói quen, nếp sống cũ - nương náu trong cỏ cây, thảo dược, tạo sinh lực cho chính mình và vùng đất.
Tuyết Dân
Chia sẻ bài viết: |
Chiều 14/9, tlực lượng chức năng phát hiện 1 thi thể nữ trôi dạt trên sông Hồng, đoạn thuộc xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao).
Người dân Phú Quốc (Kiên Giang) đã gói 1.000 đòn bánh tét và vận chuyển bằng máy bay để tặng bà con miền Bắc bị ảnh hưởng bão số 3.
Sau gần 40 năm sử dụng, cầu treo sông Giăng (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã “rệu rã”, khiến người dân luôn thấp thỏm, bất an mỗi khi đi qua.
Trên đường đi học về, 7 học sinh không may bị đàn ong tấn công khiến 1 em tử vong, 6 em còn lại hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện.
Công an phường Bến Nghé, quận 1 đã mời 2 người liên quan đến thông tin 1 nam streamer nổi tiếng bị “chặt chém”.
Các em đã có một ngày vui chơi, tặng quà, học bổng... trị giá 1 triệu đồng mỗi em nhân dịp tết Trung Thu.
Người dân tụ tập ở trụ sở UBND tỉnh, đòi gặp trực tiếp chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, gây cản trở hoạt động của UBND tỉnh.
Bé trai ở Vĩnh Long cùng nhóm bạn rủ nhau tắm trên sông Cổ Chiên, sau đó đuối nước, mất tích vừa được ngành chức năng tìm thấy thi thể.
VEC miễn phí xe cứu trợ đi qua cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản gửi Thủ tướng, đề nghị trung ương hỗ trợ công trình xử lý khẩn cấp khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 3.
Một đoạn đê dài 8m đoạn giáp ranh Hà Nội và Bắc Ninh bị sạt lở. Lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục sự cố.
Ông Phạm Đức Tiến - Ủy viên UBKT Trung ương - được điều động, chỉ định giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sau 3 ngày phát động, Nghệ An đã kêu gọi được gần 12 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm hỗ trợ các tỉnh miền Bắc.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng vừa công khai danh sách ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong ngày 14 và 15/9, 2 chuyến hàng tiếp theo của AHA cũng sẽ được chuyển lên Lào Cai để kịp thời hỗ trợ người dân vùng thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký công điện về tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 3.
Nhân dịp tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Mặc dù nước trên sông Cà Lồ đang rút nhưng một số thôn xóm thuộc xã Việt Long (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn còn bị cô lập trong biển nước.