Hậu liên hoan Sân khấu TP.HCM: Lối ra nào cho tác phẩm?

26/05/2018 - 12:02

PNO - Gác lại dư âm của một mùa liên hoan nhộn nhịp, các sân khấu tiếp tục ra mắt vở mới cho đợt diễn mùa hè.

Gác lại dư âm của một mùa liên hoan nhộn nhịp, các sân khấu tiếp tục ra mắt vở mới cho đợt diễn mùa hè. Câu chuyện sân khấu xã hội hóa lại được đặt ra và trông chờ những thay đổi tích cực.

Gian nan tìm sân khấu

Sau liên hoan sân khấu (LHSK) các suất diễn vở Mua chồng ba mươi vạn (sân khấu Thế Giới Trẻ) luôn trong tình trạng cháy vé. Cùng với hai suất diễn bán vé, Tiếng vạc sành (sân khấu Minh Nhí) còn có thêm suất diễn hợp đồng với Trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) vào ngày 30/5.

Hau lien hoan San khau TP.HCM: Loi ra nao cho tac pham?

Tiên Nga - vở diễn gây tiếng vang của sân khấu Idecaf năm 2017

Không tính Đàn bà dễ có mấy tay (sân khấu Hồng Vân), Gương mặt kẻ khác (nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) và Châu về hợp phố, chỉ mới hai trong số hơn 10 vở tham gia LHSK có thể tổ chức các suất diễn sau liên hoan. Dựng vở đi thi rồi cất kho đã là chuyện muôn thuở ở các kỳ liên hoan, hội diễn. Cái khác là năm nay, nhiều vở phải lưu kho không phải vì chất lượng, mà do không có sân khấu và thiếu kinh phí tổ chức biểu diễn.

Hiu hiu gió bấc được đánh giá rất cao tại liên hoan. Tuy nhiên, do bị động về diễn viên và không có sân khấu biểu diễn nên mãi đến đầu tháng Sáu mới xếp được lịch diễn. Hai suất đầu tiên vào ngày 9, 10/6 tại Nhà hát Hưng Đạo. Tương tự, Tiếng giày đêm - vở đoạt giải vàng của “bà bầu” Ngọc Trinh, dù được khán giả chờ đợi, cũng đành lỗi hẹn vì không thể tìm được điểm diễn. Quỷ sống (sân khấu Family), làm lại từ vở Mẹ yêu, muốn công diễn thì hoặc phải chờ “ông bầu” Gia Bảo có sân khấu mới, hoặc phải được sự đồng ý hợp tác của một sân khấu khác.

Bộ mặt của sân khấu TP.HCM

11/13 tác phẩm của sân khấu xã hội hóa (XHH) TP.HCM là những vở được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu. Rõ ràng, khi không phải nặng chuyện áo cơm, khi cần đi đúng lề những giá trị, chuẩn mực thì các sân khấu XHH cũng thừa sức có những tác phẩm chất lượng, thể hiện sự năng động và khả năng đa dạng của mình.

Nhắc đến kịch lịch sử và sân khấu thiếu nhi, khán giả sẽ nghĩ ngay đến Idecaf với Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua Thánh triều Lê, mới nhất là Tiên Nga và sê-ri Ngày xửa ngày xưa. Dòng kịch tâm lý - xã hội là sở trường của sân khấu Hoàng Thái Thanh với trên dưới 40 vở: Nửa đời ngơ ngác, Hãy khóc đi em, Chuyện bây giờ mới kể, Rau răm ở lại, Sài gòn có một ngã tư… Sân khấu Hồng Vân nổi trội với dòng văn học hiện thực phê phán và những tác phẩm được chuyển thể: Làm, Đàn bà dễ có mấy tay, Số đỏ, Con nhà nghèo, Kỹ nghệ lấy Tây

Thế Giới Trẻ, sân khấu “hot” nhất hiện nay của TP.HCM, có nhiều tác phẩm trẻ trung, khai thác đủ các yếu tố - từ bi hài đến chất trinh thám, ma mị hoặc ca nhạc, nhảy múa… Riêng về nhạc kịch, Buffalo vẫn được xem là sân khấu tiên phong với những Chicago, High school musical, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám

Hau lien hoan San khau TP.HCM: Loi ra nao cho tac pham?

Châu về hợp phố - tác phẩm của sân khấu xã hội hóa, được đầu tư từ ngân sách

Trong bức tranh đa sắc đó, đơn vị công lập duy nhất của kịch nói thành phố là Nhà hát kịch TP.HCM chỉ như một chấm nhỏ, mà có lúc tưởng như công chúng đã quên mất sự hiện diện của nó. Có nhà hát nằm ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo (Q.1), hằng năm được cấp kinh phí bạc tỷ, nhiều năm nay, Nhà hát Kịch TP.HCM vẫn kêu than từ việc rạp xuống cấp, xập xệ, đến việc phải gồng gánh nhiều khoản chi để duy trì hoạt động, mà nặng nhất là chi lương cho cán bộ công nhân viên. Đấy cũng là “lời thở than” chung của nhiều đơn vị nghệ thuật công lập.

Nghịch lý là: các đơn vị XHH chẳng có ngân sách, phải chạy khắp nơi thuê điểm diễn thì vẫn cứ sáng đèn. Lạ hơn nữa: cái nhà hát mà các đời quản lý Nhà hát kịch TP.HCM kêu than xập xệ, không tổ chức biểu diễn được thì các đơn vị tư nhân vẫn cứ tìm đến, thuê để tổ chức biểu diễn đều đặn. Ngay cả những dịp đặc biệt trong năm như lễ, tết thì lịch diễn của đơn vị thuê rạp vẫn dày hơn lịch diễn của nhà hát. Như vậy, phải chăng chức năng chính của Nhà hát kịch TP.HCM là biểu diễn phục vụ và cho thuê điểm diễn?

Đầu tư cho sân khấu XHH, tại sao không?

Tại Đại hội Sân khấu TP.HCM năm 2015, một số đại biểu đã bày tỏ bức xúc: “Duy trì một nhà hát công lập, gồng gánh bộ máy hành chính cồng kềnh chỉ để tổ chức diễn phục vụ và cho thuê rạp là một sự lãng phí. Chưa kể dựng vở theo quy định hằng năm chỉ để giải ngân, dựng xong để ngó chơi là cách tiêu tiền nhà nước vô tội vạ, thiếu trách nhiệm”. Sau ba năm, bức xúc ấy vẫn lạc lõng đâu đó. Kêu gào đầu tư cho các sân khấu XHH đã là chuyện quá cũ, bởi chẳng có chuyển biến nào.  

Cách đây hơn một năm, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM từng gửi công văn yêu cầu các sân khấu XHH nêu khó khăn và đề xuất các phương án tháo gỡ. Công văn trả lời, kiến nghị của các sân khấu đã được gửi đi ngay sau đó, nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn rơi vào im lặng.

Cuối năm 2017, hy vọng chợt lóe với khoản đầu tư khoảng 500 triệu đồng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM cho sân khấu Hồng Vân dựng Châu về hợp phố. Đây là lần đầu một sân khấu tư nhân nhận được tiền từ ngân sách. Trước đây, khoản tiền này thường được đầu tư cho đơn vị thuộc Hội Sân khấu TP.HCM. Một số vở được dàn dựng từ kinh phí này gồm: Điều ước thiêng liêng, Cây bàng vuông, Dấu xưa…

Sau Dấu xưa, Châu về hợp phố (thường được xếp vào nhóm kịch tuyên truyền) cũng đã rất dung dị, mềm mại, gần gũi và đủ sức chinh phục cảm xúc người xem. Điều này xóa tan nỗi lo sân khấu XHH không thể làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị.
Idecaf có dự án Tôi yêu lịch sử Việt Nam đã tổ chức được hàng trăm suất diễn hợp đồng với các trường học và được đánh giá rất tốt. Sân khấu Hồng Vân cũng tạo được tiếng vang với dự án kịch học đường gồm các chủ đề: Kết nối cộng đồng, Giáo dục an toàn giao thông, Văn hóa ứng xử, giao tiếp...

Khoảng bốn năm nay, Hoàng Thái Thanh đã tổ chức nhiều xuất diễn hợp đồng với các trường THPT. Rặng trâm bầu của sân khấu Trịnh Kim Chi dự kiến sẽ được đưa vào chương trình biểu diễn phục vụ theo yêu cầu của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

Không thể để sân khấu XHH chỉ như những hoạt động tự phát, dễ hợp, dễ tan, thiếu định hướng. Sự hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước cần được tính toán một cách hợp lý thay vì chỉ tập trung cho các đơn vị công lập. Đầu tư cho sân khấu XHH có thể là hướng tốt để có một đời sống sân khấu lành mạnh, giàu sức sống với những tác phẩm sân khấu đỉnh cao. 

Ông Huỳnh Anh Tuấn- Giám đốc Công ty biểu diễn nghệ thuật Thái Dương

Nhiều nước trên thế giới cũng không có ngân sách để đầu tư văn hóa. Nhưng họ có các quỹ văn hóa, do các đại gia tài trợ. Số tiền tài trợ, hoặc sẽ đầu tư nâng cấp trong dàn dựng tác phẩm hoặc dùng làm kinh phí tổ chức thêm các suất diễn phục vụ công chúng. Sẽ là phi lý khi dồn tiền đầu tư cho một kịch bản từ trại sáng tác hoặc được chọn từ đâu đó mà chưa được một hội đồng đủ uy tín, kinh nghiệm, thẩm định hiệu quả của nó sau khi dàn dựng. Vở diễn khi ra mắt, dù chưa hay, thậm chí không đạt hiệu quả, chất lượng như mong muốn thì mọi việc cũng đã lỡ làng. Điều này vừa lãng phí tiền bạc, không đạt mục tiêu tuyên truyền, vừa làm đảo lộn các giá trị và gây mất lòng tin cho giới làm nghề.

NSƯT Ca Lê Hồng

Thay vì sử dụng kịch bản được chọn từ các trại sáng tác hoặc đã có sẵn, UBND TP.HCM hoặc Sở Văn hóa - Thể thao cũng có thể đưa ra từng chủ đề, mục đích, yêu cầu… và mời các sân khấu XHH tham gia “dự thầu”. Kế hoạch được chọn đầu tư, ngoài việc đảm bảo yêu cầu về tiêu chí, chủ đề, nội dung, công tác dàn dựng… sẽ có thêm những ràng buộc về kế hoạch biểu diễn, số suất diễn (phục vụ và doanh thu)… Nếu không làm được, đơn vị “nhận thầu” sẽ phải bồi thường khoản kinh phí đã nhận.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI