Giọng hát Việt nhí: câu chuyện một giấc mơ

30/08/2013 - 17:06

PNO - PNO - Câu chuyện của một ông bố đưa con đi thi The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí - GHVN) lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua đã hé lộ một phần mặt trái của các chương trình truyền hình thực tế (THTT).

Các chương trình THTT trên sóng truyền hình vẫn luôn được gọi là một sân chơi. Trong những bản Thông cáo báo chí, người ta vẫn luôn nhắc đến cơ hội để thí sinh toả sáng, để thể hiện bản thân, chinh phục thử thách, rèn luyện kỹ năng, để giành những giải thưởng lớn mà giá trị hiện nay đã lên đến cả tỷ đồng... Song, phía sau những phần "Mục đích - Ý nghĩa" lấp lánh trên giấy ấy, người ta vẫn không thể quên thực tế là các nhà tổ chức đều là các doanh nghiệp và hoạt động của họ đều phải nhắm đến lợi nhuận và họ sẽ phải tối đa hoá lợi nhuận bằng mọi cách có thể, nhất là khi chi phí đầu tư cho sản xuất chương trình ngày một cao hơn.

Giong hat Viet nhi: cau chuyen mot giac mo
Bé Lương Thuỳ Mai trên sân khấu Giọng hát Việt nhí

Trong câu chuyện của ông bố đưa con đi thi GHVN, anh Quốc Thái, cha của bé Lương Thuỳ Mai (Đội Thanh Bùi) đã cùng con gái từ Hà Nội vào Nam và tham gia cuộc chơi "hành xác". Tuy được BTC lo vé máy bay, khách sạn (trong nhiều chương trình là chi phí từ các nhà tài trợ phụ) nhưng chỉ nội tiền ăn uống của hai cha con và chi phí di chuyển đến nơi tập luyện, thi đấu, quay clip quảng bá... đã khiến số tiền 20 triệu đồng anh mang theo hết veo trong một tuần.

Càng tiến vào vòng trong, cha con anh càng phải vượt qua nhiều gian nan hơn với lịch tập luyện dày hơn, quay clip nhiều hơn, lịch tham gia "công tác xã hội" nhiều hơn. Trong các hoạt động ấy, theo lời anh kể lại thì gần như các thí sinh nhí chẳng được chăm lo gì, thậm chí một nhu cầu tối thiểu là nước uống. Tiến vào vòng trong, anh Thái đã được yêu cầu phải ký một bản hợp đồng mà nhiều quyền, lợi trong đó đều thuộc về nhà tổ chức. Anh có thể chọn ký bản hợp đồng thường được giới chuyên môn gọi là "hợp đồng bán thân" hoặc bỏ cuộc - bỏ tất cả những ngày tháng phấn đấu, những khoản chi phí đã tiêu tốn cho chương trình.

Nếu có dịp chứng kiến những buổi casting, dự khán vòng sơ loại của các chương trình, hình ảnh thường thấy nhất là các thí sinh và thân nhân nằm ngồi khắp nơi ở địa điểm tổ chức, mỏi mòn chờ đợi, tự lo mọi nhu cầu... Thế nhưng khi được yêu cầu, họ phải lập tức vui tươi hớn hở, hò hét khản giọng, vỗ tay vang dội để BTC quay hình cho đẹp, để thể hiện sự hào hứng của thí sinh lên sóng truyền hình cho khán giả xem, cho nhà tài trợ mát mặt. Tuy nhiên, ở một góc máy khác, những hình ảnh tả tơi, lếch thếch của thí sinh vẫn được máy quay ghi lại để phục vụ cho việc "lấy nước mắt" khán giả sau này trong những đoạn clip "hành trình chinh phục đỉnh cao".

Nhưng đỉnh cao nào cho những ước mơ và cả những tài năng thật sự khi sau mỗi chương trình người ta đều nghe nói đến các nghi án mua giải, các cuộc đua bình chọn bằng sim rác? Ai có thể giải thích được vì sao một thí sinh được giữ lại và một thí sinh phải ra đi nếu không hiểu hết được các thủ thuật truyền thông trong mỗi chương trình. Lần lượt từ thi hát đến thi nấu ăn, thi tài năng, nhảy múa... cho đến tận những vòng cuối cùng người ta vẫn thấy đó các nhân vật "tài năng có hạn" nhưng có thể lôi kéo sự chú ý của đám đông. Nếu không có đoạn clip quay trực tiếp phần thi của Phương Mỹ Chi tại hiện trường, người ta sẽ chẳng thế so sánh được với phần biểu diễn của em trên sóng truyền hình quốc gia mà sau đó được giải thích là do "chất lượng đường truyền".

Sau nhiều tuần thi thố, cha con anh Quốc Thái và bé Thuỳ Mai đã trắng tay ra về, khép lại giấc mơ trở thành Giọng hát Việt nhí. Hàng chục triệu đồng tan theo mây khói. Những ngày tháng lẽ ra phải được dành cho công việc, học hành cũng đã mất để đổi lại một trải nghiệm thực tế của các chương trình truyền hình thực tế - mảng phía sau hậu trường. Anh Thái đã trở lại với công việc. Thuỳ Mai đã trở lại trường học. GHVN vẫn đang tiếp tục mời gọi khán giả nhắn tin, vẫn tiếp tục thu phí quảng cáo - khoản phí đã tăng lên khi chương trình chuyển sang các vòng nhiều gay cấn hơn.

Nhưng ngoài kia vẫn còn đó nhiều người đang cố giữ giấc mơ hồn nhiên về một ngày toả sáng bất chấp những tấm gương trước mắt, bất chấp lời cảnh báo của người trong nghề về chiếc bẫy của các doanh nghiệp vốn đã quá thừa kinh nghiệm tổ chức chương trình và nắm giữ thí sinh.

CHẤN HƯNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI