Hoa hậu Hoà bình Quốc tế là cuộc thi gì?

19/04/2017 - 14:32

PNO - Hóa ra, Hoa hậu Hoà bình Quốc tế chỉ là một cuộc thi nhan sắc mới xuất hiện năm 2013 tại Thái Lan - một nơi mà bất kỳ thứ gì cũng có thể đem ra kinh doanh.

Chiều 17/4, Nguyễn Thị Thành đã về nước sau hơn nửa tháng đến Ai Cập tham gia cuộc thi Miss Eco International (Hoa hậu du lịch sinh thái quốc tế - MEI). Bất chấp việc sẽ bị cơ quan chức năng triệu tập và án phạt chắc chắn sẽ được đưa ra, Thành trở về “trống dong cờ mở”, vai đeo dải băng “3rd Runner up” và được báo chí rầm rộ đưa tin là “Á hậu 3” như thể cô đã mang vinh quang to lớn về cho quê nhà.

Phải chăng đó là biểu hiện của bệnh cuồng hoa hậu, hám danh hiệu của một bộ phận rất lớn trong chúng ta?

Hoa hau Hoa binh Quoc te la cuoc thi gi?
Nguyễn Thị Thành rạng rỡ ngày về với danh hiệu “Á hậu 3” (ảnh nhỏ) và nỗi lo động Thiên Đường có thể bị MGI hủy hoại vẫn còn bỏ ngỏ

Hào hứng hoan hô nhưng dường như không nhiều người biết MEI là cuộc thi gì, tầm vóc thế nào trên bản đồ nhan sắc thế giới, trong tương quan với những cuộc thi khác mà các người đẹp Việt từng tham gia. 

Cố gắng lắm chúng tôi mới tìm thấy những thông tin sơ sài về MEI, cho biết đây là cuộc thi chỉ mới ba năm tuổi. Trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thông tin về MEI chỉ có bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Mùa đầu tiên năm 2015, MEI mang tên Miss Eco Queen (Nữ hoàng du lịch sinh thái). Có vẻ danh hiệu nữ hoàng không đủ sức nặng để làm truyền thông và thu hút tài trợ nên sang năm 2016, MEI đổi tên thành Miss Eco Universe (Hoa hậu du lịch sinh thái hoàn vũ), sang năm 2017 lại đổi thành MEI. 

Trang thông tin chính thức của MEI, sau khi cuộc thi đã kết thúc bốn ngày, vẫn là hình ảnh tấm banner với câu hỏi “Who’s the next Miss Eco International?”, vẫn thời gian diễn ra đêm chung kết là 14/4 với link mời mua vé. Buồn cười hơn, bộ đếm ngược thời gian trên trang này, đến chiều 18/4, dù đã chạy lố nhiều ngày mà chẳng ai buồn cập nhật. 

Thông tin mới nhất từ trang web chính thức của MEI là buổi tổng dợt cuối cùng trước đêm chung kết và phần hình ảnh là các người đẹp thi bikini trong resort - một phần thi phụ đã kết thúc từ lâu. Thậm chí, fanpage chính thức của MEI trên facebook đến tận hôm nay vẫn chưa được 50.000 lượt thích - thua xa nhiều fanpage của nghệ sĩ Việt.

Hoa hau Hoa binh Quoc te la cuoc thi gi?
Các người đẹp của Hoa hậu Hoà bình Quốc tế tại họp báo cuộc thi mới đây


Danh hiệu “Á hậu 3” của Nguyễn Thị Thành ở một cuộc thi tầm vóc “quốc tế” như thế càng buồn cười, bởi xưa nay ở các cuộc thi nhan sắc, chỉ có danh hiệu Hoa hậu và Á hậu 1, 2. Chính MEI cũng chỉ trao ba vương miện cho Hoa hậu Canada, Á hậu Bỉ và Pakistan; nhưng trên thông tin thì họ có cả Á hậu 3 (3rd Runner up, trao cho Nguyễn Thị Thành) và Á hậu 4 (4th Runner up, trao cho Anastasiya Kaptsiuh từ Belarus).

Cũng chiều 17/4, vòng chung kết cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu hòa bình quốc tế (MGI) đã chính thức được công bố với sự lo lắng vẫn chưa được giải đáp của công chúng về việc liệu MGI có thể dùng động Thiên Đường - một thắng cảnh của Quảng Bình cho phần thi trang phục các dân tộc. Nhưng MGI là cuộc thi gì?

Hóa ra, đây chỉ là một cuộc thi nhan sắc mới xuất hiện năm 2013 tại Thái Lan - một nơi mà bất kỳ thứ gì cũng có thể đem ra kinh doanh; nơi có từ hoa hậu chuyển giới đến hoa hậu voi. Chỉ trong chưa đầy 5 năm, các thông tin báo chí đã “tự xướng” rằng đây là cuộc thi ngang tầm với Hoa hậu thế giới (Miss World), Hoa hậu hoàn vũ (Miss Universe); dù MGI đã kịp xì ra một scandal.

Ngày 24/3/2016, Hoa hậu Anea Garcia - người Cộng hòa Dominic, giành chiến thắng trong cuộc thi năm 2015, đã tuyên bố trả lại danh hiệu vì cô bị tấn công tình dục trong chuyến đi chính thức đến Nam Sudan trong vai trò hoa hậu. Á hậu Claire Elizabeth Pearl Parker (Úc), sau đó, được đôn lên thế chỗ Anea và chủ tịch Hoa hậu Hoà bình Quốc tế - Nawat Itsaragrisil - bị cáo buộc là đã không quan tâm giải quyết sự việc.

Hoa hau Hoa binh Quoc te la cuoc thi gi?
Huyền My sẽ đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoà bình Quốc tế năm nay


Trong lúc các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới đang ngày càng bị thất sủng - khó tìm được tài trợ và quốc gia đăng cai vì chi phí cao, hiệu quả kinh tế lẫn vị thế chính trị, văn hóa không được mấy, thì những cuộc thi nhan sắc nho nhỏ đã tranh thủ mọc lên như nấm sau mưa, càn quét qua các quốc gia cũng… nho nhỏ.

Để làm truyền thông, kiếm tài trợ và nhiều thứ khác, cuộc thi nào cũng gắn lên mình những chữ quốc tế, thế giới, toàn cầu, hoàn vũ; gom góp thí sinh bất kể các chuẩn mực. Chẳng hạn, Hoa hậu Hoà bình Quốc tế chấp nhận cả thí sinh đã qua mọi loại phẫu thuật chỉnh sửa nhan sắc, miễn là không chuyển giới (!).

Ở các cuộc thi ao làng khoác áo quốc tế đó, việc giành một giải phụ, thậm chí là các giải cao nhất cũng chẳng phải là điều khó khăn. Thậm chí, còn có thông tin về những cuộc thi ra giá cụ thể cho từng danh hiệu. Nhưng theo quy định của nước ta, bất kể cuộc thi nào gắn mác quốc tế thì thí sinh Việt Nam muốn tham gia phải được cấp phép, nếu không sẽ bị xử phạt.

Kết quả là những người đẹp thi chui, khi mang danh hiệu về đã có thể dùng chính danh hiệu đó để mỉa mai cơ quan quản lý nhà nước, mỉa mai các hoa hậu, á hậu từng trắng tay khi chinh chiến ở những sân chơi khắc nghiệt hơn nhiều.

Nếu chúng ta không cuồng hoa hậu (như các nước tiên tiến chỉ xem đó là một cuộc vui, chẳng ảnh hưởng gì đến cơm áo hay vị thế quốc gia), có lẽ sẽ không có cảnh phải cân đo từng người đẹp, không phải “giãy lên” chỉ vì chuyện mắt người đẹp hơi lệch, răng có bọc sứ không... Nếu ta đừng quá khát danh hiệu (như để vỗ về cái tâm lý nhược tiểu của mình) thì có lẽ các cô đã chẳng phải quyết liệt phạm luật, bất chấp hậu quả để đi tìm danh hiệu.

Hoa hau Hoa binh Quoc te la cuoc thi gi?
Nguyễn Thị Thành về nước như một "người hùng"


Nếu chỉ đếm số cuộc thi nhan sắc và những người đẹp từng đội các loại vương miện, Việt Nam có thể được xem là một siêu cường nhan sắc, vì ra ngõ gặp hoa hậu, về xóm gặp hoa khôi, thậm chí vào quán ăn cũng đụng "nữ hoàng".

Chừng ấy người đẹp có giúp ích được gì cho đất nước, cho nhân dân, khi chỉ loanh quanh các sự kiện hoặc làm gì đó chốn hậu trường mà chẳng ai biết được, cho đến khi vỡ lở như chuyện của Mỹ Xuân hay Trương Hồ Phương Nga. Một hoa hậu có thể quý, nhưng cả trăm hoa hậu thì chẳng còn ý nghĩa gì và chúng ta vẫn cứ mãi chậm phát triển, tụt hậu so với những nước ta từng xem như đàn em.

Vậy mà cứ mỗi khi có một cuộc thi nhan sắc là người ta lại rần rần săm soi, bàn tán, rồi cấm rồi phạt, như những chuyện hài không đoạn kết. Sao ta không mặc kệ các cô muốn thi kiểu gì thì thi, bởi họ thắng hay thua cũng chẳng có giá trị gì. Cuộc sống sẽ điều chỉnh mọi thứ, thay vì cưỡng ép bằng các mệnh lệnh hành chính. Các quan chức nên dành thời gian cho những việc ích nước lợi dân hơn là bám mãi theo váy các người đẹp mà… điều chỉnh.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI