Hạt cát đã nở thành sao

27/07/2020 - 07:59

PNO - Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", lại phải chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo hơn 5 năm qua, nhưng người nữ thương binh 3/4, cựu tù Côn Đảo Trương Kim Liên vẫn sống lạc quan, yêu đời, vì cuộc đời, vì con người và theo bà đó là “một cuộc đời tươi đẹp”.

Thành lập và huấn luyện hai đội lân

Bà Trương Kim Liên năm nay đã 77 tuổi, hiện sống tại khu phố 2, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM. 

Trải qua nhiều công việc, năm 2002, bà Liên nghỉ hưu và cùng gia đình về sinh sống tại khu Nam Long, khu phố 2, P.Phú Thuận, Q.7 và bắt đầu tham gia hoạt động Hội như một hội viên nòng cốt. Nhưng nhắc tới bà, ai cũng nhớ mô hình “trồng rau xanh và cây thuốc nam”.

Bà đã tận dụng khoảnh đất trống hơn 30m2 lề đường trước nhà để trồng đu đủ, chuối, rau xanh và nhiều loại thuốc nam. Mảnh vườn lúc nào cũng ngát hương quế, sả, chanh, ngò, ngũ trảo... Không chỉ trồng, bà còn rủ rê và chia cho mọi người cây giống để màu xanh và hương thơm ngày càng lan tỏa. Bà nói: “cái vườn tuy nhỏ nhưng tôi trồng đủ thứ rau và thuốc trị bệnh, ai cần thì cứ đến hái. Nhiều chị em đã lấy giống về trồng khiến mình cũng vui”.

Trong tập thơ Hạt cát nở thành sao xuất bản năm 2014, nhà thơ Hoàng Huyễn - chồng bà viết những dòng giản dị:

“Vườn của em cây xanh bóng mát
Cây chuối mọc hoang nay đã sum vầy
Cây rau dền hoang dại cũng về đây
Và đu đủ cũng lớn nhanh trĩu quả…”

Bà TRương Kim Liên

Gắn bó với địa phương, bà Liên nhận ra đám trẻ con trong khu phố không có sân chơi. Thế là cuối năm 2015, bà tập hợp những đứa trẻ lại để thành lập đội lân thiếu nhi, lấy lương hưu và phụ cấp thương binh 3/4 của mình ra mua sắm mọi thứ từ đầu lân, chiêng, trống, giày vớ và mày mò may thêu trang phục cho cả đội. Về chuyên môn, bà đích thân tìm đến các đội lân chuyên nghiệp để tìm hiểu, học hỏi rồi về truyền dạy lại cho các cháu. 

Chỉ vài tháng sau, những đêm hội trăng rằm do phường và khu phố tổ chức, những buổi bế giảng, khai giảng, hội nghị, tổng kết, đội lân thiếu nhi của bà đều được mời đến giúp vui. 12 cháu của đội phần lớn gia cảnh đều nghèo khó, có những cháu rất nghèo nhưng học giỏi, bà Liên lại xuất tiền túi mua cặp, sách, tặng học bổng để động viên, khích lệ các cháu. Nhờ vậy mà một số cháu đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi nhiều năm liền, đậu đại học, cao đẳng, ra trường có việc làm ổn định.

Sự thành công của đội lân thiếu nhi đã tiếp thêm niềm cảm hứng để bà Liên tập hợp một số chị em tuổi từ 64 - 75, thành lập đội lân nữ cao tuổi. Qua thời gian dài luyện tập dưới sự hướng dẫn trực tiếp của bà, đội lân nữ cao tuổi đã ra mắt trong niềm vui phấn khích và trở thành nguồn cổ vũ luyện tập thể dục thể thao, sống vui sống khỏe cho mọi người dân trong khu phố, nhất là giới nữ.

Những việc làm tốt vẫn chưa dừng lại

Nhưng ít ai biết, vào đầu năm 2015, bà Liên từng phải đương đầu với căn bệnh ung thư quái ác. Những năm gần đây, dù phải chống chọi với nhiều thứ bệnh do hậu quả của những tháng ngày bị tù đày, tra tấn, nhưng bà luôn sống lạc quan. Ngày ngày, bà vẫn cần mẫn đi gom rác thải, phân loại để cuối mỗi tháng cùng với chị em bán lấy tiền lập quỹ chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, những học sinh nghèo, những cụ già neo đơn…

Nhưng danh sách những việc làm tốt nơi bà Liên vẫn chưa dừng lại. Bà vận động chị em nuôi heo đất để có tiền làm việc thiện. Gần đây, bà còn chắt chiu dành dụm để đóng góp vào “Quỹ học bổng Vừ A Dính”, mua thẻ bảo hiểm y tế tặng bệnh nhân nghèo. Bà cũng đã cùng chồng và các đoàn thể khu phố vận động nhân dân và các Mạnh Thường Quân trên địa bàn đóng góp xây dựng khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa - thể thao với kinh phí trên 800 triệu đồng tại khu phố 2, vận động tráng nhựa con đường ra rạch Bà Bướm hết 300 triệu đồng, đặt 12 ghế đá để người dân có chỗ ngồi chơi…

“Thời chiến, cuộc đời đẹp nhất không gì bằng chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Còn trong thời bình, niềm vui lớn nhất của tôi là được làm việc nghĩa, chia sẻ nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, được góp sức xây dựng địa phương và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển. Hình như tôi có duyên nợ cùng chị em và tôi chọn sống một cuộc đời tươi đẹp”. 

Tuổi thanh xuân đi qua chiến tranh

Vào năm 1967 của thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang vào giai đoạn quyết liệt, bà Trương Kim Liên đã thoát ly gia đình ở tỉnh Bình Dương để về khu Sài Gòn - Gia Định tham gia hoạt động thành. 

Mùa thu năm 1969, bà bị địch bắt. Những đòn tra tấn dã man của địch khiến bà chết đi sống lại nhiều lần, nhưng với tấm lòng kiên trung, bà nhất định không khai báo. Sau khi chuyển bà đi khắp các nhà lao từ bốt Hàng Keo đến nhà tù Băng Ky, đề lao Gia Định, Nha Cảnh sát Đô Thành, địch đã đày bà ra nhà tù Côn Đảo.

Hòa bình lập lại, bà Liên tham gia công tác Hội Phụ nữ và tham gia xây dựng chính quyền, đoàn thể ở Q.3, TP.HCM, rồi làm phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, làm giảng viên trường Cán bộ phụ nữ. Ở vị trí công tác nào bà cũng hăng say lao động. 

Nguyễn Thị Loan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI