Họ đã 'chạm' tới những tâm tư bé mọn

23/12/2019 - 07:11

PNO - Một đống rác tồn tại mấy năm, được xử lý trong 60 phút. Con đường hễ mưa xuống là đọng nước, nay đã thông thoáng sau vài thao tác trên điện thoại của dân... Những tâm tư của người dân đều được chính quyền quận 2 giải quyết.

So với nhiều quận huyện ở TPHCM, app “Quận 2 trực tuyến” được xem là “sinh sau đẻ muộn” do mãi đến ngày 28/10/2019, UBND quận 2 mới tổ chức lễ ra mắt. Thế nhưng, ngày ra mắt ứng dụng cũng là ngày trên thiết bị di động của phần lớn người dân trong quận đều đã cài đặt xong app này, thành thạo cách sử dụng.

Họ dã 'chạm' tói nhũng tam tu bé mọn
Lãnh đạo mọi lĩnh vực của quận đều tiếp nhận được thông tin, quá trình xử lý. Việc mở rộng phạm vi này phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát chéo lẫn nhau.

Đưa bức xúc lên app, được giải quyết ngay

Công tác chuẩn bị ấy đã diễn ra từ trước đó rất lâu với hàng chục cuộc tập huấn xuống tận từng phường, khu phố, chung cư và hàng ngàn tờ rơi hướng dẫn, áp-phích tuyên truyền.

Khi chưa được ra mắt, 9g ngày 2/7/2019, trên app hiện lên dòng phản ánh “Khu vực cầu Ông Cậy, phường Thủ Thiêm bị xả rác bừa bãi gây ô nhiễm nặng, mong chính quyền giải quyết” thì 17g cùng ngày, tác giả dòng phản ánh đã nhận được phản hồi: “Đã xử lý tại chỗ”.

16g ngày 18/7/2019, một người dân bức xúc viết lên app: “Quán nước trước quán phở Nam Vương, đường số 25, phường An Phú hằng ngày tổ chức đánh bài ăn tiền. Sự việc kéo dài gần 2 năm nay nhưng không thấy đơn vị nào xử lý, rất mất an ninh trật tự”. Chưa đầy một giờ sau, trên app hiện lên phản hồi bằng hình ảnh lực lượng công an đang kiểm tra, biên bản làm việc với cam kết “không tái phạm tụ tập đánh bài, lấn chiếm lề đường” của các đối tượng.

Chị T. - ở chung cư Bộ Công an, phường Bình An - kể về tính hiệu quả của app này: “Ngoài được giải quyết nhanh, tôi cũng không lo mình bị ghét vì app bảo mật thông tin của người phản ánh”.

Theo chị T., về sống ở chung cư này hơn một năm qua, chị rất bức xúc việc khoảng tiện ích chung đầy rác. Bãi rác tự phát tồn tại đã khá lâu nhưng không ai dọn dẹp. Khi chị phản ánh, người của ban quản trị chung cư tỏ vẻ khó chịu rồi mặc kệ.

Tháng 8/2019, được một cán bộ địa phương hướng dẫn cài và sử dụng app, chị T. lập tức viết lên những bức xúc của mình, được giải quyết ngay. Theo chị T., việc đưa thông tin lên app chẳng những giúp tiết kiệm thời gian mà còn cho cảm giác mình được chính quyền lắng nghe, quan tâm và xử lý.

Họ dã 'chạm' tói nhũng tam tu bé mọn
Tuyến đường đọng nước trước và sau phản ánh, được giải quyết trong vòng 60 phút

Không dừng lại ở việc tiếp nhận phản ánh, app “Quận 2 trực tuyến” còn ghi nhận những vụ việc tranh chấp. Anh V. - một người dân ở phường Bình Trưng Đông, quận 2 - nói: “Bây giờ, phản ánh việc tranh chấp lối đi lên app cũng được ghi nhận, giải quyết nhanh”.

Câu chuyện của anh V. bắt đầu từ một gia đình nằm ở ngã ba đường. Do hàng rào xuống cấp, người này xin chính quyền cho sửa sang, xây dựng hàng rào tạm. Trong quá trình hoàn chỉnh hàng rào, người này bị người dân trong hẻm phản đối. Họ cho rằng, hàng rào đang xây của người này lấn chiếm lối đi chung, khiến tầm nhìn bị khuất.

Thay mặt những người bất bình, anh V. phản ánh lên app. Điều này tiện lợi hơn rất nhiều so với việc làm đơn, xin chữ ký của đại diện các hộ dân, sau đó gửi cho chính quyền trong giờ hành chính.

Ông Phạm Văn Lành - Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông - cho biết: “Ngay khi thông tin xuất hiện trên app, tôi liền chỉ đạo cán bộ địa chính phường xuống đo đạc, kiểm tra xem người kia có lấn chiếm như phản ánh hay không”.

Cũng theo ông Lành, kết quả, chủ nhân hàng rào không xây lấn chiếm lối đi. Mặc dù vậy, qua tìm hiểu, ông nhận thấy lối đi chung quá nhỏ, lại rẽ ra đường lớn, nguy hiểm, ông liền vận động người chủ kia nhường đất, lùi hàng rào vào sâu. Sau ba lần vận động, người này đã chịu nhường đất, mở rộng đường.

Với hàng trăm nội dung phản ánh của người dân được xử lý, theo UBND quận 2, thời gian chờ đợi ngày ra mắt app “Quận 2 trực tuyến” là khoảng thời gian để không chỉ chính quyền, mà người dân cũng làm quen với app, để khi ra mắt, người dân có niềm tin rằng, chỉ cần mở app, sẽ gặp chính quyền.

Họ dã 'chạm' tói nhũng tam tu bé mọn
Chỉ cần vài thao tác, người dân dễ dàng phản ánh bức xúc của mình lên app “Quận 2 trực tuyến”

Không giới hạn lĩnh vực tiếp nhận

Một đống rác tồn tại mấy năm ròng, được xử lý trong vòng 60 phút. Con đường hễ mưa xuống là đọng nước nhiều ngày, nay đã thông thoáng sau vài thao tác trên điện thoại của dân... Những tâm tư dù nhỏ của người dân đều được chính quyền quận 2 giải quyết.

Nằm đong đưa trên chiếc võng nơi góc quán cà phê ở cuối đường Trương Văn Bang, quận 2, chị Vân tự hào: “Cái hay của app là mấy chuyện nhỏ xíu, chính quyền cũng chịu khó xử lý. Từ đó, người dân chúng tôi cũng chịu khó phản ánh. Chứ như ngày xưa đi đường, thấy đống rác cũng thây kệ, biết báo ai”.

Nghe hỏi đã từng phản ánh thông tin nào lên app chưa, chị cười cười: “Tôi chưa thấy gì khó chịu để phản ánh, nhưng từ khi cài app, cũng hay để ý xung quanh xem có gì xấu xí không”.

Chính quyền quan tâm giải quyết bức xúc của dân; ngược lại, dân cũng là “tai mắt” của chính quyền, thông qua app. Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND quận 2 - khẳng định: “Khi nghiên cứu, “Quận 2 trực tuyến” hướng đến việc tiếp nhận thông tin ở tất cả các lĩnh vực. Cuộc sống người dân gồm những gì thì trên app đều có mục liên quan để phản ánh”.

Không giới hạn lĩnh vực tiếp nhận, nên những bận tâm nhỏ nhặt nhất quanh cuộc sống người dân đều được lắng nghe, xử lý, như chợ bán thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, hay nạn ăn xin ở ngã tư.

Quận 2 có tốc độ đô thị hóa nhanh, cũng là quận được chọn làm trọng tâm phát triển của TPHCM, nên áp lực quản lý của chính quyền quận rất lớn. App “Quận 2 trực tuyến” chính là một trợ lực trong quá trình quản lý và đồng hành với người dân. Mỗi ngày, app tiếp nhận phản ánh từ 7g-17g, xử lý và phản hồi trong 8 giờ; với phản ánh sau 17g đến 7g hôm sau, thời gian xử lý tính từ 7g ngày hôm sau.

Họ dã 'chạm' tói nhũng tam tu bé mọn
Trước khi công bố app “Quận 2 trực tuyến”, cán bộ đã chia nhau đi giới thiệu, hướng dẫn người dân sử dụng app

Nâng cao sự tương tác, tạo sự gần gũi và gửi gắm niềm tin cho người dân, app lập trình phản hồi của chính quyền bằng sự cụ thể như biên bản ghi nhận vụ việc, biên bản và hình ảnh đã xử lý nội dung phản ánh...

Bà Thủy khẳng định, việc xử lý thông tin của cán bộ, đơn vị phụ trách đều xuất hiện trên app, trong phần nội dung dành riêng cho cán bộ, người đứng đầu của quận. Sự công khai, ngoài mục đích đôn đốc lẫn nhau làm việc có trách nhiệm với dân, còn để kiểm tra, giám sát chéo công việc của từng người, từng lĩnh vực.

Bà cho hay: “Cán bộ nào làm không xong trong thời gian cho phép thì bị chuyển vô mục trễ hẹn, phải giải trình, báo cáo. Việc kiểm tra chéo là để minh bạch trong đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ”.

Cải cách hành chính là một trong nhiều chủ trương lớn của Nhà nước, là nhiệm vụ đột phá của chính quyền TPHCM nói riêng. Việc UBND các quận, huyện ứng dụng công nghệ thông tin, lần lượt ra mắt ứng dụng trực tuyến đã dần xóa bỏ sự ngần ngại của người dân với cán bộ, chính quyền, giúp dân bớt tới lui nhiều “cửa”, nhiều lần.

Người dân ở một số quận, huyện có app, nay có thể ngồi tại nhà nhấp chuột để nộp đơn, trao đổi thông tin. Tiết kiệm thời gian, nâng hiệu quả giải quyết vụ việc, giảm “tham nhũng vặt”... là những điều thu được từ app, là bước đột phá quan trọng của cải cách hành chính. 

Ngày 7/12, trong kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - cho biết, qua khảo sát mức độ hài lòng trong cung ứng dịch vụ hành chính công, có đến 80% người dân, doanh nghiệp hài lòng với thái độ và cách thức làm việc của công chức.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI