Giá như được dùng lại những bộ sách cũ!

11/09/2018 - 19:38

PNO - Hãy tạm quên đi những tranh cãi xung quanh sách Công nghệ giáo dục, bởi chỉ một năm nữa thôi chúng ta sẽ có một chương trình phổ thông gắn với bộ sách giáo khoa mới.

Chương trình phổ thông mới sẽ là kim chỉ nam cho nền giáo dục phổ thông được triển khai đại trà trên toàn quốc. Chưa biết nó hay- dở, nặng- nhẹ ra sao, chỉ biết khi nhìn vào những phiên bản dự thảo ra mắt trước đó, nhiều nhà sư phạm đã cảm thán rằng: không có hy vọng gì nhiều!

Nhìn lại phía sau, đã mấy chục năm mà người ta vẫn thuộc nằm lòng những vần thơ trong bộ sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học cũ. Những vần thơ mộc mạc miêu tả ngày tựu trường: “Tiếng trống trường đã điểm/ Năm học mới tới rồi/ Chúng em bước vào lớp/ Khăn quàng bay đỏ tươi”. Chỉ cần đọc lên, lập tức mọi người đều có thể đọc nối.

Gia nhu duoc dung lai nhung bo sach cu!
Một trang sách trong chương trình cũ

Hình ảnh “chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu nghênh nghênh…” cũng không phai mờ trong trí nhớ của những người sinh ra thuộc thế hệ 7X, 8X. Những câu thơ, hình ảnh minh họa trong sách đã trở thành kinh điển, dễ đọc, dễ nhớ. Bài “Hòn đá” với những câu thơ thân thuộc: “Hòn đá to, Hòn đá nặng, Chỉ một người, Nhấc không đặng”… và minh họa cho bài học là bức vẽ dễ hiểu nhưng giàu triết lý diễn tả một chàng trai nhấc hòn đá mãi không nên, nhưng 3 chàng trai thì có thể nhấc bổng dễ dàng.

Nhờ những bài học dung dị, nhẹ nhàng, hay và vui, phù hợp với tư duy của những đứa trẻ nên đến trường với học trò thời ấy thực sự là niềm vui. Nghỉ hè 3 tháng, học trò buồn rười rượi, chỉ mong được đến ngày tựu trường.

Nguyên tắc của giáo dục học sinh tiểu học là dạy những gì đơn giản, trong sáng và dạy làm người. Vì thế mà trước những quyển học vần hay tập đọc thường có lời dặn dò học sinh phải biết nâng niu, giữ gìn sách vở để thế hệ đàn em sau mình có thể dùng… Bài học không lên gân, chỉ giản dị, nhẹ nhàng như lời cô dặn.

Gia nhu duoc dung lai nhung bo sach cu!
Một trang sách trong chương trình cũ

Nguyên tắc bất di bất dịch của giáo dục là không được phép giải thích điều học sinh chưa biết bằng những khái niệm chưa biết khác; thầy cô phải dạy trong tâm thế học sinh chưa biết gì. Thế nhưng các bài học thì thường quá dài và dường như được soạn ra để dạy cho những thần đồng.

Những văn bản văn học đưa vào sách cũng chẳng có tính thơ, tính nhạc, học trò cố học để rồi quên ngay. Còn sách giáo khoa hiện hành thì sao? Sau khi được cải cách, chỉnh lý nhiều đợt thì trở nên khô cứng, nặng nề. Mỗi một khái niệm mới được giảng giải bằng một lô lốc từ ngữ, khái niệm chuyên môn khó hiểu.

Chương trình nhiều môn học phổ thông được biên soạn tương đương với kiến thức đại học ở nhiều nước; học sinh phải học những kiến thức cao siêu như một nhà nghiên cứu chuyên ngành. Đó là lý do mà học sinh không thể tìm thấy niềm vui, niềm hứng khởi trong học tập; nhiều em còn sợ học, ngán học.

Gia nhu duoc dung lai nhung bo sach cu!
Đi học là nỗi ám ảnh đối với nhiều học sinh hiện nay

Chuyện càng cải cách sách càng nặng là sự thật đã được chứng minh. Vậy thì tốn tiền tỷ đổi lấy cái không cần, cái dở hơn để làm gì? Cũng không hiếm người tiếc nuối: “Giá như được dùng lại những bộ sách cũ!”

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI