Giá tham nhũng thấp thì... cho qua?

19/06/2019 - 08:28

PNO - Một nền hành chính công văn minh là ở chỗ máy móc công nghệ thay người phục vụ con người. Mỉa mai thay, giờ lại phải thay người bằng máy...

Ngày 17/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Công điện vốn được phát đi trong các sự kiện phát sinh tình huống đặc biệt, cần áp dụng những biện pháp khẩn cấp. Công điện trước khi cơn sóng thần đổ bộ. Công điện ngay khi cơn dịch bệnh lây lan. Và giờ thì công điện được người đứng đầu chính phủ truyền đi để chống lại “sóng thần” tiêu cực, dịch tả “tham nhũng”.

Gia tham nhung thap thi... cho qua?
Kế toán xã Tân Tiến khai đưa tiền theo "gợi ý" của Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Kim Anh

Nhưng sóng thần hung hãn ập đến rồi… tháo lui. Dịch tả bùng phát rồi tháo chạy. Còn thói vòi vĩnh, vơ vét trong hoạt động công vụ, mà chủ yếu chúng cũng chỉ nảy nòi, sinh sôi, được vỗ béo trong khu vực hoạt động công vụ, thì từ lâu đã nghiễm nhiên thành lề thói, “văn hóa” giao dịch của một bộ phận công chức, viên chức mất rồi.

Chúng lây lan và “cộng sinh” thành môi trường sống để trong từng phạm vi, cấp độ, chẳng biết ai đủ tư cách để phòng ai, ai nhân danh ai để chống ai mà không tiêu cực, nhũng nhiễu.

Cặp đôi thanh tra dính chùm ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc vừa rồi, thoạt đầu, nghe vòi những hàng chục tỷ, ai nấy thất kinh, sau hạ xuống còn hàng tỷ, cuối cùng, còn mỗi vài trăm triệu.

Hóa ra, tâm trạng đám đông chủ yếu phập phù theo thang giá tham nhũng, còn hành vi tham nhũng của những kẻ leo cao luồn sâu vào trong chính lực lượng chống tham nhũng lại dễ dàng cho qua. “Cho qua” hay đã không còn tính ngạc - nhiên - xã - hội nữa!

Giờ thì có cả công văn của Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng đối với cán bộ thanh tra Nguyễn Thị Kim Anh. Chắc rồi cũng đúng quy trình thôi, chỉ là… sai người ở khâu hậu kiểm.

“Khi bổ nhiệm thì là người tốt nhưng sau khi bổ nhiệm người ta vi phạm thì đấy là chuyện rất bình thường” - lời của Chủ tịch Quốc hội tại hội trường sáng 4/6.

Cũng trong công điện, Thủ tướng yêu cầu “từng cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc”.

Một nền hành chính công văn minh là ở chỗ máy móc công nghệ thay người phục vụ con người. Mỉa mai thay, giờ lại phải thay người bằng máy bởi phần “máy” trong người đã sinh ra thói vô cảm; phần “người” trong máy thì biết “bẻ khóa” mà vô hiệu luôn cả máy, sinh ra nhũng nhiễu dây chuyền.

Thì đấy, máy chiếu, tia quét đủ cả mà hàng trăm bài thi, phổ điểm còn chỉnh sửa vô tư, nâng khống vô tội vạ. Nào cải cách hành chính mạnh mẽ, nào ứng dụng công nghệ bốn chấm không ầm ầm mà chỉ số phí lót tay, phí không chính thức trong các bảng đánh giá xếp hạng vẫn cứ đội sổ thì họa chăng, của đáng tội là ở con người - chủ thể của “công nghệ tham nhũng”.

Bức công điện, chẳng khác nào một biện pháp cấp thời trước những sai sót, vi phạm, vụ việc nhất thời có tính báo động; các động thái rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh hẳn sẽ mang lại một kết quả tức thời.

Nhưng để phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ - vốn đã hình thành, cấu kết, sinh sôi như một mạng lưới chằng chịt, thì một “bức điện tín” chỉ là tín hiệu; cải cách hệ thống giám sát, kiểm soát thực chất; cải tổ thể chế chính sách thật sự mới là đường truyền hữu hiệu.

Bằng không, cái lõi “giá trị kinh tế của quyền lực chính trị” trong từng cấp độ hành chính công vụ sẽ phá vỡ, phá hỏng mọi bước tiến công nghệ quốc gia, vô hiệu luôn cả công điện của Thủ tướng. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI