Hãng phim truyện Việt Nam gửi đơn tới Quốc hội 'cầu cứu'

26/10/2019 - 11:08

PNO - Trong đơn thư, nhóm nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam nhắc lại những kết luận của Thanh tra Chính phủ trong vụ việc cổ phần hoá, qua đó, tiếp tục "cầu cứu".

Trong đơn gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, tập thể nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đều cùng ký dưới nội dung nhắc lại những kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 19/9/2018 trong vụ việc cổ phần hoá Hãng phim.

Cụ thể, giá trị đất đai và giá trị thương hiệu của hãng được đánh giá bằng 0. Quá trình cổ phần hóa cũng vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu khi chỉ có 1 nhà đầu tư là cổ đông chiến lược (Tổng công ty vận tải thủy - Vivaso), là đơn vị không hề có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hoá điện ảnh.

Kết luận ngày đó cũng chỉ rõ, các bước tiến hành cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Việc lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục. Trong ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn, việc định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa chưa tuân thủ theo mẫu hợp đồng được quy định.

Hang phim truyen Viet Nam gui don toi Quoc hoi 'cau cuu'
Nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam kêu cứu nhiều năm liền

Trong đơn cũng nhắc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ là buộc Vivaso phải thoái vốn trước thời hạn vì khi đơn vị chưa thoái vốn, Hãng phim truyện Việt Nam không đủ tư cách pháp nhân để ký kết hợp đồng phim cũng như trả lương cho nghệ sĩ.

Ngoài ra, trong đơn còn kiến nghị làm rõ việc vì sao Vivaso là cổ đông chiến lược, cũng như truy số tiền 32,5 tỉ đồng mà đơn vị này bỏ ra cho toàn bộ giá trị đất và thương hiệu của hãng.

Hãng phim truyện Việt Nam - VFS được thành lập năm 1953, gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Tuy nhiên 20 năm qua, nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, VFS chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị vào tháng 6/2017.

Tuy nhiên, ngay khi thực hiện cổ phần hóa, rất nhiều nghệ sĩ kỳ cựu đã bày tỏ bức xúc và ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hóa vì cho rằng vụ việc có dấu hiệu thiếu khách quan và minh bạch, nhất là khi thương hiệu gần 60 năm được xác định bằng 0 đồng.

Hãng sở hữu bốn khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM song có giá trị thấp do là đất thuê.

Trước sự việc trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thanh tra quá trình cổ phần hóa VFS và định giá lại thương hiệu hãng phim.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI