Gian nan tìm người giúp tập vật lý trị liệu sau đột quỵ

30/11/2020 - 06:30

PNO - Bị đột quỵ nhưng nhập viện kịp thời và được cứu sống là may mắn lớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi xuất viện về nhà, không ít bệnh nhân đã không được tập vật lý trị liệu nên khả năng phục hồi thấp.

Kiếm không ra người hỗ trợ trị liệu

“Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có 70% cần được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau khi xuất viện. Họ tập ở đâu và ai hỗ trợ họ?”. Đó là băn khoăn của phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).

Mỗi ngày, Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 có khoảng 180 bệnh nhân đột quỵ cần tập vật lý trị liệu, nhưng khoa chỉ có năm kỹ thuật viên
Mỗi ngày, Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 có khoảng 180 bệnh nhân đột quỵ cần tập vật lý trị liệu, nhưng khoa chỉ có năm kỹ thuật viên

Băn khoăn của bác sĩ Thắng cũng là băn khoăn của nhiều bệnh nhân và thân nhân. Chị P.T.T. - ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - có mẹ vừa trải qua cơn xuất huyết não. Khi gia đình phát hiện, đưa đi bệnh viện, bà đã mê man, yếu liệt nửa người. Bà được điều trị tại chuyên khoa bệnh lý mạch máu não ở một bệnh viện hàng đầu tại TP.HCM. Sau năm ngày, bác sĩ thông báo rằng, mẹ chị đã qua cơn nguy kịch; để tránh nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, bà nên về nhà để tập vật lý trị liệu lâu dài. 

Tuy nhiên, gia đình chị T. chạy đôn chạy đáo, vẫn không kiếm được người đến nhà tập vật lý trị liệu cho mẹ. Chị tìm người chăm bệnh ở các trung tâm giới thiệu việc làm nhưng những người này không có chuyên môn về vật lý trị liệu. Nghe bạn giới thiệu, chị liên hệ với Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8, TP.HCM) nhưng các điều dưỡng ở đây không sắp xếp để tới nhà chị được, trong khi gia đình chị T. neo người, không thể chở mẹ tới lui bệnh viện để tập vật lý trị liệu.

Cuối cùng, chị T. phải lên mạng học cách xoa bóp và làm cho mẹ mỗi ngày 20 phút trước giờ đi làm. Chị T. kể: “Khi mới xuất viện, các ngón chân trái của mẹ tôi vẫn nhúc nhích được. Ở nhà, tôi cũng cố xoa bóp nhưng mẹ nhăn nhó, tỏ vẻ rất đau nên tôi nhát tay, không dám đụng nữa. Gần đây, chân trái của bà liệt hẳn”. 

Đối với bệnh nhân đột quỵ ở các tỉnh, vùng xa xôi, việc điều trị phục hồi chức năng sau khi xuất viện càng khó khăn hơn. Anh P.Q.T. kể, cha anh làm ruộng ở tỉnh Long An, từng được cứu sống sau cơn đột quỵ. Thế nhưng, sau khi cha xuất viện, anh T. đành để cha ở nhà, chủ yếu lo vệ sinh, ăn uống chứ không biết chỗ nào tập phục hồi chức năng, hoặc biết nhưng địa chỉ quá xa, không thể đưa ông đi tập vật lý trị liệu được. 

Được biết, hiện ở TP.HCM cũng có những cơ sở tư nhân nhận hỗ trợ bệnh nhân tập vật lý trị liệu, nhưng chi phí rất cao. 

Thiếu đội ngũ chuyên biệt

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, thời gian vàng để phục hồi chức năng cho các bệnh nhân đột quỵ cấp là trong vòng sáu tháng đầu kể từ khi được can thiệp, cứu sống. Trong đó, quan trọng nhất là ba tháng đầu. 

Tại Khoa Bệnh lý mạch máu não của Bệnh viện Nhân dân 115, trung bình có khoảng 180 bệnh nhân nội trú nhưng nhân viên tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân chỉ có năm người. Mỗi ngày, một nhân viên phải tập vật lý trị liệu cho trên mười bệnh nhân. Do vậy, họ phải ưu tiên tập cho những ca nặng về chức năng vận động. Nhân viên vật lý trị liệu chủ yếu tập cho bệnh nhân về chức năng vận động, không có thời gian để tập các chức năng quan trọng khác như phát âm, nuốt. 

Theo bác sĩ Thắng, phục hồi chức năng do đột quỵ khác với phục hồi chức năng do tai nạn, nên cần có đội ngũ chuyên biệt. Đột quỵ gây ra những tổn thương về thần kinh nên bệnh nhân cần tập không chỉ chức năng vận động mà còn cả chức năng nuốt, nói. Hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản trong quy định về chỉ định vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ. Chẳng hạn, bác sĩ lâm sàng không được chỉ định vật lý trị liệu, bệnh nhân đột quỵ muốn được hưởng bảo hiểm y tế thì phải do bác sĩ vật lý trị liệu phê chuẩn. Khoa Bệnh lý mạch máu não của Bệnh viện Nhân dân 115 hiện có 18 bác sĩ nhưng chỉ ba bác sĩ có thêm chứng chỉ vật lý trị liệu, bởi đội ngũ còn lại cần phải tập trung làm chuyên môn trong bối cảnh bệnh viện luôn quá tải.

Trước thực trạng thiếu nhân lực về điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ, từ ngày 23-26/11, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Áo, Tổng hội Y học Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam tổ chức khóa tập huấn để nâng cao năng lực phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ cho các bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Đây là một trong những giải pháp nhằm giúp bệnh nhân đột quỵ có thêm cơ hội trở lại cuộc sống bình thường. 

Theo bác sĩ Lê Văn Tuấn - Chủ nhiệm bộ môn nội thần kinh, Trường đại học Y Dược TP.HCM - ngành y tế đang nỗ lực đào tạo mạng lưới nhân lực chuyên biệt để điều trị phục hồi chức năng cho người đột quỵ, từ đó sẽ tiến tới phát triển các trung tâm chuyên biệt về phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ ở từng địa phương, để bệnh nhân không còn phải loay hoay tìm nơi điều trị sau khi xuất viện. 

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, nếu không có điều kiện thuê dịch vụ, khi còn ở bệnh viện, thân nhân người bệnh nên cố gắng ghi nhớ hướng dẫn của nhân viên y tế về các động tác tập phục hồi chức năng cho người bệnh để về nhà làm theo.

Thân nhân người bệnh cũng có thể tham khảo các video hướng dẫn tập vật lý trị liệu từ những kênh chính thống trên mạng. Cần điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân ít nhất trong một tháng đầu tiên sau khi xuất viện.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI