Hai-mươi-bảy và những lời tự vấn của tuổi trẻ

26/04/2020 - 07:44

PNO - 27 - độ tuổi quá già để ngây thơ nhưng vẫn còn quá trẻ để nhìn thấu. Độ tuổi chông chênh giữa đam mê và thực tại. Độ tuổi mà nếu chọn sự ổn định, người ta sẽ kết hôn và tìm cách để được tăng lương.

Nhưng cùng độ tuổi đó, không ít người trẻ vẫn không biết ý nghĩa sống của họ là gì. Mai Anh - một nhà khoa học dữ liệu sinh năm 1992 - đã hoàn thành quyển sách của cô ở độ tuổi 27 - con số từ “câu lạc bộ 27” gồm những nghệ sĩ nổi tiếng qua đời ở tuổi 27, trong những hoàn cảnh hoặc bi đát hoặc bí ẩn.

Các nhân vật trong Hai-mươi-bảy không xác định giới tính, không có tên riêng. Chỉ có tuổi (27) hoặc nghề nghiệp vì đó là bối cảnh cho những mâu thuẫn phát sinh. Có rất ít hội thoại giữa các nhân vật, khiến những câu chuyện thêm phần kín kẽ khi luôn có nhiều hơn một lớp ý nghĩa nhờ những hình ảnh ẩn dụ, tình tiết hoặc câu chữ lặp lại giữa các truyện.

 

Mỗi truyện ngắn có thể đọc đơn lẻ, nhưng tồn tại kết nối ngầm giữa những câu chuyện, tạo thành những tuyến thông điệp liên truyện. Thoạt nhiên, người đọc thấy có nhiều nhân vật nhưng đó hoàn toàn có thể là một nhân vật ở các giai đoạn và hành trình khác nhau. 

Nhị phân - truyện ngắn đầu tiên - là cuộc tranh đấu giữa “con người của Số” và “con người của Chữ” trong một bản thể - như chính mâu thuẫn mà nhiều người trẻ gặp phải: nên theo đuổi thành công hay đam mê, con tim hay lý trí, sự ổn định hay những chuyến phiêu lưu.

Nàng thơ 1 và 2 là câu chuyện tình nhiều vị: vị của sự non tơ, của dục vọng, của vỡ mộng, hối tiếc và những câu hỏi không lời đáp. Bởi nàng thơ thì chẳng thể theo ai đến cuối đường, bởi nếu nàng xếp cánh và trở thành người phụ nữ dễ nắm bắt thì đã chẳng được gọi là nàng thơ. Học máy khai thác mảng kiến thức mới lạ trong thời đại công nghệ, tạo nên không khí phảng phất tính vị lai. Một câu chuyện lôi cuốn, kỳ lạ và… đáng sợ như câu hỏi mà nhân vật chính đặt ra: “Thật may nếu tất cả là hư cấu, phải không?”.

Chạy nhận được đồng cảm của nhiều bạn đọc vì phác họa nên tâm trạng bức bối, dồn nén của những người trẻ ở quá lâu trong cỗ máy văn minh. Họ thèm được bước ra khỏi quán tính mà không sợ hãi nhưng không biết mình muốn đến đâu. Họ đơn độc nhưng cũng sợ gắn bó. Trong khi đó, Có một người sẽ ghé qua đây, đêm nay lại kể về một người bị mất kết nối với người khác, rồi trong sự cô đơn, anh đón một vị khách không mời.

Vết nứt là cuộc tranh đấu giữa thiện và ác nhưng cái ác không xuất hiện như một nhân vật phản diện rõ ràng mà ẩn mình trong sự thờ ơ, trong lời dụ, chỉ cần im lặng - sẽ chẳng còn trận chiến nào cả. Truyện ngắn này gợi nhắc đến câu nói: “Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt” được cho là của Albert Einstein. Một ẩn dụ là sắp đặt nghệ thuật lột tả nhiều góc tối của con người. Chạm kết lại quyển sách bằng sự xoa dịu, vỗ về, rằng có như thế nào chăng nữa thì hành trình tự vấn, lựa chọn nhiều đau đớn kia hoàn toàn xứng đáng cho những ai muốn trưởng thành.

Chín câu chuyện toát lên những tự vấn không ngừng của những người trẻ trong đời sống hiện đại. Bên trong những mâu thuẫn cá nhân ấy là câu hỏi lớn hơn về bản chất con người: hoàn cảnh làm thay đổi con người hay vốn dĩ họ đã ích kỷ như vậy? Sẽ ra sao nếu trong ta có nhiều hơn một tiếng nói và tiếng nói đó lại là tiếng nói ma quỷ dẫn lối? Có lối thoát nào cho những trái tim đã chịu nhiều tổn thương muốn tự chữa lành bằng hy vọng và lòng hướng thiện?

Không chỉ “mổ xẻ” những thể trạng tinh thần, Mai Anh còn tự vẽ minh họa các nội dung trong sách, khiến quyển sách trở thành một sản phẩm sáng tạo dày dặn từ nội dung đến hình thức. các câu chuyện trong sách là những lát cắt, là phản chiếu của mỗi người đọc. Mà mỗi người, ở những độ tuổi khác nhau, những trải nghiệm khác nhau, sẽ tìm thấy những màu sắc và cảm giác khác nhau.

Minh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI