Họa sĩ Lê Sa Long: Nghệ thuật với tôi không phải là cuộc dạo chơi

16/08/2020 - 18:15

PNO - “Khi đi qua cái chết, sẽ quý trọng sự sống"

Đêm tiễn đồng đội lên đường sang chiến trường K, ngày 6/11/1984, họa sĩ Lê Sa Long - khi ấy là chàng trai tuổi mười tám - đã vẽ tặng bạn bức họa chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng chì than. Người đồng đội tên Vân, quê Quảng Ngãi, rất yêu thích nhạc Trịnh, vẫn thường nói vui với anh rằng: “Tui thật ghen tị với ông, vì nhạc sĩ học Sư phạm Quy Nhơn thời gian ngắn mà để lại cho quê ông bốn bản nhạc hay!”. Bạn cũng bày tỏ đặc biệt thích ca khúc Biển nhớ của Trịnh. Người lính trẻ Lê Sa Long đã vẽ chân dung Trịnh theo trí nhớ, tặng bạn ngay trong đêm và hẹn ngày trở về, gặp lại nhất định sẽ vẽ tặng một bức chân dung Trịnh hoàn chỉnh hơn. 

Nhưng người đồng đội đã không thể trở về.

“Sau khi chia tay nhau từ quân trường, tôi về Thành đội, còn Vân cùng trung đoàn qua cửa khẩu Đăk Koi (tỉnh Kon Tum), sang đất bạn. Một tuần sau, tôi nghe tin đoàn xe của Vân bị mìn nổ tung, gần như toàn bộ các chiến sĩ trên hành trình đó hy sinh, bức họa Vân mang theo cũng đã tan vào tro bụi…” - họa sĩ Lê Sa Long bồi hồi nhớ lại.

Họa sĩ Lê Sa Long
Họa sĩ Lê Sa Long

Ký ức ấy vẫn theo anh cho đến tận bây giờ, khi hoàn thành bộ tranh về Trịnh Công Sơn (vừa được triển lãm theo công nghệ thực tế ảo, do ảnh hưởng của dịch bệnh). Lê Sa Long nói rằng, anh thấy như mình cũng phần nào hoàn thành lời hứa với người đã mất…

Tâm huyết nửa đời 

Phóng viên: Có nghĩa anh đã ấp ủ kế hoạch vẽ chân dung Trịnh từ thuở ấy?

Họa sĩ Lê Sa Long: Năm 1984, tôi thi đậu trường đại học Sư phạm Quy Nhơn nhưng nhận giấy báo nhập ngũ trước 5 ngày nhập trường. Quả thật, lúc đó tôi hoang mang, lo lắng lắm. Không biết điều gì phía trước đang chờ đợi mình. Tôi nhận nhiệm vụ về Thành đội, một năm chỉ có vài tháng sang Campuchia công tác, mức độ nguy hiểm không thể so sánh được với những đồng đội trực tiếp tham chiến. Nhưng tôi thấu hiểu những mất mát, hy sinh. Thời điểm ấy, chiến trường K còn ác liệt. Khi nhận tin Vân mất cùng đồng đội, tôi càng nghĩ nhiều hơn về sự vô thường, về cuộc chiến, tình yêu, sinh mệnh…

Tác phẩm Nhớ Michiko
Tác phẩm Nhớ Michiko

Từ lúc đó, tôi bắt đầu nghe nhạc Trịnh nhiều hơn, tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời ông, nghiền ngẫm những lời ông viết. Trong suy nghĩ sâu xa, tôi luôn mang ơn Trịnh. “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta có thể làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Tôi luôn nhớ câu này, một câu nói rất hay của Trịnh. Những khi gặp chuyện không may trong cuộc đời, tôi lại nhớ câu: “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Ca từ của Trịnh thật sự cứu rỗi tâm hồn của nhiều người. 

* Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã có nhiều người vẽ, anh làm thế nào để mình không đi theo vết mòn?

- Ngày tôi mang những bức tranh đến cho gia đình, chị Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - đã rất ngạc nhiên và vui mừng khi nhìn thấy những bức chân dung. Chị chia sẻ với tôi rằng, điều khiến chị đặc biệt dành tình cảm cho những bức vẽ chính là thần thái của nhạc sĩ được thể hiện trong các tác phẩm. Tôi không dám nói mình là người thể hiện Trịnh “giống” nhất nhưng nhận xét của gia đình nhạc sĩ khiến tôi an lòng. 

Trước khi bắt đầu vẽ, tôi đã tìm hiểu kỹ nhân vật của mình từ hơn 2.000 tài liệu với nhiều nguồn, cả trong và ngoài nước. Tôi không vẽ Trịnh theo cách chỉ họa lại từ những bức ảnh chụp, mà cố gắng tạo ra không gian riêng trong tranh; có khi hiện thực, có khi siêu thực… theo cách tôi hiểu và “cảm” về cuộc đời Trịnh.

Như các bức vẽ ông với người yêu bé nhỏ Dao Ánh. Tôi đặt họ vào cùng một không gian siêu thực, bối cảnh của đồi mộng mơ, đồi cỏ hồng Đà Lạt, dựa theo lời bài hát Còn tuổi nào cho em, Dấu chân địa đàng… Khuôn mặt của Trịnh chứa đựng nội tâm rất dữ dội, nếu bức tranh không tạo ra được thần thái của nhân vật, tôi nghĩ mình thất bại.

* Anh mất bao lâu để hoàn thành 32 bức tranh? Và vì sao chọn triển lãm ở thời điểm này?

- Từ lúc bắt đầu phác thảo bức ký họa đầu tiên cho đến khi hoàn thành bộ tranh, tôi mất hơn một năm. Nhưng đó chỉ là thời gian thao tác trên giá vẽ. Tôi nghĩ bước chuẩn bị phải là từ mấy mươi năm trước, kể từ lời hứa với người đồng đội đã hy sinh. Suốt thời gian ấy, tôi công tác trong quân ngũ với vai trò là người lính ngành chính trị - họa sĩ ký họa chiến trường. Bộ tranh vẽ về chiến trường K của tôi vẫn đang được trưng bày trong Bảo tàng Quân khu 5. Rời quân ngũ, tôi tiếp tục theo học Đại học Tổng hợp TP.HCM, rồi chuyển sang Đại học Mỹ thuật TP.HCM, ra trường, đi dạy và vẫn lặng lẽ với những tác phẩm của mình (họa sĩ Lê Sa Long hiện đang là giảng viên trường đại học Mở TP.HCM - PV). 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Thị trường tranh không ồn ào như những sản phẩm nghệ thuật khác, nó có một dòng chảy mạnh mẽ và bền bỉ. Tôi cũng như nhiều họa sĩ khác, vẫn miệt mài sáng tạo và người mua tranh nghệ thuật hiện tại cũng rất nhiều. Để vẽ một bộ tranh đặc biệt chuyên về chân dung Trịnh, tôi phải chiêm nghiệm, không thể vội vàng. Nếu chưa đủ chín muồi về bút pháp, chưa hiểu thấu nhân vật thì chưa vẽ được. Có những họa sĩ sống đến nửa đời người tài năng mới phát lộ, cũng có nhiều người cần một độ trầm lắng, độ “chín” của tay nghề… mới dám bắt đầu một dự án quan trọng. Ở độ tuổi này (họa sĩ Lê Sa Long sinh năm 1967 - PV), tôi mới thấy mình đủ điều kiện và duyên để bắt đầu thực hiện ý tưởng tâm huyết. 

* Là họa sĩ đầu tiên tham gia triển lãm theo công nghệ thực tế ảo, anh đánh giá hiệu quả công nghệ này thế nào?

… Tình cờ, tôi gặp họa sĩ Lê Sa Long tại buổi tọa đàm Sài Gòn trong tạp văn (vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức mới đây). Trong không gian ấm cúng của phòng họp nhà xuất bản, khách đến dự có cảm giác bất ngờ, choáng ngợp với những bức tranh vẽ các gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng: nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Thiều...

Và cũng thật tình cờ, tôi nghe anh chia sẻ rằng, khi các nhà văn ra mắt tác phẩm mới, anh sẽ vẽ tặng mỗi người một bức chân dung kỷ niệm. Thời gian qua, anh đã luôn làm như vậy. Anh nói đó như là chút tình của người họa sĩ dành cho những người cầm bút “cần mẫn đi trên con đường chông gai” mà anh luôn trân trọng. 

- Dù muốn dù không, tôi nghĩ đó cũng là một xu thế của thời đại, một cách giới thiệu nhanh nhất tác phẩm đến công chúng. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tiền lệ triển lãm tranh theo công nghệ thực tế ảo, nếu chất lượng tác phẩm yếu có thể sẽ thất bại ngay. Bản  thân tôi cũng phải cân nhắc, tranh là sản phẩm đặc biệt, người thưởng tranh phải được tận mắt nhìn thấy, mới thẩm thấu được hết chất lượng, giá trị của tác phẩm. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đó cũng là cách khả quan nhất tôi có thể giới thiệu tác phẩm đến công chúng đúng vào dịp ý nghĩa. 32 bức tranh, tôi đã thực hiện bằng tâm huyết, lời hứa và cả những duyên may của mình. 
Có 1/3 số tranh đã được đặt mua thông qua triển lãm lần này. Tôi cho rằng đó cũng là một kết quả đáng khích lệ.

“Khi đi qua cái chết, sẽ quý trọng sự sống"

* Tôi nghe nói anh còn một dự án nữa - bộ tranh vẽ văn nghệ sĩ…

- Tôi đang thực hiện, dự kiến có khoảng 60 bức chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng ở các lĩnh vực nghệ thuật, cả trong Nam và ngoài Bắc được triển lãm. Hiện tôi đã hoàn thành được một nửa. Những nhân vật tôi chọn là những người có dấu ấn trong lòng khán giả, có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực hoạt động của họ. Điển hình như NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thành Lộc, danh hài Hoài Linh, nghệ sĩ Mạc Can, nhà văn Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, nhạc sĩ Phú Quang, ca sĩ Quang Dũng, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… Có cả những người đã qua đời: “ông già đi bộ” Sơn Nam, nhạc sĩ Văn Cao, danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Lê Uyên Phương, Trần Lập… 

Nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao

* Tạo được sự chú ý với triển lãm đầu tiên, anh có nhiều áp lực với đề tài thứ hai này?

- Nếu nói không bị áp lực thì không thật lòng. Tôi là người làm nghệ thuật và tôi không thích câu “tôi làm như một cuộc dạo chơi”. Nghệ thuật, khi làm, anh có thể thất bại nhưng không thể coi đó là một cuộc dạo chơi. Phải toàn tâm toàn ý, một khi đã làm phải đầu tư rất kỹ lưỡng, cẩn trọng, tâm huyết, sống chết với nó. Về bộ tranh văn nghệ sĩ, hoặc là tôi vẽ ký họa lấy thần thái họ rồi phát triển thành chân dung hoàn chỉnh hoặc sẽ mời nhân vật về studio để vẽ. Tôi dựng một phong cách nào mà thấy đúng với thần thái nhân vật nhất. Đối với bộ tranh văn nghệ sĩ, tôi áp dụng những cách vẽ mới, có thể bằng pastel, màu nước hoặc sơn dầu…

Cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương
Cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương

* Còn về ký ức chiến trường thì sao? Anh có nghĩ rằng với vai trò là một người lính - họa sĩ, anh cũng có thể góp vào dòng chảy các sáng tác về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam qua những gam màu?

- Năm xưa, tôi vẽ rất nhiều về hình ảnh người lính, cách họ học tập, làm việc và chiến đấu cùng những bức vẽ phong cảnh trên đất bạn. Thời đó máy ảnh chưa phổ biến nên nhiệm vụ ký họa tư liệu rất quan trọng. Đó là những năm tháng đặc biệt của tuổi trẻ mà tôi không thể nào quên; có những người mình mới gặp hôm trước, hôm sau đã hy sinh. Cũng có những lúc gặp phục kích, đồng đội vừa chiến đấu vừa bảo vệ mình… 

Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Khi đi qua cái chết, con người sẽ biết quý trọng sự sống hơn. Những bức tranh tôi vẽ thời ấy thuộc sở hữu của quân đội, tôi cũng xem như đó là nhiệm vụ mà mình đã hoàn thành. Chiến tranh có những mất mát, tàn khốc tôi thật sự không muốn nhắc lại nhưng có thể như bạn nói, đến một lúc nào đó, tôi sẽ vẽ về chiến trường bằng những gam màu của ký ức. Quân đội là một trường học lớn, dạy cho tôi rất nhiều điều.

* Nếu vậy, anh sẽ vẽ những gì?

- Tôi hay đi với đoàn văn công, chứng kiến cảnh những người ca sĩ xuống hầm cứu thương hát cho thương binh nghe, ngày hôm sau, có những chiến sĩ không qua khỏi. Nhưng hình ảnh giữa cuộc chiến tranh, giữa những cơn đau mà những người con đất Việt vẫn lắng tai nghe cùng những bài tình cảm, những ca khúc về quê hương đất nước thật sự khiến lòng tôi rung động. Thời gian qua, có rất nhiều tác phẩm văn chương viết về chiến trường K, những mất mát, tàn khốc nhất đã được nhìn thấy sau những con chữ. Hội họa là hình ảnh trực quan, tôi không thể vẽ về tất cả những điều khủng khiếp với con người trong cuộc chiến này nhưng một lúc nào đó, tôi sẽ vẽ lại giai đoạn này, để kể về những hình ảnh không quên và rất đẹp từ cuộc chiến, về tình yêu, tình đồng đội… 

* Có người nói với tôi rằng, những họa sĩ với tâm cảm cô đơn, với những thiết tha khó giãi bày - có khi lại là một… bi kịch cho đời sống gia đình. Với anh, thì sao?
- Tôi hiểu cảm nhận của mọi người. Nhưng tôi cố không rơi vào nhập nhằng giữa công việc, nghệ thuật và cuộc sống riêng. Tôi vẫn lo chu toàn mọi trách nhiệm với gia đình và còn là một người thầy với những chuẩn mực riêng của nghề. Nếu để mình nhầm lẫn giữa những ranh giới có thể sẽ dễ trở thành một bi kịch, không sáng tác được. Ngay cả khi vẽ mẫu nude, tôi cũng chỉ tập trung vào cảm xúc công việc với tác phẩm, xong thì thôi. Mỹ thuật cũng là một phần thu nhập của gia đình, tôi vẫn làm nghề điềm tĩnh. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! 

Triển lãm chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vốn được dự kiến diễn ra vào tháng 4/2020 tại Đường sách TP.HCM, nhân dịp kỷ niệm 19 năm ngày mất của ông. Thế nhưng, do dịch bệnh nên triển lãm chuyển sang thử nghiệm trên không gian thực tế ảo.

Họa sĩ Lê Sa Long tặng tranh chân dung cho nghệ sĩ Xuân Hương
Họa sĩ Lê Sa Long tặng tranh chân dung cho nghệ sĩ Xuân Hương

Tháng Chín tới, họa sĩ Lê Sa Long tiếp tục tổ chức triển lãm tại Quy Nhơn, nhân dịp tỉnh nhà khánh thành tượng Trịnh Công Sơn. Sau đó, gia đình nhạc sĩ tiếp tục tổ chức triển lãm gây quỹ học bổng Trịnh Công Sơn và học bổng Nguyễn Thái Bình, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Riêng bộ tranh chân dung văn nghệ sĩ cũng được anh dự kiến hoàn thành, triển lãm cuối năm nay.  

Lê Sa Long nói, anh sẽ không vẽ chân dung nếu chưa hiểu, chưa đọc/nghe tác phẩm của các nhân vật. Chính vì thế mà xem tranh anh, ngoài mỹ cảm thị giác còn chứa đựng sự rung cảm của tâm hồn. “Cái thần” của nhân vật được thể hiện xuất sắc có thể được xem là yếu tố đắt giá nhất làm nên thành công trong tranh anh. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 


 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI