Hậu COVID-19, những di chứng cần can thiệp kịp thời - Bài 1: Chuyện của người trong cuộc

05/10/2021 - 06:26

PNO - “Hậu COVID-19” là khái niệm không còn mới. Theo các bác sĩ, mỗi bệnh nhân COVID-19 dù nặng hay nhẹ, sau khi khỏi bệnh đều đối mặt với ít nhất hai di chứng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới vẫn đang nỗ lực tìm hiểu thêm về hội chứng hậu COVID-19, với sự tác động trong ngắn và dài hạn. Tuy nhiên, việc can thiệp sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Mất hơn mười ngày để vượt qua cơn bạo bệnh khi trở thành bệnh nhân COVID-19, tôi nghĩ mình đã chiến thắng sự tấn công của virus. Kết quả âm tính SARS-CoV-2 của ngày thứ 14 và 21 càng củng cố cho niềm tin này. Nhưng, niềm vui “tày gang”, tất cả vẫn không hề dừng lại. Nhiều triệu chứng mới phát sinh, chồng trên một số triệu chứng cũ kéo dài.

Những nỗi… bất lực

Như phần lớn bệnh nhân F0 thành công chiến thắng các triệu chứng của dịch bệnh trong giai đoạn dương tính, tôi tin rằng hậu COVID-19 không phải một hội chứng lớn lao hay điều gì khó giải quyết. Thế nhưng, nếu quãng điều trị dương tính để đánh bật loại virus nguy hiểm là những cuộc nỗ lực giành lấy sự sống, hậu COVID-19 khiến tôi không ít lần rơi vào trạng thái bất lực, quả quyết: “Thà là thật khỏe mạnh như trước đây, còn không thì…”. Tôi không muốn sống những ngày tháng tiếp theo với một thể chất… dở dở ương ương, khổ sở với quá nhiều triệu chứng khó chịu, trong khi bản thân đã trở lại “hòa nhập” với cộng đồng, công việc.

Không chỉ trong giai đoạn điều trị, người bị nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện cũng rất cần được chăm sóc sức khỏe để tránh những di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần. (Trong ảnh: Bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 16 tại TP.HCM hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tập thể dục để tăng cường sức khỏe) ẢNH: PHẠM AN
Không chỉ trong giai đoạn điều trị, người bị nhiễm COVID-19 sau khi xuất viện cũng rất cần được chăm sóc sức khỏe để tránh những di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần. (Trong ảnh: Bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 16 tại TP.HCM hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tập thể dục để tăng cường sức khỏe) - Ảnh: Phạm An

Tóc rụng đến… đau lòng hay hàng loạt cơn ho khan, nhói đau lồng ngực xuyên suốt từ quãng dương tính đến khi có kết quả âm tính, kéo dài cả nhiều tuần sau đó chưa đủ sức làm tôi lo ngại. Nhưng cuộc “soán ngôi” của những cơn mất ngủ triền miên sau quãng ngắn “bạ đâu ngủ đó và ngủ li bì” khiến tôi như phát điên.

Chưa dừng lại, gần chạm mốc một tháng kể từ lúc có kết quả âm tính, tôi đối mặt hàng loạt cơn tê tay tìm đến, mỗi ngày một lan rộng, từ các ngón tới bàn tay rồi cả hai cánh tay. Những cơn mệt lả, rã rời, đổ mồ hôi lạnh ập đến bất ngờ, nhanh chóng đến mức không kịp trở tay, khiến lắm khi, quãng đường chỉ vài mét từ chỗ đứng đến vị trí có thể ngả lưng cũng trở nên xa tít vốn gần như cơm bữa. Hơi thở ngắn, hụt hơi khi thở thì đã thành… bạn đồng hành, trong và sau cơn bạo bệnh.

Cuộc sống vẫn trong vòng luẩn quẩn của bệnh tật. Tất cả sinh hoạt thường tình, dễ dàng của trước kia, khi chưa nhiễm bệnh, giờ đây được đối ứng bằng một thể chất sa sút, thiếu năng lượng, đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều để hoàn thành khiến tôi chán chường, căng thẳng và hiển nhiên, không ngừng bất an, lo lắng.

Và, dường như cũng chính tâm lý đó tạo phản lực khiến bệnh tình nặng hơn. “Lội sông sao không cho ướt áo!”. Tôi biết vậy, vẫn thấy thật khó để bình tâm, lạc quan khi các triệu chứng không ngừng hành hạ, nhất là có triệu chứng ngày càng nặng như sự lan dần của chứng tê tay hay các cơn hì hục thở… Khả năng nhận thức cũng là một vấn đề bởi sự nhanh nhạy trong tiếp nhận văn bản của trước kia sút giảm nghiêm trọng, nhường chỗ cho một trạng thái mơ hồ mà chỉ một đoạn văn ngắn, tôi phải đọc nhiều lần mới có thể hiểu được.

Bệnh COVID-19 tác động đến mỗi người theo những cách khác nhau, nặng nhẹ tùy thể trạng, độ tuổi, bệnh nền hoặc tùy vào lượng kháng thể sản sinh nhờ tiêm vắc xin đủ mũi, đủ ngày hay chưa… Hậu COVID-19 cũng vậy.

Tác giả được kiểm tra chức năng hô hấp  với máy đo hô hấp ký toàn diện
Tác giả được kiểm tra chức năng hô hấp với máy đo hô hấp ký toàn diện

Chưa có thống kê cụ thể từ các cơ quan chuyên môn về số lượng người chịu ảnh hưởng của cơn bạo bệnh, song các di chứng của việc trở thành F0 vẫn đang từng ngày ám ảnh, gây khổ sở và làm suy giảm chất lượng sống cho nhiều người đã khỏi bệnh. Trên các group F0, phần lớn người mắc bệnh bày tỏ nỗi bất lực, hoang mang khi vẫn đang đối mặt các di chứng nói trên, thậm chí hơn cả những ngày “vật vã chiến đấu” để vượt qua cơn bạo bệnh. Tình trạng suy giảm thể lực đặc biệt còn dẫn đến lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, diễn ra ở không ít F0 khỏi bệnh. 

Thế nhưng, việc kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 giúp định lượng toàn diện, tổng quát chức năng của tất cả cơ quan trong cơ thể nhằm điều trị và dự phòng các yếu tố bệnh lý lẫn sức khỏe tâm thần là điều không nhiều người nghĩ đến. 

Hiểu rõ sức khỏe để kịp thời cải thiện

Lo sợ các di chứng kéo dài, tôi quyết định… mang một thể trạng yếu ớt, tự đoán định chỉ còn 60 - 70% năng lực so với trước nhiễm SARS-CoV-2 “gõ cửa” bác sĩ. 

Tại Phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thùy Châu cặn kẽ hỏi tôi quá trình điều trị và hồi phục sau nhiễm COVID-19, tiền sử bệnh của gia đình cũng như bệnh nền nếu có của bản thân. Tiếp theo là những đánh giá lâm sàng phản ánh tình trạng sức khỏe hiện tại như thang đo mức độ khó thở, mức độ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống và tình trạng tâm lý.

Ngoài ra, các dấu hiệu sống được ghi nhận ở tình trạng nền và sau bài kiểm tra mức độ vận động bằng cách đi bộ trong sáu phút. Tôi còn được đánh giá sơ bộ sức cơ của tay và chân, lẫn sự thăng bằng trong một số động tác thông thường.

Với tình trạng nhiễm COVID-19 ở mức trung bình, tôi được chỉ định thực hiện kiểm tra chức năng hô hấp và chức năng tổng quát các cơ quan. Tôi vui mừng với kết quả đánh giá ban đầu, từ xét nghiệm máu cũng như X-quang phổi đều trong giới hạn bình thường. Thế nhưng, với một bệnh nhân có hơi thở còn… hụt hơi như tôi, bài tập khó nhất là đo chức năng hô hấp thông qua máy đo hô hấp ký toàn diện. Đây là phần kiểm tra giúp xác định chức năng phổi đang ở mức độ nào. “Bài kiểm tra này đòi hỏi sự gắng sức nhất định khi thở” - tôi được dặn dò.

Giữa nhiều lần hút - thổi từ nhẹ đến sâu, mạnh bằng miệng, tôi nhiều lần đổ mệt, buộc phải ngưng bài tập. Dù vậy, tôi vẫn chưa đến mức phải sử dụng thuốc giãn phế quản vốn dành cho nhiều bệnh nhân nhọc nhằn với “đường thở” của mình bởi tình trạng tắc nghẽn hay hạn chế của đường dẫn khí.

 

 

 

Nhiều bệnh nhân F0 hoang mang  với các triệu chứng hậu COVID-19
Nhiều bệnh nhân F0 hoang mang với các triệu chứng hậu COVID-19

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Thanh, Trưởng đơn vị Thăm dò chức năng của phòng khám, để đánh giá tổn thương chức năng phổi sau nhiễm COVID-19, cơ sở y tế cần được trang bị nguồn lực về trang thiết bị chuyên biệt và nhân sự được đào tạo chuẩn chuyên môn, trong đó có hô hấp ký và tiến tới là hệ thống đánh giá chức năng tim - phổi nâng cao. Đây là kỹ thuật đang được triển khai tại một số đơn vị y tế, giúp đánh giá cụ thể mức độ tập vận động an toàn cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nặng hoặc có kèm bệnh lý nền về tim, phổi.

Sau cùng, với kết quả được chẩn đoán “hậu COVID giai đoạn 1 - không có di chứng thực thể”, tôi được hướng dẫn một số bài tập về thở, vận động tại nhà nhằm dần hồi phục khả năng đáp ứng với gắng sức. Cạnh đó, là chế độ dinh dưỡng phù hợp, phương pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như đảm bảo các yêu cầu về không gian tại nơi đang sống. Với những yêu cầu, hướng dẫn đó, theo các bác sĩ, rất nhiều khả năng tôi sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 - 3 tháng nếu kiên trì và nghiêm túc thực hiện. 

Thực tế, ngành y tế TPHCM vẫn đang từng bước chuẩn hóa các quy trình, thiết bị và nhân lực chuyên môn cao cho việc chữa trị di chứng hậu COVID-19, nhằm đưa người bệnh trở lại trạng thái sức khỏe gần nhất so với trước khi nhiễm bệnh và nếu có thể sẽ hồi phục hoàn toàn. Phục hồi chức năng hậu COVID-19 là quá trình không thể chờ đợi và là sự chăm sóc đa chuyên ngành đối với các mặt toàn diện của sức khỏe. Sự phát triển của y học hiện nay chú trọng phát triển cả y học dự phòng và y học phục hồi và luôn có “giai đoạn vàng” trong mỗi quá trình. 

Phong Vân

(Còn nữa

Báo Phụ Nữ TPHCM mở chuyên mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19”

Kính thưa quý bạn đọc!
Tính từ tháng 1/2021 đến nay, TPHCM đã có hơn 206.000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi bệnh được xuất viện. Tuy nhiên, trong đó, có rất nhiều trường hợp bị di chứng “hậu COVID-19” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần. Với mong muốn giúp những người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh sớm phục hồi sức khỏe, Báo Phụ Nữ TPHCM mở chuyên mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19”. Tại đây, các chuyên gia, bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân liên quan vấn đề hồi phục sức khỏe hậu COVID-19.

Bạn đọc có thể thông tin những vấn đề mình đang mắc phải qua đường dây khẩn của báo: 0966182727, 0913159315; hoặc gửi câu hỏi qua email: toasoan@baophunu.org.vn (ghi gửi mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19”). Các câu hỏi của bạn đọc sẽ được báo chuyển đến các đơn vị chuyên môn để giải đáp kịp thời. Nội dung hỏi - đáp này sẽ được chuyển tải trên trang Y tế - Sức khỏe (trang 7 - chuyên mục “Tư vấn sức khỏe hậu COVID-19”) báo in số ra các ngày thứ Hai, Tư, Sáu và trên Báo Phụ Nữ TPHCM điện tử: phunuonline.com.vn.

Báo Phụ Nữ TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI