Giải tỏa "Hỏa Diệm Sơn"

22/05/2020 - 12:11

PNO - Sài Gòn những ngày nắng nóng, nhiệt độ tới 37-38 độ C, bên cạnh các loại thức uống giải nhiệt từ thiên nhiên, các sản phẩm hỗ trợ thanh nhiệt, mát gan giải độc, sản phẩm chứa điện giải… cũng trở nên đắt hàng.

Từ điện giải đến bù nước

Lo lắng con gái 5 tuổi đang học mẫu giáo không được uống đủ nước, chị Nguyễn Hoài Thu (nhân viên kinh doanh, Q.1, TPHCM) cẩn thận cho con uống bổ sung nước điện giải mỗi ngày. “Tôi dùng bột bù nước và chất điện giải Oresol, mỗi ngày pha một gói cho con uống. Có chất này thì dù con có ham chơi, uống ít nước vẫn không lo mất nước, hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng” - chị Thu cho hay.

Với các loại nước giải nhiệt, phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng
Với các loại nước giải nhiệt, phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng

Khoe chiếc tủ lạnh đầy các sản phẩm giải nhiệt từ nước đóng chai, siro dạng ống, viên sủi, trà giải nhiệt… chị Nguyễn Thị Ngọc Nga (ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết, cứ đi nắng hoặc vận động nhiều là chị lại dùng để bổ sung nước, giải nhiệt cho cơ thể.

“Trời nắng, người tôi lúc nào cũng khô khốc vì thiếu nước dù đã uống rất nhiều. Có người bạn mách các loại thực phẩm bổ sung, pha với nước uống hằng ngày để tránh mất nước. Tôi làm theo và thấy rất hiệu quả. Trên thị trường có nhiều sản phẩm, thích hợp với người lớn và trẻ em. Với những sản phẩm đóng gói, viên nén mình đem theo đi làm rất tiện lợi” - chị Nga bộc bạch.

Nước trong cơ thể còn gọi là dịch cơ thể chiếm 60-70%, có nhiệm vụ giúp điều hòa thân nhiệt, thúc đẩy quá trình lưu thông máu và hỗ trợ hệ thống bài tiết của cơ thể. Dịch này bao gồm nước và các ion thiết yếu góp phần bổ sung các dưỡng chất cho cơ thể hoạt động một cách ổn định. Do vậy, nhiều nhà sản xuất đã tung hàng loạt sản phẩm nước đóng chai chứa ion giúp bổ sung thành phần cho cơ thể.

Con trai chị Thanh Hoa (ngụ Q.Thủ Đức), 10 tuổi, không thích ăn rau cũng như các loại nước mát tự nhiên như nước dừa, nước cam mà chỉ thích uống nước ngọt. Chị lên mạng tìm mua nước bù điện giải vị cam, uống như nước ngọt nhưng có tính năng bù nước hữu hiệu. Chị cho vào tủ lạnh, dặn con khi nào khát cứ lấy uống. Chị Hoa tiết lộ, hè nắng nóng hoặc khi con bị sốt, chị đều mua sản phẩm này cho con uống, vừa bổ sung điện giải, vừa khỏi mất nước. 

Cháy hàng mùa nóng

Chỉ cần lên Google, gõ từ khóa “sản phẩm bù nước, giải nhiệt”, chỉ trong vòng 0,41 giây đã có hơn 5,3 triệu kết quả hiển thị. Sản phẩm đa dạng từ siro, trà, nước khoáng, viên sủi, nước ion… có tác dụng giải nhiệt, điện giải, mát gan giải độc… Hàng nội - ngoại có đủ, thậm chí có cả loại cho bé 3 tháng tuổi.

Vốn lười uống nước, chị Đinh Thị Ngọc Ánh (nhân viên sale làm việc tại Q.3, TPHCM) cho biết, do công việc thường xuyên ra đường, tiếp xúc với khách hàng rất bận rộn nên chị thường “quên” uống nước.

“Để tránh mất nước, sốc nhiệt, tôi dùng viên sủi bù nước hoặc trà giải nhiệt uống cho mát người. Thật tiện lợi vì chỉ cần pha vào nước, ngày uống 2-3 viên thấy người khỏe khoắn, không có cảm giác khát nước, mệt mỏi dù phải đi nhiều ngoài nắng. Trong túi tôi giờ không thể thiếu sản phẩm giải nhiệt này vào những ngày nắng nóng”, chị nói.

Tại các siêu thị, sản phẩm nước khoáng bù nước, điện giải luôn đắt khách. Thay vì uống các loại nước khoáng thông thường, nhiều người chọn mua nước bù điện giải có nguồn gốc từ Nhật, Hàn đem theo bên mình. Nước có nhiều vị như chanh, cam dịu nhẹ, thơm mát thích hợp trong những ngày nắng nóng, người vận động nhiều, người tập thể thao. Đặc biệt những người cảm sốt sử dụng rất phù hợp. Hiện, lượng tiêu thụ các mặt hàng nước uống giải nhiệt này đã tăng khoảng 30% so với trước - quản lý một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho hay.

Trên các kênh bán hàng online như Facebook, Zalo… dân kinh doanh giới thiệu đủ loại nước giải nhiệt dành cho trẻ em. Một cửa hàng online chuyên doanh mặt hàng cho mẹ và bé giới thiệu nước điện giải với đủ vị táo, sữa chua; thành phần nho, nước đường, chất làm ngọt… được pha theo tỷ lệ nhất định nhằm giúp cân bằng lượng nước cho bé khi bị sốt, tiêu chảy hay khi hoạt động nhiều đổ mồ hôi.

“Đây là hàng chính hãng, giá từ 85.000 đồng/chai 125ml. Bình thường các loại sản phẩm bù nước khá khó uống, nhất là với trẻ em, nhưng nhờ những sản phẩm này có vị nho, táo, sữa chua… nên trẻ em rất thích. Trời nóng, các sản phẩm này bên chúng tôi rất chạy hàng” - tư vấn viên giới thiệu.

Nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… còn có không ít loại nước ép, trà, nước điện giải dành cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên. “Bên mình có thức uống dinh dưỡng giải nhiệt chiết xuất từ các loại rau củ quả như cà rốt, dưa hấu, cà chua… cung cấp vitamin C, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt giúp cho cơ thể không bị mất nước trong những ngày nắng nóng. Hiện sản phẩm đang cháy hàng, khách đặt trước khoảng một tuần mới có hàng” - một chủ shop cho biết.

Bù nước nhưng lại làm mất nước

Bác sĩ (BS) Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất, cho biết, nước có vai trò rất quan trọng với cơ thể, 60% trọng lượng cơ thể là nước. Người trưởng thành uống từ 1,5-2 lít nước/ngày. Trung bình cần uống từ 1-1,5 lít, cùng với nước trong thức ăn. Nhưng khi làm việc trong môi trường nắng nóng, ra mồ hôi nhiều thì cần bù thêm nước, có thể lên đến 3 lít nước/ngày. Trẻ em dưới 10kg cần 1 lít nước/ngày, từ 10-20kg cần 1,2-1,5 lít nước/ngày.

Theo BS Loan, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng đột ngột rất dễ khiến ta mắc bệnh (mất nước, say nắng, tim mạch, huyết áp…), nhất là ở người già, trẻ em và những người làm việc ngoài trời. Khi trời nắng nóng cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, làm mất nước, mất muối, các chất điện giải. Vì vậy, vấn đề bù nước rất quan trọng, cần được bổ sung lượng nước đã mất bằng cách uống nhiều nước lọc, nước trái cây như cam, chanh, dâu... Bên cạnh đó, còn có các loại nước có tác dụng bù nước, giải nhiệt đóng chai.

Tuy nhiên với dạng công nghiệp thì các sản phẩm này ít nhiều có các chất bảo quản, sẽ ảnh hưởng đến cơ thể. Khi dùng, chúng ta phải quan tâm đến nguồn gốc, hạn sử dụng, xem thử có đường hay không. Với những trẻ thừa cân béo phì, đây chính là nguồn năng lượng khiến trẻ dư cân mà phụ huynh không kiểm soát - BS Loan lưu ý.

Oresol ngoài chuyện bù nước còn có nồng độ nhất định là điện giải như natri, kali và chứa ít đường. Oresol chỉ dùng trong trường hợp tiêu chảy mất nước chứ không nên uống thường xuyên và khi có chỉ định của BS mới dùng. Nếu chúng ta cho trẻ uống các loại nước có đường sẽ gây tiểu nhiều, cứ nghĩ rằng đang bù nước mà thật ra làm cho trẻ mất nước. 

Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế, Oresol với thành phần là muối, đường… khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Nhưng nếu Oresol được pha đặc hơn so với khuyến cáo sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu). Do nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào ra khoảng kẽ, khiến tế bào mất nước nên bị “teo” lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng... Điều nguy hiểm nhất là khi tế bào não bị “teo” gây tổn thương, trẻ sẽ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, thậm chí hôn mê... Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.

Nếu cho trẻ uống các sản phẩm bù điện giải, phải đọc nhãn kỹ lưỡng. Đầu tiên, phải xem xuất xứ, thương hiệu, hạn sử dụng, chất bảo quản, bao bì có an toàn cho sức khỏe không. Sau đó mới đến thành phần: nước bao nhiêu phần trăm, có đường không, điện giải quan trọng là natri chiếm bao nhiêu, các điện giải khác, vitamin… Tốt nhất, nên có sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng về các loại nước uống trước khi chọn cho trẻ, tránh tìm mua trên mạng cho con uống.

“Nếu bổ sung, bù quá nhiều nước sẽ khiến tế bào bị trương nước nhiều, gây ức chế hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến hôn mê. Một tình trạng nữa là nếu đưa quá nhiều nước vào thì thận quá tải, lâu ngày gây ảnh hưởng suy chức năng thận. Do đó, cần tránh bổ sung quá nhiều dẫn đến tình trạng ngộ độc nước” - BS Dương Thị Kim Loan khuyến cáo. 

Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI