Giật hụi hàng chục tỷ đồng vẫn "bình chân như vại"

13/04/2016 - 07:41

PNO - Ba hộ dân ở xã An Thuận, H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vác đơn kiện khắp nơi hơn bốn năm nay, đề nghị đưa chủ hụi Đ.T.T.L. xử lý hình sự.

Giat hui hang chuc ty dong van
Bà Phạm Thị Quyên bên chồng hồ sơ khiếu kiện dày cộm với mong mỏi yêu cầu cơ quan chức năng khởi tố hình sự để buộc bà L. phải hoàn lại số tiền mồ hôi nước mắt của mình

Ba hộ dân ở xã An Thuận, H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre vác đơn kiện khắp nơi hơn bốn năm nay, đề nghị đưa chủ hụi Đ.T.T.L. (sinh năm 1953, xã An Thuận) xử lý hình sự vì đã giật của họ gần sáu tỷ đồng. Hiện có 24 người trình báo đã gửi cho bà L. trên 13 tỷ đồng.Ttrong khi các nạn nhân đang khổ sở vì trắng tay, thì chủ hụi vẫn bình chân như vại.

Bà Phạm Thị Quyên, SN 1949, buồn rầu kể, bà và nhiều người cùng xã An Thuận gom tiền gửi vì tin tưởng chủ hụi Đ.T.T.L. Người ít vài chục triệu, người nhiều đến vài tỷ đồng. Bà Phạm Thị Quyên gửi 4,1 tỷ đồng, bà Trần Thị Hường đã đưa cho bà L. gần hai tỷ đồng. Một đôi vợ chồng nghèo làm thợ hồ, dành dụm gần 100 triệu đồng, dự định cất nhà, nhưng cũng đã đưa bà L.

Ngoài việc làm chủ hụi, từ năm 2010, bà L. còn vay tiền của nhiều người với lãi suất từ 2,5-5%/tháng. Thời gian đầu, bà L. thực hiện việc trả tiền lãi và tiền gốc đúng hạn, nhưng sau đó không còn thực hiện đúng cam kết. Đầu năm 2012, bà L. tuyên bố vỡ hụi, không thanh toán tiền vay cũng như tiền hụi cho những người mà bà L. đã vay và gom hụi.

Sau khi nhận đơn của các nạn nhân, Công an H.Thạnh Phú đã mời bà L. làm việc. Lúc đầu bà L. không thừa nhận thiếu tiền vay mà chỉ thiếu tiền hụi. Nhưng sau đó, bà thừa nhận có thiếu tiền vay và tiền hụi đúng như con số các đương sự trình báo, song cho rằng thời gian vay đã lâu, đóng lãi nhiều hơn tiền gốc nên xem như không còn nợ ai lời khai trước đây, không thừa nhận việc thiếu tiền vay, chỉ thừa nhận việc thiếu tiền hụi.

Từ đó đến nay, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo, khiếu kiện khắp nơi, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Bà L. đã cho xây dựng hàng rào kiên cố bao quanh nhà, ít tiếp xúc với mọi người. Các chủ nợ vì quá mệt mỏi với chuyện thưa kiện nên đành chấp nhận. Hiện nay, chỉ có tôi và hai chị nữa là Nguyễn Thúy Phượng và bà Trần Thị Hường bị thiệt hại tổng cộng gần sáu tỷ đồng, tiếp tục theo đuổi đến cùng vụ việc. Chúng tôi mong cơ quan chức năng truy tố hình sự bà L. vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chúng tôi” - bà Phạm Thị Quyên nói.

Có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

Qua tìm hiểu được biết, ngay sau khi có đơn khiếu kiện của các nạn nhân trong đường dây hụi và vay của bà L., xác định vụ việc phức tạp, với số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Công an, Viện kiểm sát nhân dân H.Thạnh Phú đã họp và tìm phương án giải quyết. Do số tiền bà L. chiếm giữ trên 500 triệu đồng nên hồ sơ đã được chuyển lên cơ quan Công an tỉnh Bến Tre thụ lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre ngày 21/3/2014 xác định: không có căn cứ chứng minh bà L. có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Các khoản tiền vay, tiền hụi là quan hệ dân sự và yêu cầu cơ quan Công an H.Thạnh Phú hướng dẫn các đương sự khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Liên quan đến các giấy biên nhận mà người đóng hụi khẳng định là do bà L. viết, cơ quan công an đã cho trưng cầu giám định. Kết quả, ngày 16/9/2013, tức sau một tháng, cơ quan công an tìm được bà L., mời bà về làm việc, Phòng Kỹ thuật, Công an tỉnh Bến Tre kết luận tất cả chữ viết trong biên nhận nợ do chính bà L. viết và ký tên.

Theo luật sư Đặng Thành Trí, Trưởng Văn phòng luật sư Đặng Thành Trí, hành vi vay mượn tiền, gom hụi rồi bỏ trốn để chiếm đoạt của bà L. đã cấu thành tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, yêu cầu xử lý hình sự của các nạn nhân là đúng luật.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI