Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hãy mở rộng trái tim mình mà cảm nhận

14/06/2021 - 08:10

PNO - “Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, chỉ cần mỗi người mở rộng trái tim mình mà cảm nhận”, đó là thông điệp được rút ra sau cuộc thi “Khoảnh khắc hạnh phúc” do Hội LHPN Q.8, TP.HCM tổ chức để hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) và ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Hạnh phúc khi cùng nhau vượt qua nghịch cảnh

Gửi đến cuộc thi ba bức ảnh cả gia đình bên nhau, chị Phan Ngọc Xuân (P.12) không ngờ rằng, những bức ảnh thiếu sự đầu tư của gia đình mình lại chinh phục ban giám khảo. Trung tâm của bức ảnh là cô con gái ngồi xe lăn, nụ cười hạnh phúc “không cần cố gắng” của các thành viên trong gia đình chị và câu chuyện phía sau bức ảnh đã mang đến một thông điệp sâu sắc về hạnh phúc. 

Cuối tháng 5/2015, đưa con gái Trần Ngọc Xuân Nguyên (Ruby) gần 15 tháng tuổi vào bệnh viện, chị Phan Ngọc Xuân không nghĩ rằng, hạnh phúc bình thường đang dần tuột khỏi tầm tay gia đình. Từ một bé gái đang bi bô tập nói, chạy tung tăng khắp nhà, sau một tuần cai máy thở, Ruby đã trở thành một “cô bé búp bê” vì di chứng bại não. Cả gia đình chị Xuân sụp đổ, chạy vạy khắp nơi, tìm hiểu đủ các phương pháp y học để mong cầu một phép màu cho con. Nhưng tất cả đều vô vọng. 

Cả hai bên nội ngoại đều không biết phải bắt đầu việc chăm sóc Ruby như thế nào cho đúng, vì không một ai có sự chuẩn bị cho tình huống này. Từ mặc cái áo cho con đến cách cho con ăn, uống đều phải học lại từ đầu. Nhưng cả nhà đã an ủi nhau: ba mẹ sẽ là y tá, bà là điều dưỡng, ông là hộ lý.

Với gia đình chị Xuân, hạnh phúc được tìm thấy ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã nhất
"Không chỉ hạnh phúc gia đình, những góc nhìn về hạnh phúc cá nhân đối với cộng đồng cũng là điểm sáng được lan tỏa qua cuộc thi"

Trong chuỗi ngày giam mình trong suy nghĩ bi quan khi không thể cải thiện tình trạng của con, chị Xuân nhận thấy, không chỉ bản thân chị buồn mà con trai lớn mới vào lớp Một cũng ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đã xảy ra khi con không còn nhận được sự chăm sóc chu đáo của ba mẹ như trước. “Thương hai đứa con, tôi quyết định phải tự vực mình dậy, đối diện với hiện tại, sắp xếp lại cuộc sống, cố gắng tạo ra hạnh phúc trong tình trạng hiện có”.

Ba Ruby buôn bán phụ tùng xe máy tại nhà, nên sáng anh và bà nội thay nhau trông coi cửa hàng và chăm bé. Buổi trưa, bà ngoại đến nhà phụ chăm và đi học cùng cháu đến chiều. Chị Xuân đi làm cả ngày, chiều về thì “vào ca” chăm con đến tối, kiêm cả những bài tập vật lý trị liệu cho con. Vì di chứng bại não của Ruby đặc biệt nặng nên việc trị liệu chỉ hỗ trợ vận động duy trì cơ và cải thiện tình trạng co rút gân của bé. 

Năm nay, Ruby lên bảy nhưng không thể tham gia học tập như những bạn cùng lứa. Chị Xuân lại trăn trở tìm một lớp học phù hợp với con. Ruby đến lớp là hành trình cả gia đình cùng nhau đi học. Giờ học nhận thức ở lớp khiến tinh thần Ruby vui vẻ hơn. Nhìn con được đến lớp mỗi ngày, có cô, có bạn, được học tập, được chơi đùa, vợ chồng chị như tiếp thêm sức mạnh, tinh thần các thành viên trong gia đình cũng thoải mái, vui vẻ hơn khi đồng hành cùng con dù nhiều vất vả.

“Tôi nghĩ, mình may mắn hơn nhiều hoàn cảnh khi có được sự đồng hành của người thân lẫn đồng nghiệp. Tôi có được sự hỗ trợ trong việc chăm sóc con, có được sự an ủi khi tinh thần suy sụp. Tôi thấy mình còn may mắn khi gia đình có khả năng để chăm lo cho con điều kiện tốt nhất có thể. Và bây giờ, đối với tôi, cả gia đình được ở bên nhau vui vẻ thế này là hạnh phúc”, chị Xuân nói về cảm nhận của mình khi chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình đến với cuộc thi.

Hạnh phúc không ở đâu xa

Phát động từ ngày 8/3/2021, hội thi ảnh “Khoảnh khắc hạnh phúc” do Hội LHPN Q.8 tổ chức dưới hình thức đăng trực tiếp trên trang Facebook của Hội LHPN quận đã thu hút sự quan tâm tham gia của các hội viên, phụ nữ. Kèm ảnh dự thi là đoạn văn không quá 50 từ chia sẻ quan niệm của mỗi người về hạnh phúc trong cuộc sống. 

Trong khoảng thời gian gần hai tháng (từ 8/3-30/5), hội thi đã nhận được 38 “khoảnh khắc hạnh phúc” với những góc nhìn, những khía cạnh khác nhau. Như câu chuyện của gia đình chị Xuân, hạnh phúc được cảm nhận ngay trong chính sự nghiệt ngã nhất, đó là cùng con sống bình thường trong một số phận không bình thường. Có hạnh phúc đơn giản chỉ là “nhìn nụ cười của cháu nhỏ nhà mình”, có hạnh phúc được cảm nhận khi “góp phần làm cho khu phố của mình đẹp lên”, có hạnh phúc “khi nhận được một chiếc áo dài mới”, có hạnh phúc khi “trao suất ăn miễn phí đến tay người lao động nghèo”.

Cũng có hạnh phúc trọn vẹn như chia sẻ của cô Phạm Ngọc Dung (P.4): “Ngoài việc chăm lo xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bản thân tôi hạnh phúc nhất là khi được làm công tác xã hội, được giúp đỡ cho những mảnh đời bất hạnh, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, trao tặng giá trị cuộc sống tốt đẹp đến cộng đồng. Khoảnh khắc hạnh phúc nhất của tôi khi ấy là thấy được niềm vui, nụ cười, thấy cuộc sống được cải thiện, thấy được thành công của những người mà tôi từng giúp đỡ”.

“Cả thí sinh và người đọc bài đều cảm nhận được hạnh phúc từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày” là cảm nhận của chị Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN Q.8, về cuộc thi. Có thể nhận thấy, qua những “khoảnh khắc hạnh phúc”, cuộc thi đã giúp hội viên, phụ nữ truyền tải thông điệp hạnh phúc từ việc riêng của cá nhân cho đến việc chung của cộng đồng, lan tỏa được thông điệp hạnh phúc khi cả gia đình cùng nhau sẻ chia. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI