Ho khan nhiều ngày, bệnh nhân tá hỏa khi biết có miếng ớt trong phổi

02/01/2020 - 11:34

PNO - Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân T.V.N. có biểu hiện ho khan, ho khạc ít đờm màu trắng, không ngờ đó lại là miếng ớt 12mm lạc vào phế quản.

Ngày 2/1 bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) cho biết, bệnh viện này vừa gặp một ca hy hữu khi thực hiện gắp dị vật là miếng ớt ở phế quản thùy dưới phổi phải của bệnh nhân.

Đó là trường hợp của bệnh nhân T.V.N. (53 tuổi, ở phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tiền sử bệnh nhân hay ăn ớt nhưng không có biểu hiện hội chứng xâm nhập để cảnh báo dị vật đường thở. Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh nhân có biểu hiện ban đầu là ho khan, sau đó ho khạc ít đờm màu trắng đục, không khó thở, không đau ngực, không gầy sút cân.

Hình ảnh CT ngực bệnh nhân T. V. N. 53 tuổi.
Hình ảnh CT ngực bệnh nhân T.V.N. 

Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều bệnh viện, đã chụp phim X-quang tim phổi nhưng không phát hiện tổn thương phổi và được chẩn đoán viêm phế quản; điều trị nhiều đợt kháng sinh nhưng không đỡ.

Khi bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chụp phim CT- Scan ngực thì phát hiện tổn thương dạng đám mờ tương đối thuần nhất thùy dưới phổi phải (phân thùy 10), có hạch trung thất nên cần chẩn đoán phân biệt giữa viêm phổi và u phổi.

Qua quan sát, các bác sĩ phát hiện tổn thương gây viêm phù nề và dịch mủ phía trên. Khi tiến hành bơm rửa hút dịch mủ thì phát hiện dị vật tại phế quản phân thùy 10 phổi phải. Sau khi tiến hành gắp dị vật đường thở ra ngoài, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy đây là miếng ớt dài khoảng 12mm.

Do miếng ớt không cản quang nên rất khó phát hiện trên phim X-quang phổi, vì vậy bệnh nhân đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra. Tuy nhiên, một thời gian sau miếng ớt gây viêm nhiễm tại chỗ và lan ra cả vùng phổi xung quanh. Khi chụp CT- Scan ngực có tổn thương hạch, viêm trung thất, kết hợp với đám mờ ở phân thùy 10 phải, do vậy rất dễ nhầm với tổn thương ung thư phổi.

Hình ảnh kích thước mảnh ớt được lấy ra từ phế quản.
Hình ảnh kích thước miếng ớt được lấy ra từ phế quản

Theo các bác sĩ, dị vật đường thở rất đa dạng, mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở. Dị vật là những chất vô cơ hoặc hữu cơ rơi vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản, hay gặp nhiều nhất là hạt hồng xiêm, hạt đậu phộng, hạt ngô, hạt dưa, hạt mãng cầu, hạt hồng bì... Những dị vật này có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu gây bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp và phải được xử trí cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn khuyến cáo, nhằm giảm thiểu nguy cơ dị vật đường thở, mọi người (đặc biệt là trẻ em) cần tránh ngậm các hạt trong miệng, tránh vừa ăn vừa cười đùa; với những bệnh nhân di chứng đột quỵ não nên ăn chậm, ăn loãng và ở tư thế ngồi.

Khi nghi ngờ có dị vật đường thở, cần đến khám và tư vấn bởi các chuyên gia hô hấp, có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán, gắp loại bỏ dị vật đường thở.

An Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI