Họa sĩ Đoàn Quốc: Ngoài vẽ, tôi không biết làm gì khác

27/03/2021 - 11:52

PNO - 25 tuổi, trong khi không ít người trẻ vẫn còn loay hoay với những lựa chọn thì Đoàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp cầm cọ.

Họa sĩ Đoàn Quốc vừa được trao chứng chỉ International Watercolor Masters (bậc thầy) từ Hiệp hội Màu nước Quốc tế Anh Quốc. Trước đó, năm 2020, tranh của Đoàn Quốc được trao giải ba trong triển lãm màu nước quốc tế diễn ra tại Pháp.

Đoàn Quốc cũng từng đạt giải A trong triển lãm trại sáng tác của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM 2020, triển lãm báo cáo trại sáng tác năm 2019. Anh cũng từng đại diện cho giới họa sĩ dưới 30 tuổi của Việt Nam tham gia festival màu nước Fabriano tại Milan, Ý. 

Những thành quả trên có được chỉ sau 5 năm Đoàn Quốc hoạt động chuyên nghiệp. Người trong nghề cho rằng đây là bước tiến quá nhanh và rất dài so với một họa sĩ trẻ.

Chàng trai quê ở Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đến với hội họa bằng đam mê cháy bỏng, nhưng trong sự hoài nghi của gia đình. Tranh của anh thường vẽ về đề tài phong cảnh với những góc nhìn rộng nhưng chú trọng những tiểu tiết tỉ mỉ một cách đặc biệt. Xem những bức tranh có chiều sâu của Đoàn Quốc, nhiều người đoán anh đã ở tuổi trung niên. Nhưng bất ngờ, Quốc sinh năm 1996.

Phóng viên: Hình như không phải gia đình đã phát hiện và nuôi dưỡng niềm đam mê hội họa của anh?

Họa sĩ Đoàn Quốc: Từ khi còn bé, ti vi là phương tiện duy nhất để tôi có thể biết về thế giới xung quanh. Tôi đặc biệt bị lôi cuốn bởi những chương trình về hội họa, cuộc đời các họa sĩ. Thế giới đó thật thú vị. 
Tôi bắt đầu vẽ, ghi nhận lại những điều xung quanh cuộc sống bằng bút chì, bút kim trên mọi loại giấy mà tôi có được. Gia đình chỉ xem đó như niềm vui nho nhỏ của trẻ con. Ở quê, việc đầu tư cho con em đi học vẽ là xa xỉ lắm, nếu muốn cũng không biết nơi nào dạy.

May mắn, năm lớp Bốn, tôi vẽ một vài bức tranh trong giờ mỹ thuật, và được thầy khen, hứa sẽ cho tôi đi thi vẽ. Đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc sống của tôi. Từ đó, tôi vẫn luôn nhắc bản thân khi có cơ hội đừng tiết kiệm lời khen hay sự động viên dành cho ai đó, bởi có thể chỉ trong tích tắc, bạn sẽ giúp một cuộc đời khác đi.

* Gia đình anh phản ứng thế nào khi càng lớn anh càng tập trung vẽ?

- Ngày đó, tôi chỉ tập trung vẽ mỗi khi có thời gian, nên kết quả học tập thường không tốt khiến bố mẹ không hài lòng. Đến khi vào TP.HCM năm 18 tuổi, tôi mới có cảm giác tồn tại, có giá trị khi dần tiếp xúc với hội họa một cách chuyên nghiệp hơn.

Tôi chọn học ngành thiết kế đồ họa vì thấy được sự liên hệ mật thiết với hội họa. Nhưng trong quá trình học, tôi chỉ tập trung vào việc vẽ tay. Có những môn, học phần vẽ máy, áp dụng kỹ thuật, tôi chỉ cố gắng để tròn điểm qua môn. 

Tôi không dám nói lựa chọn của mình là đúng. Nhưng khi bạn đam mê điều gì, bạn sẽ dành tâm sức cho nó trọn vẹn. Tôi đã phải làm nhiều việc để trang trải cuộc sống khi chưa có thu nhập từ nghề như: vẽ tranh tường, dạy vẽ... Tôi không muốn đam mê bị chết đi vì gánh nặng cơm áo. Nhưng cũng không vì cơm áo mà bỏ đi đam mê. Chúng ta chỉ được sống một lần trong đời, nên phải sống thật hạnh phúc với công việc 
mình chọn. 

* Việc lựa chọn đi theo con đường màu nước cũng không phải không có lý do?

- Khoảng mười năm trở lại đây, hội họa màu nước mới có tín hiệu vui trở lại sau thời gian dài bị lãng quên. Tôi thử nhiều chất liệu, cuối cùng thấy màu nước phù hợp với mình nhất. Những đường nét, màu sắc hiện ra như thể hiện được tiếng lòng của tôi, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
Vẽ màu nước phải đi từ sáng đến tối, càng ít lớp màu tranh càng trong, nhưng phải đảm bảo đủ đậm, nhạt, sáng, tối. Vẽ sai không sửa được, đòi hỏi phải tính toán kỹ lưỡng trước khi đặt cọ. Họa sĩ vừa phải nuôi cảm xúc vừa phải lý tính. 

Tranh có thể được hoàn thành chỉ trong vài giờ nhưng quá trình chuẩn bị có khi mất đến vài tháng. Khi đặt cọ vẽ, họa sĩ đã đi được khoảng 70% đoạn đường. Khó như thế nên nhiều người dễ sinh tâm lý chán nản, bỏ ngang. Còn tôi càng khó, càng muốn chinh phục.

* Gần đây, anh vẽ gì?

- Tôi tìm thấy sự hứng thú với Sài Gòn về đêm. Đây là điểm khác biệt của Sài Gòn so với nhiều nơi tôi từng đặt chân đến. Sài Gòn luôn trẻ, nhộn nhịp, và sự sống dường như chưa bao giờ dừng lại. 

Tôi đang tham gia một dự án cùng nhiều họa sĩ khác vẽ về Sài Gòn. Tôi đã vẽ được khá nhiều tranh, tôi hy vọng khi được công bố sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Dự kiến, sau khi triển lãm, tôi sẽ trích một phần doanh thu để ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tôi cũng vừa hoàn thành những bức tranh với khổ lớn nằm trong kế hoạch cá nhân TP.HCM: Khát vọng vươn cao, bắt đầu từ 2019, kéo dài 5 năm, hiện đã có sáu bức. Tôi muốn sau 5 năm sẽ thấy TP.HCM phát triển thế nào, cùng với đó là kỹ thuật vẽ tranh ngày một hoàn thiện hơn. Tôi mong thông qua tranh sẽ giúp mọi người thấy được một Sài Gòn náo nhiệt, nhưng vẫn đẹp và bình yên.

Ngoài ra, cuối năm nay tôi sẽ vẽ một bức tranh dài về những thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ... để thể hiện sự gắn kết, cho thấy đất nước đang phát triển mạnh. Có thể sẽ mất hai năm để thực hiện dự án này.

* Hiện, anh đã sống được với nghề chứ?

- Sau 5 năm tôi đã có thu nhập tương đối tốt. Ít nhất, tôi đã giúp bố mẹ cảm thấy an tâm về quyết định ngày nào. Bây giờ, thế giới phẳng lắm. Việc bước ra bên ngoài không quá khó khăn, cơ hội cũng mở ra nhiều hơn. 

Trừ khi ngủ, tôi luôn hướng suy nghĩ về việc vẽ tranh. Thậm chí có khi đang ngủ tôi vẫn giật mình thức dậy nhìn tranh còn dang dở. Trong những ngày vật vã nhất, tôi chưa bao giờ muốn từ bỏ hay biến nó thành nghề tay trái. Tôi chỉ giỏi vẽ, có lẽ ngoài vẽ ra, tôi không biết làm gì khác.

* Xin cảm ơn anh! 

Thành Lâm (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI