Hai công ty sản xuất bê tông liên tục vi phạm pháp luật, thách thức chính quyền

29/04/2020 - 09:28

PNO - Chính quyền Đà Nẵng chỉ cho trạm sản xuất bê tông tạm thời hoạt động đến khi dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hoàn thành, nhưng từ đó đến nay hai công ty vẫn chây ì không chịu di dời dù bị các cấp từ thành phố đến huyện Hòa Vang liên tục xử phạt.

Hai công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên và TNHH Phước Thịnh Phát sở hữu 2 trạm sản xuất bê tông đặt bên tuyến đường vào mỏ đá Hòa Nhơn (thuộc thôn Hòa Khương Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).

Cho đặt tạm rồi... ở luôn!

Trạm sản xuất bê tông nhựa nóng của Công ty TNHH Phương Thiên Nguyên
Trạm sản xuất bê tông nhựa nóng của Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên

Năm 2011, khu vực này được UBND TP. Đà Nẵng quy hoạch đất kho tàng - sản xuất. Năm 2015, hai công ty trên đề nghị được lắp đặt trạm bê tông nhựa nóng hoạt động tạm để cung cấp sản phẩm cho công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ngày 5/12/2016, UBND TP. Đà Nẵng thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố “tạm thời cho phép Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên và Công ty TNHH Phước Thịnh Phát tồn tại hai công trình trạm sản xuất bê tông nhựa nóng tại khu vực đường vào mỏ đá Hòa Nhơn đến hết thời gian thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dự kiến cuối năm 2017)”.

Khi đường cao tốc đã xây xong, hai công ty này không di dời trạm như cam kết mà lại xin gia hạn thêm thời gian hoạt động. Ngày 16/6/2018, UBND TP. Đà Nẵng có công văn, thông báo không thống nhất việc gia hạn cho 2 trạm trộn trên.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, UBND huyện Hòa Vang đã phối hợp với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) yêu cầu hai công ty trên tháo dỡ toàn bộ công trình, trả lại hiện trạng đất ban đầu.

Thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng còn phát hiện hai công ty này tự chuyển mục đích sử dụng đất. Ngày 13/12/2018, Thanh tra Sở ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Phương Thiên Nguyên số tiền 7 triệu đồng và Công ty TNHH Phước Thịnh Phát 14 triệu đồng; đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, cả hai công ty không chấp hành, còn tiếp tục vi phạm.

Ngày 16/7/2019, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang tiếp tục ban hành quyết định xử phạt Công ty Phương Thiên Nguyên 10 triệu đồng vì tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, công ty này chấp hành nộp tiền phạt.

Công ty Phước Thịnh Phát bị phạt 20 triệu đồng về việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và lấn đất rừng sản xuất; đến nay công ty này chưa nộp phạt, chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Các công ty này liên tục vi phạm và bị xử phạt
Các công ty này liên tục vi phạm và bị xử phạt

Ngày 11/9/2019, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ban hành các quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả đối với hai công ty trên; quyết định nêu rõ: trong thời hạn 15 ngày phải thực hiện, nếu quá thời hạn sẽ bị cưỡng chế.

Tuy nhiên, hai công ty vẫn không thực hiện.

Ngày 8/11/2019, Chủ tịch huyện Hòa Vang tiếp tục ra thông báo yêu cầu hai công ty tự tháo dỡ công trình vi phạm, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Huyện kêu khó

Ông Phạm Nam Sơn - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - trong báo cáo gửi lên thành phố gần đây cho biết: “Việc thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm tại hai công ty nêu trên là rất phức tạp, chưa có tiền lệ; các công trình xây dựng kiên cố và có kết cấu phức tạp như trạm trộn bê tông, các nhà xưởng, nhà làm việc… Do đó, việc thực hiện cưỡng chế tháo dỡ rất khó khăn, các hồ sơ thủ tục phải thuê đơn vị tư vấn lập phương án cưỡng chế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện”.

Trạm sản xuất bê tông của Công ty TNHH Phước Thịnh Phát
Trạm sản xuất bê tông của Công ty TNHH Phước Thịnh Phát

“Bên cạnh đó, hai công ty trên liên tục có đơn cứu xét khẩn cấp, đề nghị các cấp xem xét về việc tháo dỡ công trình sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và đời sống của người lao động địa phương. Mặt khác, việc lắp đặt trạm sản xuất bê tông nhựa nóng của hai công ty trên trước đây được các cấp, sở chuyên ngành thống nhất; nay nếu tháo dỡ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Sơn cho biết về lý do chưa tháo dỡ được công trình sai phạm.

Ngày 10/4/2020, ông Võ Tấn Hà - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - đã ký văn bản đề nghị UBND huyện Hòa Vang căn cứ các quy định hiện hành để tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm nêu trên theo đúng quy định pháp luật. Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng khẳng định các công trình trên không phù hợp với quy hoạch của thành phố.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Nguyễn Thanh Hùng - Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị huyện Hòa Vang - cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang thuê tư vấn khái toán kinh phí và phương án phá dỡ. Tuy nhiên, có 2 đơn vị được thuê lên để làm nhưng họ nói chưa có tiền lệ do quy mô 2 công trình vi phạm lớn. Do đó, Đội Kiểm tra quy tắc đang thuê một đơn vị thứ 3 qua lễ 30/4 sẽ làm việc cụ thể để sớm có phương án”.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI