Giới trẻ châu Á và lối sống tránh xô bồ, không bận tâm con cái

31/10/2021 - 06:00

PNO - Áp lực cạnh tranh trong xã hội và những kỳ vọng truyền thống đẩy thế hệ trẻ châu Á vào sự chán chường, muốn “lánh đục tìm trong” và bớt hứng thú với việc kết hôn hoặc có con.

“Nằm thẳng kệ dòng đời xô đẩy”

Lớn lên ở một thị trấn nhỏ thuộc miền đông Trung Quốc, Li Xiaoming mơ ước được chuyển đến một thành phố lớn, nơi cậu có thể có một cuộc sống tốt hơn. Bây giờ, ở tuổi 24, Li chỉ muốn nghỉ ngơi.

Trên khắp đất nước, những người trẻ tuổi như Li đang cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh khốc liệt để có được tấm bằng đại học và việc làm, sau đó lại không ngừng chạy đua vì đồng lương, sự thăng tiến.

Dù mới ngoài 30, Li Chuang đã chọn từ bỏ cuộc sống ở đô thị Bắc Kinh xô bồ và công việc biên tập viên để mở một cửa hàng tạp hóa tại vùng ven và sống cuộc đời tối giản - ẢNH: ABC
Dù mới ngoài 30, Li Chuang đã chọn từ bỏ cuộc sống ở đô thị Bắc Kinh xô bồ và công việc biên tập viên để mở một cửa hàng tạp hóa tại vùng ven và sống cuộc đời tối giản - Ảnh: ABC

Giới trẻ Trung Quốc đang bắt đầu áp dụng một triết lý mới gọi là "tang ping" hoặc "nằm thẳng". Theo đó, thay vì làm việc cả đời để chạy theo một căn hộ mơ ước và các giá trị gia đình truyền thống, mọi người nên theo đuổi một cuộc sống đơn giản. Nói cách khác, chỉ cần "nằm thẳng kệ đời đẩy đưa".

Tác giả ý tưởng này viết: "Nằm thẳng là động tác khôn ngoan của tôi. Chỉ khi nằm xuống, con người mới có thể trở thành thước đo của vạn vật".

Trên mạng xã hội Douban, một người đã đăng tuyên ngôn mô tả các đặc điểm của lối sống "tang ping" như sau: "Tôi sẽ không kết hôn, mua nhà hay sinh con; tôi sẽ không mua túi hay đeo đồng hồ. Tôi sẽ chểnh mảng trong công việc... Tôi là một thanh kiếm cùn để tẩy chay chủ nghĩa tiêu dùng thực dụng".

Những bàn tán về việc "nằm im" đã lan truyền nhanh chóng ở Trung Quốc khi những người trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cho những công việc hấp dẫn nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực văn phòng khác. Trong khi đó, đất nước có xu hướng thắt chặt kiểm soát doanh nghiệp tư nhân và công chúng ngày càng cảnh giác với thứ văn hóa làm việc độc hại đến kiệt sức. Điểm chung tại nhiều công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp là yêu cầu mọi người làm việc gần gấp đôi (hoặc nhiều hơn) số giờ trong một tuần làm việc điển hình vì “lợi ích chung”.

Quay lại trường hợp của Li, chàng trai đã dành toàn thời gian mỗi ngày ở cấp trung học chỉ để học. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm số của Li đạt top 0,37% của tất cả học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Sơn Đông. Li đang học thạc sĩ tại một trong ba trường luật hàng đầu ở Trung Quốc và hy vọng sẽ kiếm được việc làm tại một công ty luật quốc tế nổi tiếng có trụ sở tại Bắc Kinh.

Thế nhưng, khi nộp đơn xin thực tập vào tháng 3/2021, Li đã bị hơn 20 công ty luật quốc tế ở Trung Quốc từ chối. Li nói: “Sự cạnh tranh rất khốc liệt. Khi tôi nhìn thấy những sinh viên cố gắng ứng cử vào các công ty luật quốc tế có uy tín, tôi cảm thấy kiệt sức và không muốn cạnh tranh với họ nữa”.

Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm 24 tuổi tên Wang giải thích với hãng tin AFP: "Gửi hồ sơ xin việc giống như mò kim đáy biển. Bạn bị xã hội chà đạp và chỉ muốn có một cuộc sống thoải mái hơn. Nằm im không có nghĩa là chờ chết. Tôi vẫn làm việc nhưng không quá lo lắng về mọi thứ xung quanh". 

Sinh viên tốt nghiệp đại học tập trung tại hội chợ việc làm ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thâm Quyến vào ngày 10/10/2020 - ẢNH:  GETTY IMAGES
Sinh viên tốt nghiệp đại học tập trung tại hội chợ việc làm ở Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Thâm Quyến vào ngày 10/10/2020 - Ảnh: GETTY IMAGES

Thanh niên Nhật Bản cũng đã chán nản với áp lực công việc và kinh tế trì trệ trong nhiều năm. Một số xác định là "satori sedai" hoặc "thế hệ từ chức", đặc trưng bởi thái độ bi quan đối với tương lai và thiếu ham muốn vật chất.

Kenta Ito (25 tuổi) chia sẻ: “Tôi chỉ tiêu tiền vào những thứ tôi thích và tìm thấy giá trị”. Ito có mức lương khá tại một công ty tư vấn ở Tokyo nhưng không quan tâm đến việc sắm nhà hay xe hơi.

Né tránh hôn nhân và con cái

Ở Hàn Quốc, nhiều người trẻ từ bỏ hôn nhân và quyền sở hữu nhà. Lim Woon-taek, giáo sư xã hội học tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc), cho biết: “Những người trẻ đang rất kiệt sức. Họ không biết tại sao họ phải làm việc chăm chỉ”. Khi ngày càng chán nản với áp lực không ngừng, nhiều người trẻ muốn từ bỏ các chuẩn mực thông thường, chẳng hạn kết hôn hoặc sinh con. 

Những chú chó trong xe đẩy em bé là cảnh thường thấy ở thủ đô Đài Bắc của đảo Đài Loan (Trung Quốc), nơi hệ thống tàu điện ngầm của thành phố chỉ cho phép mang thú cưng lên tàu nếu chúng có xe nôi riêng.

Các nhà quan sát cho rằng xu hướng này vượt ra ngoài thực tế và phản ánh sự thay đổi thái độ đối với việc sở hữu vật nuôi thay cho con cái vốn ngày càng tăng, trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang giảm ở Đài Loan.

Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh của Đài Loan đang rất thấp ở châu Á, nguyên nhân do các cuộc hôn nhân bị trì hoãn. Việc có con ngoài hôn nhân vẫn chưa được xã hội chấp nhận; bên cạnh đó là các rào cản kinh tế đối với việc có con, bao gồm quyền được nghỉ thai sản tối thiểu, áp lực tìm trường học. Vào tháng 9/2020, các nhà phân tích ước tính số lượng thú cưng của Đài Loan đã vượt qua số trẻ em dưới 15 tuổi.

Trong công viên rừng Da’an, Syin và Han đang đưa hai con chó và con mèo của họ đến bác sĩ thú y bằng xe nôi. Syin giải thích: “Các bé vẫn được tập thể dục. Chiếc xe này là để thuận tiện cho việc đưa chúng lên tàu điện ngầm và đến nhà hàng”.

Syin nói vợ chồng cô lớn lên với rất nhiều động vật xung quanh. Cô nhận thấy tỷ lệ sở hữu vật nuôi đang tăng lên trong cộng đồng, đặc biệt là ở thế hệ trẻ.

Khi được hỏi nguyên nhân, Syin nói: “Chúng tôi không muốn có con. Khi có con, bạn cần tiêu nhiều tiền hơn, bạn có nhiều trách nhiệm hơn. Dù chúng tôi vẫn phải tiêu tiền và có trách nhiệm với vật nuôi của mình, nhưng trẻ em là một thử thách khó hơn”.

Một chú chó được chủ đưa đi tham gia cuộc diễu hành
Một chú chó được chủ đưa đi tham gia cuộc diễu hành

Thống kê gần đây của Bộ Nội vụ Nhật Bản ghi nhận Nhật chỉ có 14,93 triệu trẻ em từ 14 tuổi trở xuống. Trái ngược với tỷ lệ sinh ngày càng giảm, số vật nuôi trong các gia đình Nhật Bản đang có xu hướng gia tăng. Có khoảng 20 triệu con mèo và chó được đăng ký trên khắp đất nước và thêm 60.000 vật nuôi gia nhập các hộ gia đình vào năm 2020.

Cán cân xã hội sẽ bị phá vỡ?

Tại Trung Quốc, lối sống “nằm thẳng” hoàn toàn đi ngược lại với những gì Chính phủ nước này mong đợi - một thế hệ trẻ yêu nước và lao động sản xuất. Trung Quốc đang dựa vào sự phát triển kinh tế liên tục, đặc biệt là khi đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa. Vì vậy, lối sống thiếu ý chí bị coi là "một mối đe dọa đối với sự ổn định". 

Mặt khác, các bài học từ thế hệ đi trước cho thấy lối sống tự do, không con cái không phải lúc nào cũng đem đến hạnh phúc. Vào những năm 1980, lối sống DINK (“double income no kids” hay "lương gấp đôi, không có con") xuất hiện tại châu Âu và lan sang Trung Quốc. Một số người biết ơn vì sự lựa chọn của họ trong khi những người khác lại tiếc nuối.

Wang và chồng là một cặp DINK hiện ở tuổi trung niên. Sau khi kết hôn vào nhiều năm trước, họ đến một thành phố lớn để làm việc chăm chỉ. Cũng chính vì áp lực cuộc sống mà họ đã chọn DINK.

Bây giờ, đôi vợ chồng già đã nghỉ hưu. Gần đây, Wang không may bị ngã và chồng bà phải một mình chăm vợ tại bệnh viện. Nhìn những người già xung quanh chăm sóc con cái hoặc được con cái chăm sóc, họ cảm thấy ganh tị và tiếc nuối vì sự lựa chọn xưa kia.

Trong khi đó, trước viễn cảnh dân số già hóa, Ito bi quan về tương lai của Nhật Bản. Anh lo rằng các nguồn lực của đất nước sẽ tập trung vào việc chăm sóc người cao tuổi hơn là thế hệ trẻ do sự chênh lệch về tỷ lệ dân số. Theo Cục Thống kê Nhật Bản, những người ở độ tuổi 20 và 30 chiếm 1/5 dân số Nhật Bản, trong khi hơn 1/3 ở độ tuổi trên 60. Ito bộc bạch: "Mọi thứ sẽ càng khó khăn cho chúng tôi". 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI