Hôm nay, đường phố Đà Nẵng đông

27/08/2020 - 22:04

PNO - Có thể nói, lý do mọi người ra đường ngày càng ít chính đáng. Nhưng qua đó, tôi thấy sức chịu đựng của đa số người dân đang dần cạn kiệt.

Bác tổ trưởng tới nhà, gửi tôi “phiếu đi chợ” loại mới, quy định cụ thể các ngày tôi được phép đi chợ khi TP. Đà Nẵng vẫn đang giãn cách xã hội. Phiếu mới màu trắng, ghi ngày bằng chữ đen, rõ ràng và hiệu quả hơn hẳn các màu xanh, hồng dạo trước. Ngoài ra, thông tin dịch tễ của các bệnh nhân mới khá phức tạp: sinh hoạt trong cộng đồng và mua bán tại các chợ truyền thống.

Nhưng mà, hôm nay đường phố đông.

Đường phố Đà Nẵng ngày 28/7, ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: Lê Đình Dũng
Đường phố Đà Nẵng ngày 28/7, ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội - Ảnh: Lê Đình Dũng

Lần đi chợ gần nhất của tôi là ngày 16/8, ngay sau khi nhận được phiếu đi chợ loại cũ (xanh, hồng cho ngày chẵn, lẻ). Hiện tại, thịt cá vẫn còn, nhưng hành, ớt, tỏi thì hết. Tôi ra ngoài, tìm một chỗ mua lẻ bên ngoài chợ truyền thống vì từ ba ca nhiễm, đã dẫn đến việc phong tỏa năm chợ ở Đà Nẵng ngày 22/8 nên tôi khá e ngại vào chợ.

Các cô bán rau vỉa hè nơi tôi thường mua đều đã nghỉ, chỉ một người có ki-ốt vẫn bán, nhưng cũng chỉ bán hàng tạp hóa. Cô bảo: “Phường (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) cấm bán một tuần nay rồi, nhưng kệ. Hết tuần ni, cô lấy hàng về bán tiếp, vì nhiều người hỏi”. Bên kia đường là phường Tân Chính, cũng hàng rau, người ra vào tấp nập.

Người mua, kẻ bán giữ khoảng cách an toàn rồi gắng sức nói to các thứ mình cần, tiếp xúc gần duy nhất là khi giao hàng và nhận tiền. Khi tôi vừa dừng xe, chị bán hàng lập tức nhắc: “Cho xe lên lề, đứng xa nhau ra, phường tới hốt bây giờ”. Mọi người vẫn ý thức rằng, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao.

Một số cửa hàng ít “thiết yếu” hơn cũng mở cửa trở lại. Dọc đường Trần Cao Vân, tôi thấy không ít cửa hàng mở cửa, bày hàng hóa bình thường. Qua quan sát, tôi thấy có bán áo quần, tã,  bỉm, có hàng bán bàn ghế, tủ thờ, có hàng bán đồ điện nước. Thậm chí, gần khu công nghiệp Hòa Khánh, một số quán cà phê đã mở cửa, thấp thoáng hai, ba bàn có khách.

Vì sao hôm nay, đường phố đông?

Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là việc người dân hiểu nhầm. Ngày 26/8 là vừa đúng hai tuần tính từ ngày UBND TP. Đà Nẵng ban hành văn bản số 5316/UBND-VHXH (ngày 12/8). Tuy nhiên, văn bản trên cũng ghi rõ “tiếp tục giãn cách cho đến khi có thông báo mới”. Tôi tự kiểm tra lại, chính quyền đã tính đến trường hợp này. Trang chủ cổng thông tin của TP. Đà Nẵng đã đăng thông báo từ đầu giờ chiều 26/8, nhấn mạnh rằng thành phố vẫn tiếp tục cách ly, tối thiểu là đến hết tháng Tám. Hệ thống loa điện tử, triển khai khắp các trụ đèn giao thông từ khi có dịch cũng liên tục nhắc nhở, yêu cầu người dân hạn chế ra đường, đồng thời nêu ra các mức phạt nếu vi phạm lệnh cấm tụ tập.

Hỏi bạn bè, người quen về nguyên nhân ra đường thời gian này, tôi rút ra hai lý do chính: mua sắm và đi dạo. Lý do đầu thì rất hiển nhiên, không phải ai cũng quen và tin tưởng các dịch vụ đi chợ online, và một số mặt hàng không tiện mua online. Cùng với thời gian cách ly ngày càng dài, những nhu cầu tưởng chừng không thiết yếu, dần dần trở nên quan trọng. Người đi làm bị hư giày, cần mua đôi giày mới; đèn điện, ống nước trong nhà bị hỏng, phải thay, sửa gấp. Trong những ngày bất bình thường này, tối thiểu, mọi người đều cố gắng giữ cho điều kiện sinh hoạt cơ bản “bình thường nhất có thể”.

Nhiều khi, người dân chỉ tìm một lý do để ra đường. Từ đầu dịch, chị L. đã tính toán để hạn chế tối đa số lần ra khỏi nhà để mua thực phẩm. Nhưng gần đây, chị hay ra ngoài, đeo hai khẩu trang để yên tâm hơn, tránh đứng gần người khác kể cả khi dừng xe đèn đỏ. Chị không ghé nhà ai, chỉ đi dạo dọc các con phố, nhìn hàng quán đã đóng cửa. Việc ở nhà trong thời gian dài, gần như không tiếp xúc với ai ngoài chồng con dần khiến chị cảm thấy ù lì. Ra ngoài, không gian thoáng đãng giúp chị phấn chấn hơn, tiếp tục chịu đựng những ngày giãn cách.

Vậy là, hôm nay đường phố đông.

Có thể nói, lý do mọi người ra đường ngày càng ít chính đáng. Nhưng qua đó, tôi thấy sức chịu đựng của đa số người dân đang dần cạn kiệt. Ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến “sống chung với lũ”, mong muốn thành phố khôi phục hoạt động bình thường, chỉ tăng cường cách ly các ổ dịch nếu cần thiết. Tôi nghĩ, chính quyền cần nghiêm túc xem xét việc này, hoặc cần tăng mạnh các biện pháp giãn cách hơn nữa để việc cô lập các nguồn lây bệnh đạt hiệu quả tối đa, hướng đến việc chấm dứt đợt dịch này sớm và triệt để nhất có thể.

Thường Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI