Góc bếp hay góc khuật tâm hồn?

02/09/2023 - 07:43

PNO - Từ quán ăn đường phố đến nhà hàng năm sao, phim Hunger (tên Việt: Khao khát thành công) di chuyển từ đáy xã hội đến đỉnh thượng lưu, nơi đời sống một cá nhân có thể bị hủy hoại vì những khát khao vươn tới thứ vừa cụ thể mà cũng rất mơ hồ: thành công.

Cô gái trẻ Aoy (Chutimon Chuengcharoensukying đóng) kế thừa quán ăn gia đình - nơi mùi hương của món hủ tíu xào chiếm lĩnh tâm hồn ẩm thực của một khu phố và nhanh chóng lan xa đến chiếc mũi của đầu bếp dưới trướng bếp trưởng lập dị Paul. Cuộc đời Aoy nhanh chóng rẽ sang hướng mới, nơi khát vọng dung dị ban đầu biến thành con đường dẫn đến thế giới nghịch lý: khi người ta kiếm tìm hào quang thì lại dấn thân vào chốn tăm tối. 

Hunger vừa phát hành trên Netflix, kế thừa những căng thẳng mà các chương trình truyền hình thực tế lấy định dạng những cuộc thi nấu ăn đã chiếm sóng suốt hàng chục năm qua. Bộ phim mở đầu như đoạn giới thiệu của một chương trình thực tế, tiếp sau đó là khung cảnh trình diễn nấu nướng và ăn uống gần như kỳ quái. Các thực khách thượng lưu không chỉ thưởng thức nghệ thuật ẩm thực mà đang trở lại bản năng ăn uống nguyên thủy của con người, bị chi phối bởi ẩn ức. 

Những phim khai thác đề tài ẩm thực vốn chăm chút cho các phân cảnh nấu nướng, ăn uống với những món ăn mà khán giả chỉ nhìn thôi cũng thèm thuồng. Vậy nhưng trong Hunger, từ hình ảnh các món ăn đến cảnh thực khách ăn uống đều đáng sợ. 

Đây là một trong những yếu tố tạo cho bộ phim một không khí kinh dị. Cũng không có gì lạ khi đạo diễn của Hunger là Sitisiri Mongkolsiri - một trong những đạo diễn của loạt phim Thái Lan đình đám Cô gái đến từ hư vô (Girl from nowhere). Điều làm nên sự đáng sợ của phim là cái không gian dường như căng lên đến nghẹt thở và bùng nổ khi dục vọng của con người được giải phóng. 

Các thực khách xuất hiện trong Hunger chủ yếu là tầng lớp thượng lưu - những con người ăn không còn do nhu cầu no đói nữa mà để thưởng thức, để tận hưởng khoái cảm của việc ăn uống. Sơn hào hải vị thừa mứa, họ cần được kích thích bằng những màn “trình diễn” nấu nướng, bằng cách ăn uống khác thường hay tìm đến những nguyên liệu cực kỳ quý hiếm.

Trong thế giới ẩm thực ấy, bếp trưởng Paul nổi lên như một ngôi sao, một nhà độc tài đeo tạp dề. Ông xuất thân nghèo khó, lúc nhỏ từng vì ăn vụng mà phải chịu sự sỉ nhục. Đối với ông, ăn uống không phải để sống hay để hạnh phúc mà là để thỏa mãn khát khao tiếp cận giới thượng lưu, trả thù họ bằng thứ ẩm thực màu mè giả trá. 

Trailer phim Hunger:

 

Sự hào nhoáng của thế giới giàu có đánh lừa cảm giác của con người, làm họ thậm chí không còn tin vào các giác quan của mình nữa mà gửi gắm niềm tin vào các loại nhãn mác được định danh bằng tiền bạc và quyền lực. 

Có thể nói Aoy là phiên bản nữ của Paul. Cô cũng xuất thân từ giới bình dân, có tài nấu nướng, cũng thăng tiến nhanh trong sự nghiệp đầu bếp nhờ sự “hà hơi tiếp sức” của truyền thông. Càng thành công, càng “chạm” gần tới giới thượng lưu, Aoy càng đánh mất cái tôi để chiều lòng, để hòa nhập vào cỗ máy công nghiệp ăn uống đội lốt nghệ thuật ẩm thực, nơi con người xem việc chi tiền cho các món ăn cũng là một cách thể hiện đẳng cấp. 

Hunger đã làm tốt vai trò của một bộ phim phơi bày góc khuất nhà bếp. Cái góc bếp ấy cũng là góc khuất tâm hồn con người. Con người tồn tại đầy nghịch lý trong một xã hội đầy nghịch lý: đầu bếp nấu các món ăn cho giới thượng lưu không đủ tiền chi cho chính những bữa ăn mình nấu. 

Sau rốt, thành công là gì, hạnh phúc là gì vẫn mãi là những câu hỏi muôn đời không lời đáp. Phải chăng tất cả việc chúng ta đang làm cũng bị chi phối bởi một cơn đói khát không bao giờ thỏa? 

Nữ Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI