Hoạ sĩ Đinh Nhật Tân: Chữ "lem" của người H'rê

31/10/2021 - 20:23

PNO - Sinh ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hà, thuộc miền Tây Quảng Ngãi, từ năm 15 tuổi, Đinh Nhật Tân đã tự bươn chải, tự lo ăn học. 27 tuổi, anh có triển lãm tranh cá nhân ở thủ đô của Hàn Quốc.

22 năm học tập, lập nghiệp và sinh sống giữa Sài Gòn, chưa bao giờ họa sĩ Đinh Nhật Tân quên mình là con của núi rừng, chưa bao giờ vơi tự hào về văn hóa của người H’rê cũng như dòng máu H’rê trong huyết quản.

Văn hoá tây nguyên không chỉ gói gọn trong cái nhà sàn

Họa sĩ Đinh Nhật Tân luôn tự hào về dòng máu H’rê chảy trong huyết quản
Họa sĩ Đinh Nhật Tân luôn tự hào về dòng máu H’rê chảy trong huyết quản

Phóng viên: Khi đến quán cà phê Arul - một không gian văn hóa Tây Nguyên nổi tiếng ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tôi nghe mọi người nhắc đến anh rất nhiều với tư cách tác giả của phần lớn không gian này. Tôi có thể hình dung về việc một họa sĩ H’rê xây dựng không gian văn hóa Tây Nguyên (với trọng tâm là văn hóa Ê Đê) như thế nào nhỉ?

Họa sĩ Đinh Nhật Tân: Mấy năm trước, nhận được hợp đồng thay đổi phong cách cho một hệ thống quán cà phê khá nổi tiếng ở Sài Gòn, tôi lên Tây Nguyên tìm ý tưởng và có đến Arul. Tôi và chủ quán cùng là người dân tộc thiểu số. Tôi thấy ở họ một tình yêu thực sự với văn hóa cội nguồn, lại thấy mình cũng có khả năng đóng góp vào không gian đó nên tôi đồng hành với họ. 

Khi đó, Arul chỉ có một nhà sàn. Thú thực là lần đầu bước vào, tôi buồn và có chút xấu hổ vì tôi biết văn hóa Tây Nguyên, văn hóa của các cộng đồng thiểu số có rất nhiều góc để khai thác, thể hiện chứ không chỉ gói gọn trong cái nhà sàn. Tôi muốn làm điều gì đó để du khách, nhất là khách nước ngoài khi đến đây sẽ được giới thiệu đầy đủ hơn về văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa Ê Đê nói riêng theo đúng tầm của nó.

* Từ cánh cửa sổ đã thấy chạm hình người đàn ông đóng khố, đang cầm cây gậy nhọn đâm con heo rừng. Phía trên, hai con cú mèo như đang đậu trên cây dõi mắt xem cuộc đi săn của loài người. Ghế ngồi hầu như không cái nào trang trí giống nhau. Có cái, phần lưng tựa nom như sừng trâu, nhiều cái đẽo tạc rất đơn giản mà đầy hồn nhiên… Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nghe mọi người nói “tác giả” thể hiện các sản phẩm cụ thể đó lại là những thanh niên Sơn Hà thuần phác quê anh…

- Trước khi nhận thiết kế không gian cho Arul nói riêng và không gian các quán cà phê nói chung, tôi đã có một xưởng chuyên làm các sản phẩm ứng dụng đậm chất văn hóa Tây Nguyên như bàn, ghế, tủ… Tôi vốn là họa sĩ, đi nhiều nơi, về quê thì thấy rất nhiều thanh niên không có việc làm. Họ không có bất cứ chuyên môn lao động nào nhưng lại có tay nghề trong việc làm ra những sản phẩm mà tôi muốn. Những vật dụng mà bạn nhìn thấy, họ làm rất dễ vì họ sinh ra, lớn lên và sống trong không gian văn hóa H’rê. Văn hóa H’rê và văn hóa Tây Nguyên (đặc biệt là văn hóa Ê Đê) khá tương đồng. Thời gian sống và làm việc ở Đắk Lắk, chúng tôi thấy cách sống, suy nghĩ, văn hóa của người Tây Nguyên rất gần với người H’rê. Ngay cả tiếng nói, ban đầu cũng có khác nhau nhưng chỉ cần sống một thời gian ngắn là có thể giao tiếp được.

* Các chàng trai hồn nhiên ấy nói với tôi, “mình tưởng tượng thế nào thì mình đẽo vậy. Những hình ảnh đó từ bé chúng tôi đã nhìn thấy ở nhà mồ, rồi ở bậc thềm của các gia đình...”. Anh để họ thỏa sức sáng tạo chứ không theo bất kỳ khuôn mẫu nào?

- Đúng vậy. Việc của tôi chỉ là truyền cảm xúc để các bạn ấy làm. Các bạn cứ ngược lại ngày thơ bé, nhớ lại xem mình chơi cái gì, sống với cái gì, tiếp xúc với cái gì… rồi tái hiện lại cái đó. Khi các bạn làm, nếu sai một chút, tôi sẽ giúp các bạn điều chỉnh. Tất nhiên là cách tạo hình thì tôi có thể giúp vì tôi được học hành bài bản ở trường mỹ thuật. Điều tôi muốn là hạn chế tối đa sự can thiệp vào quá trình sáng tạo của các bạn. Trừ trường hợp sự sáng tạo đó đi hơi quá, không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì tôi sẽ can thiệp. Sau một thời gian, tôi thấy các bạn đã thạo nghề, thành một phản xạ.

* Khi chọn người làm việc cho xưởng của mình, hẳn là anh đã thấy được điều gì đó ở các bạn ấy?

- Tôi không có tiêu chí gì. Mục đích của tôi là tạo công ăn việc làm cho các bạn. Các bạn làm cho tôi, nếu cảm thấy không thích thì các bạn tự rời bỏ. Song đến giờ, từ một bạn ban đầu, rồi lên tới 23 bạn, chưa bạn nào bỏ đi. Vì được khơi niềm tự hào văn hóa của dân tộc mình, các bạn rất vui và yêu công việc. Các bạn cũng hiểu được công việc của mình không đơn thuần chỉ là kiếm sống. Khi thấy vui, các bạn chủ động học hỏi, tìm tòi. Có rất nhiều sản phẩm các bạn ấy làm ra khiến tôi bất ngờ vì tôi không giới hạn khuôn. Những sản phẩm đó ra đời từ tâm hồn, cảm xúc và trái tim của các bạn. Đó cũng là niềm vui của tôi. Nên tôi mới nói tất cả sản phẩm đậm chất Tây Nguyên ở xưởng Lem Decor cũng như các sản phẩm ở một số quán cà phê không phải do tôi làm mà đều do các bạn đồng hương của tôi làm. Lem trong tiếng H’rê là vẻ đẹp mộc mạc, chân phương, giống như con người H’rê.

Những sản phẩm - tác phẩm đậm chất Tây Nguyên của họa sĩ Đinh Nhật Tân và các thanh niên H’rê
Những sản phẩm - tác phẩm đậm chất Tây Nguyên của họa sĩ Đinh Nhật Tân và các thanh niên H’rê

Sản phẩm chỉ làm từ đồ cũ vì lời hứa với với mẹ rừng

* Những sản phẩm đậm chất Tây Nguyên mà anh và anh em H’rê quê mình làm đều được tái chế từ đồ cũ. Điều đó khó và dễ so với làm đồ mới như thế nào?

- Chúng tôi không chủ động được vật tư. Có khi mang về mười món đồ cũ mà chỉ sử dụng được ba món, nhưng tôi chấp nhận. Ngay từ đầu, khi đưa các bạn trẻ từ quê Sơn Hạ xuống Sài Gòn, tôi đã nói tôi là con của rừng núi, tôi không muốn phá rừng. Đó là lời hứa của tôi với rừng nên tất cả sản phẩm chúng tôi làm ra đều lượm lặt từ đồ cũ, tái chế. Cũng có cái hay là bản thân những món đồ cũ đó vốn đã có hình, nay mình chỉ “thổi hồn” vào để nó được đặt ở đúng chỗ.

* Không phải là tất cả nhưng thế hệ trẻ bây giờ, dù ở nơi nào và cộng đồng nào cũng đang rất xa rời văn hóa truyền thống. Anh đã kéo thanh niên trẻ ở quê xuống Sài Gòn làm các sản phẩm - tác phẩm đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Anh có hy vọng mình sẽ dần đưa bọn trẻ trở lại gần hơn với văn hóa truyền thống đang ngày càng mờ phai trong chúng?

- Đó không phải là trăn trở của riêng tôi mà còn của nhiều người lớn, của những người đã dày vốn sống. Họ thấy văn hóa là điều con người không thể quên, không thể đánh mất. Nếu người H’rê không biết ngôn ngữ của người H’rê; người Ê Đê không biết ngôn ngữ, văn hóa của người Ê Đê, không biết cái cột này để làm gì, hữu ích như thế nào… thì thực sự rất buồn.

Vươn lên để khích lệ cộng đồng

* Tôi cũng được biết anh là một điển hình vượt lên nghèo khó bằng tri thức.

- Gia đình tôi có sáu anh chị em, nghèo khó, tuổi thơ đầy gian nan, cơ cực, vừa đi học vừa đi làm nương rẫy, chăn trâu bò, cắt cỏ… Dù ở trong hoàn cảnh nhọc nhằn, ba tôi luôn nhắc anh chị em chúng tôi phải học. Ông nhắc chuyện “phải học” với chúng tôi mỗi ngày. Tối nào, ông cũng bắt chúng tôi phải ngồi vào bàn. Sáng sớm, chừng bốn giờ rưỡi, ông đã kêu đàn con dậy học bài trước khi tới trường.

"Điều tôi quan tâm là tất cả con em H’rê đều phải được học tập đến nơi đến chốn vì chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống. Như chính bản thân tôi, nếu không học thì tôi không bao giờ ra được khỏi những ngọn núi ở Sơn Hà. Tôi thấy rõ ràng việc học đã làm cuộc sống của mình hoàn toàn thay đổi."

Họa sĩ ĐINH NHẬT TÂN

Khi tôi học hết cấp II ở quê, dù ba mẹ luôn muốn tôi được học hành tới nơi tới chốn nhưng gia đình tôi quá khó khăn. Khi đó, anh Hai tôi đang học đại học y ở Huế, tôi theo anh ra Huế học cấp III. Ra Huế học, tôi còn nhỏ nhưng các buổi tối vẫn đi dạy kèm các em lớp Một, lớp Hai để có tiền trang trải. Sáng sáng, tôi thường đến lớp học với cái bụng rỗng. Tôi chỉ chịu được ba tiết đầu, đến tiết bốn là thấy đói, chóng mặt. Buổi chiều, tôi học mỹ thuật.

Khi tôi nhận được giấy báo nhập học của Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, mọi người trong gia đình tôi rất vui. Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi bán một con heo được 300.000 đồng và đưa tất cả cho tôi mang vào Sài Gòn. Sau khi hoàn thành thủ tục nhập học, đóng tiền ký túc xá và mua một số đồ dùng học tập, tôi chỉ còn lại khoảng 60.000 đồng.

* Ở Huế, anh còn có anh trai, cuộc sống cũng “dễ thở” hơn. Sài Gòn thì rất khác. Anh đã vượt qua những năm đó ra sao?

- Tôi đi chép tranh vì thấy việc đó hợp với tôi nhất và cũng ổn cho cả việc học. Ngoài chép tranh, tôi còn làm thêm nhiều công việc khác. Cứ hết giờ ở trường là tôi đi làm thêm, bất kể sáng tối để học được và sống được. Kẹt nhất là mùa thi, không đi làm được, không có tiền trong túi nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bỏ học. Bằng mọi giá tôi phải bám trụ và tốt nghiệp. Ra trường, tôi cũng bị áp lực tìm việc, áp lực có công ăn việc làm để kiếm sống, để có một chút tiền gửi về cho gia đình. Rồi tôi nghĩ nếu mình cứ chép tranh và đi làm như vậy mãi thì mình sẽ mất đi đam mê, sẽ không theo hội họa được nữa. Vậy là tôi quyết định chỉ đi làm bán thời gian hoặc làm công việc nào giống như làm show, sau khi xong thì có thể dành thời gian để vẽ.

Hồi đó, tôi thuê một căn nhà rất nhỏ, hết giờ làm thì về đó vẽ cả ngày lẫn đêm. Rồi tôi cũng có tác phẩm. Người này người kia giới thiệu, năm 2007, tôi có tác phẩm tham gia triển lãm chung ở Hàn Quốc. Một năm sau, tôi có triển lãm cá nhân ở Seoul, cũng bán được vài bức (cười).

* Nhiều tác phẩm được đánh giá cao, có triển lãm cá nhân ở nước ngoài là mơ ước của nhiều họa sĩ trẻ nhưng anh lại chọn thành lập xưởng thủ công mỹ nghệ. Hình như ngoài việc tạo công ăn việc làm cho con em Sơn Hạ, anh còn một hy vọng lớn hơn và nguyên nhân sâu hơn?

- Năm 2010 - 2011, tôi vẽ rất nhiều, đến mức gần như kiệt sức, sau đó tôi không thể vẽ lại được nữa. Tôi thấy mình không còn vốn liếng để vẽ nữa. Cũng giai đoạn đó, tôi về quê. Khi thấy rất nhiều anh em ở quê không có việc làm, tôi luôn nghĩ mình phải làm điều gì đó để có thể mở rộng công việc cho mọi người cùng làm. Lúc đi qua những rẫy cũ, thấy những cái cây bị chặt bỏ, tôi nghĩ có thể làm được thứ gì đó từ những thân cây bị chặt bỏ ấy.

Ý tưởng về Lem Decor chợt xuất hiện. Bắt tay vào làm thì tất nhiên khó khăn rất nhiều vì tôi cũng đi từ hai bàn tay trắng. Tôi bắt đầu bằng việc đi làm… nghề khác để có tiền mua dần từng dụng cụ; từ mấy cái cưa, mấy cái kìm… Lúc đầu, có quá nhiều khó khăn, nhất là không có khách, vì hàng của tôi bấy giờ mới quá, lạ quá, đặc thù quá nên đưa ra thị trường không được.

Có thời gian, tôi phải bảo “các cháu tạm thời dừng lại để chú giải quyết những sản phẩm đã làm ra vì thực sự là chú không còn khả năng để trả lương cho mấy đứa”. Xưởng phải dừng tới hai - ba lần, mỗi lần dừng mất một đến một tháng rưỡi. Thời gian dừng đó, tôi đi làm việc khác để kiếm tiền, có tiền thì lại kêu anh em làm tiếp. 

Hằng năm, số tiền làm ra, tôi luôn trích một phần để tặng các em học tốt ở xóm, ở xã Sơn Hà của tôi. “Học bổng” ấy nhỏ thôi nhưng tôi thấy mình đã khích lệ được tinh thần học tập của các em. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Ngọc Minh Tâm (thực hiện) 

Ảnh: Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI