Hàng ngàn tấn thanh long, dưa hấu... ùn ứ tại cửa khẩu, rớt giá vì virus corona

04/02/2020 - 07:51

PNO - 3.000 tấn thanh long ùn ứ tại các cửa khẩu thuộc Lào Cai, hàng loạt nông sản như dưa hấu, xoài, sắn... rớt giá mạnh sau khi Trung Quốc kiểm soát chặt biên giới để khống chế dịch bênh do virus corona gây ra.

Nông sản bán tháo, chờ ngày thông quan

Trước tình hình hàng trăm container chở nông sản, trong đó phần lớn là các loại trái cây tươi có thời gian bảo quản ngắn bị ùn ứ tại một số cửa khẩu tại các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc. Chiều 3/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương phải nhóm họp gấp để tìm giải pháp tháo gỡ. 

Thiệt hại nặng nề nhất hiện nay là thanh long, dưa hấu và thuỷ sản... Nhiều mặt hàng xuất khẩu theo hợp đồng đã ký nhưng không được thông quan. Trong nước, giá thanh long từ 30.000 - 35.000 đồng/kg giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, dưa hầu nhiều vùng trồng giá bán tại ruộng nông dân cũng chỉ còn trên dưới 1.000 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Hồng Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre) lo lắng khi hàng trăm container trái cây, nhiều nhất là thanh long đang phải nằm lại bãi tập kết ngay tại giới, hoặc quay đầu về nội địa sau khi Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ (cửa khẩu) từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2 với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Đối với các sản phẩm trái cây bị từ chối thông quan buộc đơn vị này phải chọn cách giảm giá bán vì trái cây có thời gian bảo quản ngắn, hoặc chở ngược trở lại làm nguyên liệu các sản phẩm chế biến...

“Thanh long chủ yếu được bán tại kho, vườn cho thương nhân Trung Quốc trong dịp tết vừa rồi, thế nên hàng trên đường, hoặc đang ùn ứ tại vùng biên cũng có rất nhiều của thương nhân Trung Quốc. Họ cũng lỗ rất nhiều trong đợt này”, bà Vy cho biết.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đặc biệt là thanh long và dưa hấu đang chịu tổn thất nặng nề.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đặc biệt là thanh long và dưa hấu đang chịu tổn thất nặng nề

Đồng thời, đợt hàng trong khoảng từ ngày 10/01 (âm lịch) đến rằm tháng Giêng hiện đã bị huỷ đơn. Trong khi đó, nhà thu mua phía Việt Nam đã đặt cọc với nông dân và hiện gặp nhiều khó khăn trong xoay xở bởi không thể tiêu thụ. Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Nhiều mặt hàng nông sản tới biên giới buộc phải quay ngược trở về bán tháo, nhưng đối với một số mặt hàng thời gian bảo quản ngắn, giá thành rẻ và để tránh phát sinh thêm chi phí vận chuyển, hiện nhiều đơn vị “vừa bán, vừa cho” tại Hà Nội. Trong buổi chiều 2/2 tại Hà Nội, dưa hấu Gia Lai được các thương lái thu mua trải bạt, đổ đống bán với mức giá rẻ bèo vì không xuất được sang Trung Quốc.

Theo các thương lái buôn dưa hấu, so với năm trước, giá dưa vụ này bà con bán được khoảng 7.000 - 9.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giá dưa thu mua tại nhà vườn ở Gia Lai chỉ ở mức 800 - 1.000 đồng/kg, nếu tính cả phí công bốc dỡ lên xe thì giá dao động từ 1.300-1.800 đồng/kg, tùy loại. Thương lái thu mua dưa bán ra các tỉnh phía Bắc cũng chỉ được 3.000 - 4.500 đồng/kg. Với mức giá trên, bà con nông dân trồng dưa đang khóc ròng vì thua lỗ nặng vì vừa tốn công vận chuyển, bán với lượng hàng lớn chắc chắn sẽ hư hỏng, hao hụt thay vì xuất khẩu hàng tấn sang Trung Quốc.

Lỡ hẹn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Trung Quốc hiện là thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 24 - 25% trong xuất khẩu trị giá 85 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV-2019 và những động thái của Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người, dự báo sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

"Nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, đặc biệt những nhóm hàng như thanh long, dưa hấu... Ngoài ra, tất cả các nội dung thương thảo về thương mại các mặt hàng mới giữa hai bên tạm dừng lại. Chẳng hạn, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào", ông Cường lo ngại.

Nhiều container chở nông sản buộc quay đầu vì đóng cửa biên giới do dịch bệnh.
Nhiều container chở nông sản buộc quay đầu vì đóng cửa biên giới do dịch bệnh.

Theo Bộ Nông nghiệp, từ nay đến hết rằm tháng giêng, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam. Lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch được triển khai từ cả hai phía (đến tối ngày 2/2/2020, theo cập nhật có khoảng 175 xe thanh long loại 20 tấn/xe tại Lạng Sơn).

Với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh corona.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tác động từ đại dịch viêm phổi cấp dự báo xu hướng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ ảm đạm. Đây sẽ là lúc chúng ta tìm hướng đi mới, tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

DN không xuất khẩu đi Trung Quốc vẫn chịu ảnh hưởng

Mặc dù không trực tiếp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc, nhưng theo đại diện Vina T&T Group, tất cả doanh nghiệp nội địa trong ngành lẫn các thị trường xuất khẩu khác đều chịu ảnh hưởng trầm trọng.

“Khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, thương lái hai bên không thể giao thương, gần như tất cả nông sản bị đóng băng. Cùng với đó, người tiêu dùng tại các thị trường khác như Hoa Kỳ, Úc, Canada…cũng hạn chế đi chợ, giảm nhu cầu rất nhiều”,  ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T chia sẻ.

Đồng thời, ông Tùng cho hay, những loại trái cây có thời gian bảo quản ngắn như thanh long đỏ, xoài cát Hoà Lộc sẽ bị ảnh hưởng lớn và rớt giá mạnh hơn các trái cây khác khi được bảo quản trong kho đông lạnh. Đơn cử, giá thanh long đã giảm hơn 4 lần so với thời điểm cuối năm 2019 (từ 40.000 đồng/kg).

Từ mùng 2 Tết đến nay, Vina T&T đã xuất được 80 tấn thanh long, 54 tấn nhãn, 80.000 trái dừa. Với các đơn hàng đã ký sẽ tiếp tục được xuất đi, tuy nhiên theo ông Tùng, “tình hình nhu cầu thị trường tương lai rất khó đoán trước diễn biến của Corona. Đối tác nước ngoài cũng tạm dừng nhu cầu đặt hàng”.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI