Hoa tết Hà Nội thời thích ứng với dịch

19/01/2022 - 07:00

PNO - Các làng hoa lớn của thủ đô cũng như những vùng trồng hoa giáp ranh đều giảm diện tích canh tác, đa dạng chủng loại để thích ứng với tình hình mới.

Mỗi ngày, TP.Hà Nội có gần 3.000 ca mắc COVID-19 mới, nên nhiều nhà xác định đón tết Nhâm Dần đơn giản, tiết kiệm. Các làng hoa lớn của thủ đô cũng như những vùng trồng hoa giáp ranh đều giảm diện tích canh tác, đa dạng chủng loại để thích ứng với tình hình mới.

Chuyển từ bán cành sang bán chậu

Ở làng hoa Tây Tựu, P.Tây Tựu, Q.Bắc Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Nụ đang cẩn thận dùng giấy và ni-lông quấn quanh từng nụ hồng thơm cho phần hoa mà gia đình bà để dành bán trong dịp tết. Bà Nụ khoe: “Trong đợt dịch năm 2020, không bán được hoa, nhiều nhà bỏ hoang vườn. Nhà tôi quyết tâm duy trì nên vừa rồi bán được giá, mừng lắm”. 

Mồng Một và rằm tháng Chạp vừa rồi, bà Nụ cắt hoa bán tại vườn cũng được 30.000 - 50.000 đồng/chục bông hồng, 40.000 đồng/chục bông cúc; một số nhà vẫn duy trì vườn hoa ly thì bán 20.000 - 25.000 đồng/cành. Bà Nụ nhẩm tính: “Năm nay, bán được giá cao gấp 2-3 lần năm ngoái, trừ hết các khoản chi phí, gia đình tôi lãi mỗi sào khoảng hai chục triệu đồng”.

Nhờ giảm diện tích, đẩy mạnh và đa dạng các loại hoa bình dân  mà vùng hoa lớn này luôn tấp nập xe khách các nơi đến lấy hàng
Nhờ giảm diện tích, đẩy mạnh và đa dạng các loại hoa bình dân mà vùng hoa lớn này luôn tấp nập xe khách các nơi đến lấy hàng

Trên cánh đồng thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, H.Mê Linh - nơi từng là tâm dịch hồi đầu năm 2020 - hiện không còn đa dạng các loại hoa cắt cành, bán bông (cúc, ly, hồng, đồng tiền…). Tất bật kiểm tra lại những chậu hoa hồng gần hai năm tuổi, anh Lê Văn Tuấn cho biết, sau khi cắt bỏ hàng loạt hoa trên đồng do dịch COVID-19, các nhà đều chuyển phần lớn diện tích trồng hoa cắt cành sang trồng hoa chậu. Trồng hoa chậu chủ động được cả thời điểm thu hoạch lẫn thời gian chăm sóc. Trồng hoa cành thì đến lứa là phải cắt dù có bán được hay không. Nếu để thì cây không thể nào ra lứa mới. Nhưng hoa trồng chậu thì có thể để lâu dài; càng để lâu, cây càng to, bán càng được giá.

Anh Tuấn nói: “Hoa cao trên dưới 1m như thế này có giá chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng/chậu, rất hợp với túi tiền của người mua”.

Giảm diện tích trồng hoa tết

60% nông dân ở P.Tây Tựu chuyên canh hoa với tổng diện tích gần 300ha. Trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội, có gia đình đành phải cắt bỏ đến sáu sào hoa. Bà con chuyển phần lớn đất trồng hoa đó sang gieo trồng các loại rau xanh ngắn ngày. Trừ vài tuần giá rau xanh tăng cao do thời tiết không thuận, năm nay, rau xanh được tiêu thụ chậm, giá cũng thấp hơn so với mọi năm. Bù lại, bà con có đồng ra đồng vào quanh năm, không phải chờ vào may rủi như trồng hoa. “Nhìn người ta đến mua hoa ngay tại bờ với giá cao như thế cũng tiếc chứ, nhưng đầu tư trong dịch bệnh thì không nói trước được gì đâu. Trồng gì cũng được, miễn có thu nhập là tốt lắm rồi” - bà Ngô Thị Hảo nói.

Đào rừng năm nay giá thấp hơn mọi năm nhưng tiêu thụ rất chậm
Đào rừng năm nay giá thấp hơn mọi năm nhưng tiêu thụ rất chậm

Mọi năm, nhà ông Trần Văn Thành (xã Mê Linh) chuyên trồng hoa loa kèn đầu năm và hoa ly cuối năm để bán. Cả hai loài cây đều phải đầu tư giống, vốn và sự chăm sóc cầu kỳ, cẩn thận hơn các loại hoa khác. Nhưng rồi dịch bệnh liên miên. Sau mấy tháng “án binh bất động” nghe ngóng, ông Thành quyết định thay thế các loại hoa tết ngắn ngày sang cây hoa mộc: “Túc tắc bán cây mộc thôi chứ không bán ào ào được như các loại hoa cắt cành ngày lễ, tết. Nhưng được cái an toàn, không sợ mất trắng như hoa cắt cành, hoa tết nếu chẳng may dịch bệnh bùng phát”.

Người trồng hoa ở H.Văn Giang, tỉnh Hưng Yên - vựa hoa, cây cảnh lớn nhất của miền Bắc hiện nay - cũng chủ động giảm diện tích để phòng những thiệt hại do COVID-19. Hai xã trồng hoa nhiều nhất của Văn Giang là Xuân Quan và Phụng Công năm nay đều giảm diện tích trồng hoa tết. Cán bộ xã Xuân Quan cho biết, bà con trong xã đã chủ động giảm bớt 20 - 30% diện tích trồng hoa tết so với những năm trước. 

Anh Trần Văn Toản chạy xe từ tỉnh Thanh Hóa ra H.Văn Giang chở cây, hoa theo đúng lịch hẹn với chủ vườn. Anh cho biết, năm nay, xe ngoài tỉnh về Văn Giang nhập hàng cũng nhiều không thua gì mọi năm. Đến rằm tháng Chạp là các vườn đã bán hết 80% số lượng hoa. “Tôi chỉ chạy được chuyến này nữa thôi. Từ giờ đến 20 tháng Chạp, có khi các vườn bán hết rồi. Năm nay ít hàng hơn nhưng giá mua tại vườn lại cao hơn mọi năm. Tôi chỉ lấy các loại hoa phổ thông thôi, về Thanh Hóa mới dễ bán, hợp với túi tiền của người dân” - anh Toản chia sẻ.

Hoa "dân dã" cũng thành hoa tết

Ngoài bãi bồi sông Hồng, cánh đồng hoa của xã Phụng Công bạt ngàn, hút tầm mắt, xe nối xe kín trục đường chính của cánh đồng. Năm nay, các loài hoa ở Phụng Công vô cùng phong phú. Ngoài các loài hoa truyền thống như cúc, dạ yến thảo, trạng nguyên, đồng tiền… còn có nhiều loại vừa lạ vừa quen: hoa xác pháo, cây xương rắn (xương rồng bát tiên), cây hoa dọc dừa, dâm bụt, lồng đèn đều được ươm trồng trong bầu đất, trong chậu cẩn thận. Chị Hoàng Thị Thoa xởi lởi: “Trông thế mà nhiều người hỏi mua lắm đấy, một phần vì người ta thấy như gặp lại tuổi thơ, phần nữa là các loài cây này bây giờ lại trở thành cây độc, lạ”.

Chạy xe bán tải vào tuyến đường Hố Bom của cánh đồng Phụng Công, anh Mạnh Hà, anh Lê Văn Luật (TP.Hà Nội) dừng ở vườn cây của vợ chồng anh chị Hải, Xuân. Giữa những cây mộc hương, hồng trà, bạch trà cao ngang ngực, anh Hà, anh Luật lại chọn mấy khóm đồng tiền, cúc, ít chậu dạ yến thảo. Chị Hải đùa: “Các bác đánh hẳn xe bán tải sang để chở mấy khóm hoa bằng nắm tay thế này á?”. Anh Hải cười phá: “Năm nay còn mua được hoa của nhà chị là tốt lắm rồi. Biết tôi sang đây, hàng xóm cũng chỉ nhờ mua các loại hoa bình dân về chưng tết thôi”. 

Phụng Công và Xuân Quan đều có những nhà vườn chuyên các loài cây độc, lạ phục vụ thị trường tết. Khác hẳn với không khí tấp nập bán mua ở các nhà vườn trồng hoa “bình dân”, mấy khu vườn mênh mông những cây hoa giấy ngũ sắc cổ thụ nhà ông L.H. hầu như không có khách. Loại này tốn nhiều công tạo tác nên giá khá cao, khách buôn không dám nhập hàng do sức mua đang yếu. 

Đào rừng, lê, mận khó bán

Nhiều năm nhập đào rừng, lê, mận về bán trên đường Lê Văn Lương, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, chưa năm nào vợ chồng anh Lê Ngọc Hải, chị Vũ Thị Lan bị ế như năm nay. Những năm trước, từ tháng 12 dương lịch, anh chị đã bán được nhiều cành hoa rừng thì năm nay vừa ít khách, vừa mất giá. Đào rừng chơi sớm năm nay có giá chỉ mấy trăm ngàn đồng. Cả chủ vườn và dân buôn đều nhìn thấy tình hình khó khăn chung nên ít chặt những cành lớn, có dáng, có thế như các năm trước mà chú trọng vào các cành nhỏ, bán theo bó 3-5 cành. 

Vừa bán cho khách một bó với giá 120.000 đồng, chị Hải nói: “Như bó này năm ngoái không dưới 250.000 đồng đâu. Khách đến mua trực tiếp năm nay cũng giảm đi rất nhiều do dịch. Mấy ngày cận tết này còn có khách chứ đợt trước, tôi bán đào sớm chủ yếu qua Facebook, Zalo. Nguyên ngày chụp các góc, livestream cũng chỉ chốt được khoảng chục đơn thôi”. Rồi chị tự an ủi: “Mình nhập giá thấp thì bán giá thấp thôi chứ cũng không lỗ đi đâu. Nhưng bán chậm, lãi nhỏ nên cũng thấy buồn buồn”.

Giống như đào rừng, lê, mận năm nay cũng rớt giá, ít người chơi. Những năm trước, mạng xã hội “ngập” trong sắc trắng của lê, mận, cành to, cao đến 2m; năm nay, chỉ lác đác một số người chơi. Năm nay, lê, mận cũng được bán theo bó nhiều cành nhỏ nhưng ít người mua.

Chị Bùi Thị Quỳnh (H.Thạch Thất) kinh doanh online, mỗi vụ tết bán thêm các cành lê, mận nhỏ, nhưng “từ đầu năm dương lịch đến giờ, lượng khách đặt mua chỉ bằng 30% mọi năm dù giá thấp hơn rất nhiều”. Chị Dung (Q.Cầu Giấy) thì rất vui vì vừa mua được một bó cành mận to với giá chỉ 65.000 đồng. Những cành mận hôm trước còn đen thui như củi khô, hôm sau đã bắt đầu bung sắc trắng. Chị Dung cho biết: “Mấy năm trước, bó cỡ này có giá 200.000 - 300.000 đồng. Năm nay, nếu giá không rẻ thế, tôi cũng không dám chơi”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI