Ghép tế bào gốc: Niềm hy vọng cho trẻ bại não

29/03/2014 - 07:32

PNO - PN - Lần đầu tiên một bệnh nhi (13 tháng tuổi) bị bại não được điều trị bằng tế bào gốc. Trước đó, tại Việt Nam, tế bào gốc đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh về máu, làm đẹp da… Bệnh nhi được bơm...

edf40wrjww2tblPage:Content

PV: Thưa GS, tại sao bệnh viện quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc (TBG) cho bệnh nhân bại não?

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm: Ghép TBG đã trở thành phương pháp điều trị rộng rãi. Tại Việt Nam TBG giúp điều trị các bệnh về máu rất thành công. Nguồn TBG phong phú từ máu cuống rốn đã được phát hiện và sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây càng mở rộng thêm khả năng ứng dụng TBG trong chữa bệnh. Đây là ca đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp điều trị bại não bằng TBG.

Bệnh nhân được chọn là một bệnh nhi. Sau một cơn sốt cao, tiêu chảy, co giật rồi nhiễm trùng huyết không rõ nguyên nhân lúc 10 tháng tuổi, bé B.D.N. hiện 13 tháng tuổi tuy được cứu sống nhưng di chứng khá nặng. Do thời gian thiếu oxy lên não quá dài, cộng thêm nhiễm trùng huyết nên bé N. có biểu hiện co cứng, ăn uống khó khăn… Kéo theo đó là những phản xạ như bi bô, tập đi… của lứa tuổi này cũng không còn. Bố mẹ N. tìm mọi cách điều trị cho bé nhưng không kết quả. Hy vọng ghép TBG sẽ giúp bé phục hồi sức khỏe.

* Việc can thiệp này được tiến hành như thế nào, thưa GS?

- Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, TBG sẽ được tách chiết từ tủy xương và mô mỡ. Sau đó, TBG này được bơm lại vào máu và tủy sống với hy vọng sẽ phát triển thay thế tế bào não đã bị tổn thương hoặc kích thích tế bào tổn thương nhưng chưa chết hẳn hoạt động trở lại. Với bệnh nhi N. do còn bé nên TBG được lấy từ tủy xương để ghép. Bệnh nhi sẽ được bơm TBG hai lần. Lần tiêm đầu tiên cuối tuần qua diễn ra khá tốt đẹp. Một nửa lượng TBG tách chiết đang được bảo quản ở nhiệt độ thấp để chuẩn bị cho lần bơm thứ hai vào ngày 28/3.

Việc bơm TBG nhằm chữa những tổn thương mô não và phục hồi các chức năng của não. Phương pháp này tập trung vào điều trị căn nguyên chứ không phải các triệu chứng của bệnh.

Bên cạnh sử dụng TBG, bệnh nhân cần trải qua quá trình điều trị, tập luyện mới hy vọng thu được kết quả. Với trường hợp của bệnh nhi N., sau khi tiêm TBG lần thứ hai, sẽ phải theo dõi kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Hiệu quả đánh giá sau ba tháng, sáu tháng và một năm.

Ghep te bao goc: Niem hy vong cho tre bai nao

GS - TS Nguyễn Thanh Liêm trong ca ghép tế bào gốc chữa bại não đầu tiên tại Việt Nam

* Bệnh nhân bại não mức độ nào sẽ được ghép TBG chữa bệnh, thưa GS?

- Các bệnh nhi bị bại não thể trung bình hoặc nặng có thể điều trị bằng phương pháp này. Tuy nhiên, ghép TBG không chỉ định cho thể nhẹ hoặc có động kinh. Quá trình điều trị bằng ghép TBG sẽ kích thích các tế bào não để thúc đẩy quá trình tự sửa chữa nên có thể kích hoạt bệnh động kinh. Những bệnh nhân chậm phát triển trí tuệ nặng nhưng có chức năng vận động tốt, phương pháp điều trị cấy ghép TBG cũng không hiệu quả. Tuổi tác là một yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả. Đối với những bệnh nhân trẻ tuổi, kết quả thường rõ ràng hơn. Trẻ em dưới năm tuổi cho thấy những cải thiện về trí thông minh và khả năng ngôn ngữ. Bệnh nhân cao tuổi không có nhiều cải thiện.

* Đây mới là ca đầu tiên tại Việt Nam, ước tính chi phí khoảng bao nhiêu thưa GS?

- Chi phí 120-150 triệu đồng cho ca ghép TBG chưa bao gồm quá trình tập luyện sau ghép.

* GS có thể cho biết hiệu quả của liệu pháp này?

- Theo báo cáo của các nước trên thế giới như Mỹ, tỷ lệ cải thiện sau ghép khoảng 70% đối với chức năng vận động. Sau ghép, bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép như các bộ phận khác trên cơ thể do đây là ghép tự thân. Sau khi điều trị, tùy thuộc vào thể bại não, 70-80% bệnh nhân đã đạt được những cải thiện về chức năng vận động, giảm đáng kể trương lực cơ bất thường, tăng cường sức mạnh cơ bắp, có sự phối hợp tốt hơn trong sinh hoạt, tăng cảm giác ngon miệng và tăng cân, cải thiện kỹ năng tập trung, ghi nhớ tốt hơn…

* Xin cảm ơn ông!

 Bảo Thoa (thực hiện) 

Theo GS-TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, chưa thể so sánh hiệu quả điều trị TBG chữa bại não với TBG chữa bệnh về máu, nhưng về nguyên tắc, phương pháp này hoàn toàn làm được nhưng ngay cả thế giới cũng mới tiến hành và tại Việt Nam đây là ca đầu tiên. Do đó cần có thời gian để đánh giá hiệu quả. "Về mặt khoa học, đây là việc làm đáng hoan nghênh bởi chúng ta phải áp dụng mới có thể rút kinh nghiệm để làm tốt hơn”, GS-TS Trí nói.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI