Giá heo, gà trong nước thấp không phải do nguồn thịt nhập

14/03/2023 - 10:59

PNO - Cách đây ít ngày, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phản ánh nguồn thịt nhập khẩu là nguyên nhân khiến giá thịt heo, gà… trong nước liên tục giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định đây không phải là nguyên nhân chính.

Đại diện các hộ chăn nuôi tại Đồng Nai cho rằng, giá heo, bò, gà trong nước đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi nguồn thịt nhập khẩu. Nhiều hộ nuôi còn nghi ngờ nguồn bò sống nhập khẩu qua biên giới với Lào, Campuchia… không chỉ giá thấp mà tỉ lệ nạc vượt trội bất thường so với nguồn bò trong nước. 

Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - nhận định: nguồn thịt nhập khẩu đã giảm rất mạnh, không ảnh hưởng nhiều đến giá sản phẩm chăn nuôi trong nước. 
Hiện giá heo thịt trong nước đang ở mức thấp. Ở nhiều nước khác, tình hình cũng tương tự. Trừ Lào có giá heo hơi cao hơn Việt Nam từ 4.000-6.000 đồng/kg, những nước như Thái Lan, Trung Quốc có giá heo bằng với giá heo Việt Nam.  
Giá heo giảm do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong tình hình kinh tế khó khăn. Ở thị trường trong nước, thường là hằng năm, sau rằm tháng Giêng, giá heo thịt sẽ tăng, nhưng năm nay lại giảm. Đây là điều bất thường. Điều này có thể do các nhà máy, xí nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động… nên các bếp ăn công nghiệp giảm công suất, kéo theo nhu cầu tiêu dùng thịt heo giảm. 

Nhu cầu tiêu dùng thịt heo giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến giá heo hơi liên tục giảm mạnh - ẢNH: Q.THÁI
Nhu cầu tiêu dùng thịt heo giảm là một trong những nguyên nhân chính khiến giá heo hơi liên tục giảm mạnh - Ảnh: Q.THÁI

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, số lượng thịt nhập khẩu đang giảm. Trong tháng 2/2023, lượng thịt nhập chỉ khoảng 3.300 tấn, giảm khoảng 30% so với một tháng trước đó, giảm 26% so với cùng kỳ (tháng 2/2022). Lượng thịt nhập khẩu có ảnh hưởng nhưng không lớn đối với giá gia súc, gia cầm trong nước. 

Ông Dương Tất Thắng cho rằng, người chăn nuôi cần tính toán đến việc cắt giảm chi phí đầu vào bằng cách phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tận dụng các nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp ở các địa phương. Đã có doanh nghiệp (DN) tận dụng phụ phẩm từ chuối để chăn nuôi heo, hay nhiều trang trại sử dụng ruồi lính đen để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời sử dụng chính loại côn trùng này làm thức ăn bổ sung protein cho vật nuôi… 

Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị, Bộ NN-PTNT cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, nhất là vấn đề thức ăn chăn nuôi - đang chiếm trên 62 - 70% giá thành chăn nuôi - nhưng hiện đang phụ thuộc vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các hộ nuôi trong nước phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao, khiến giá thành chăn nuôi cao hơn hẳn so với các DN nên rất khó cạnh tranh. Nếu có chính sách hỗ trợ để người nuôi có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu có giá thấp hơn, các hộ chăn nuôi có thể tự sản xuất cám để giảm giá thành, tăng sức 
cạnh tranh.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi từ tháng 10/2020 đến nay liên tục tăng nhưng hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 19 tháng trở lại đây. Dù vậy, hiện giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn đang cao do chúng ta phụ thuộc vào nguồn cung. Nhiều dự báo cho rằng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có thể giảm 14 - 15% trong năm nay, từ quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi sẽ giảm nhanh. Nhưng đó cũng chỉ là dự báo, nếu xảy ra các yếu tố đột biến như hạn hán, thiên tai... giá mặt hàng này diễn biến sẽ khó lường.

Theo ông Dương Tất Thắng, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước không đủ, nước ta đang phải nhập khẩu 70 - 80% nên tính phụ thuộc rất lớn. Cục Chăn nuôi đang phối hợp với các DN để tìm giải pháp chủ động phần nào nguyên liệu, phấn đấu trong năm 2023 có từ 500.000-1 triệu tấn bắp từ các vùng trồng trong nước, giảm bớt nguồn nhập khẩu.  

Hiện tất cả các loại thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gần như đã về 0%, chỉ còn mặt hàng khô dầu đậu nành chịu thuế 2%. Tháng 10/2022, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này về 0% để hỗ trợ người nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến bác bỏ nghi vấn của nhiều hộ chăn nuôi về việc nguồn bò sống nhập vào trong nước có sử dụng chất tạo nạc trong quá trình nuôi. Ông cho biết, ngay khi có thông tin, Bộ NN-PTNT đã tạm ngưng cho phép nhập khẩu bò sống qua biên giới để giám sát. Kết quả giám sát của ngành thú y cho thấy, nguồn bò nhập được đánh giá là an toàn. Cả nước hiện có 63 triệu con bò, chưa đủ nhu cầu trong nước nên vẫn cần nhập khẩu. 

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI