DV Hương Giang: “Tôi chỉ thiếu thời gian”

07/06/2013 - 05:51

PNO - PNCN - Không xuất hiện như một ngôi sao đầy sức hút, nhưng với khán giả kịch nói và điện ảnh hơn 15 năm qua, sự góp mặt của Hương Giang đã để lại những ấn tượng khó quên.

Trong mùa kịch Tết vừa qua, có lẽ Xóm vịt trời là vở diễn hiếm hoi của sân khấu IDECAF có được hai điểm cộng, một của giới chuyên môn dành cho chất lượng kịch bản và một của khán giả dành cho sức hấp dẫn về dàn dựng. Và điều không mấy ai ngờ, Xóm vịt trời được viết dưới ngòi bút của một… diễn viên: nghệ sĩ Hương Giang. Trước Xóm vịt trời, Hương Giang đã từng có hai vở kịch được dàn dựng và công diễn ở sân khấu này là Yêu đi thôi (năm 2009) và Tấm da hổ (2011). 

* Thật bất ngờ, một diễn viên vốn im hơi lặng tiếng, âm thầm với những vai “nho nhỏ”, gần đây lại xuất hiện với vai trò của một tác giả kịch bản, lại là những vở kịch đáng xem. Phải chăng Hương Giang muốn chuyển nghề?

- Thật ra, chuyện viết lách đến với tôi rất tình cờ. Biết tôi ngày trước hay viết truyện ngắn, làm thơ đăng báo, đồng nghiệp “xúi” sao không viết kịch bản đi. Vậy là tôi viết. Chỉ từ đêm đến sáng là xong vở Yêu đi thôi, đưa cho “chủ tịch hội đồng nghệ thuật” Thành Lộc đọc thử, ai dè anh bảo thích và cho đạo diễn Tuấn Khôi dựng luôn. Thấy vở cũng khá ổn về khán giả, một thời gian sau, anh Tuấn Khôi nói nhỏ với tôi rằng anh đang cầm bốn, năm kịch bản trong tay, nhưng không dựng được, động viên tôi viết thêm. Anh còn nói, viết sao cho anh em đều có vai, mà vai phải có tính cách. Tôi lại về lùng sách đọc, bắt gặp được một truyện có cái tứ hay nhưng muốn cho phong phú, tôi chuyển bối cảnh về miền núi, nhưng là miền núi có… hổ trắng, có thuốc phiện... Vở đã lên sàn tập, nhưng cứ chốc chốc, đạo diễn Tuấn Khôi lại “cho anh xin thêm vai này”, “cho anh xin thêm vai kia” nên phải vất vả mới hoàn thành được vở kịch Tấm da hổ. Rồi cuối năm ngoái, khi báo chí rộ lên chuyện những án mạng vì không sinh được con trai nối dõi, tôi viết Xóm vịt trời để chứng minh phụ nữ mới đáng là “của để dành”. Tôi xác định nghề nghiệp của mình vẫn là nghề diễn. Chuyện viết kịch bản tình cờ đến như một cái duyên, vừa giúp tôi có thêm thu nhập, vừa là một “kênh” để mình chuyển tải được những suy nghĩ về cuộc đời qua nhân vật, qua câu chuyện nên tôi cũng sẽ cố gắng tiếp tục. Tôi thích khai thác đề tài về phụ nữ, về gia đình vì gia đình là cội nguồn của xã hội. Một xã hội tốt bao giờ cũng dựa trên nền tảng những gia đình tốt, thuận vợ thuận chồng. 

* Là hoa hậu điện ảnh, một thời rạng rỡ với nhiều vai chính trên màn ảnh như trong các phim Tây Sơn hiệp khách, Xác chết trên cao nguyên, Chuyện tình thời sida… nhưng trên sân khấu, tại sao bao nhiêu năm nay Hương Giang vẫn chấp nhận âm thầm với những vai “dàn bao”?

- Tuy đoạt giải nhất Diễn viên triển vọng điện ảnh và có ngay được một số vai chính trên phim, nhưng xuất phát điểm của tôi là sân khấu. Tôi tốt nghiệp khóa diễn viên do Đoàn kịch Cửu Long Giang đào tạo cùng với các bạn Hoàng Trinh, Minh Trí, Mai Hoa… và chính ở đây, tôi được thầy cô dạy rằng, không có vai lớn vai nhỏ, mà chỉ có vai hay vai dở, nên tôi sẵn sàng đóng bất cứ vai nào được giao. Vậy nên, tôi không có gì phải băn khoăn hay phàn nàn về những vai mình đã và đang đóng. Với tôi, vai nào cũng là vai mà mình phải làm cho hay.

DV Huong Giang: “Toi chi thieu thoi gian”

* “Thuận vợ thuận chồng”, đó có phải là một ước mơ trong sâu thẳm của Hương Giang khi hơn 10 năm nay chị sống với thân phận của một người mẹ đơn thân?

- Đã là phụ nữ, tất nhiên ai cũng muốn được làm mẹ, làm vợ trong một gia đình hạnh phúc, thuận vợ thuận chồng. Nhưng nếu không có “nợ ba sinh” với nhau thì cũng không vì thế mà biến cuộc đời mình thành bất hạnh. Cuộc sống của một người mẹ đơn thân không có gì trái ngược với một gia đình tốt. Quan trọng là thái độ sống mà mình chọn lựa, làm sao để vẫn là người có ích cho xã hội. Tôi ly hôn lúc con trai tôi đúng 18 tháng như luật quy định và cho đến nay, khi con trai tôi bước sang tuổi 13, tôi vẫn thấy quyết định đó hoàn toàn đúng. Mình có thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong cuộc sống này ở nhiều điều khác, không cứ gì phải có một người đàn ông bên cạnh. 

* Nhưng cái cảnh đứa trẻ ôm gối ngủ mê mệt trên chiếc xe mỗi sáng sớm và tối khuya của người mẹ trẻ Hương Giang suốt một thời gian dài khiến không ít người thân và bạn bè xót lòng. Chị làm cách nào để đủ sức vượt qua những ngày khốn khó đó?

- Công việc của người diễn viên tùy thuộc vào lịch làm việc của nhà hát, của đoàn phim nên thường không cố định. Lúc con còn nhỏ, để làm tốt được chuyện “sáng đến trường quay, tối đến nhà hát” như đồng nghiệp, tôi phải dậy lúc 5g sáng nấu đồ ăn, thức uống cho con rồi đánh thức con dậy, chở sang gửi nhà ngoại. Tối khuya, rời sân khấu, tôi lại từ nhà ngoại đánh thức con dậy chở về nhà mình. Trên xe tôi lúc nào cũng để sẵn một cái gối, thường mẹ phải đi vào giờ trẻ con còn đang giấc, nên cứ hễ bồng lên xe là thằng bé gục đầu xuống gối ngủ. Khi con lớn hơn một chút, tôi luôn phải giúp cháu hoàn thành bài vở mới đem đi gửi. Vừa làm mẹ, vừa làm cha nên tôi ước gì một ngày có 72 tiếng. Cái gì mình tự làm mới yên tâm nên tôi làm tất cả, từ đi chợ, nấu cơm, dạy con học cho đến việc mua nhà, chuyển nhà, sửa nhà… Mỗi ngày, tôi phải liệt kê công việc theo thứ tự thời gian và lộ trình một cách hợp lý nhất ra một tờ giấy rồi cứ thế mà làm. Phương châm sống của tôi là không có một phút nào là không có ích. Người ngoài nhìn vào có thể ái ngại, thương cảm cho rằng tôi tất bật, vất vả, nhưng với tôi, một người quen tự lập từ nhỏ, làm gì cũng suy nghĩ kỹ mới quyết định nên không hối hận, tự làm tự chịu và không muốn làm phiền đến người khác, kể cả gia đình mình.

DV Huong Giang: “Toi chi thieu thoi gian”

Vở Cuộc chơi nghiệt ngã

* Được biết, Hương Giang đang theo học Đông y và ít nhiều được coi là “thầy thuốc gia đình”. Cơ duyên nào đưa chị từ sàn diễn tới… phòng khám?

- Trước đây, do làm việc quá sức, tôi bị bệnh đau khớp, không cầm nổi chén cơm. Đến những phòng mạch Tây y có tiếng, tôi phải lấy số, chờ đến ba ngày sau mới được khám. Quá nản nên tôi rất bi quan. Tình cờ một hôm, có một bạn sinh viên đang học đại học ngành Đông y ở nước ngoài, là fan của anh Thành Lộc đến xem kịch và vào thăm anh. Nhìn tôi, chị nói sức khỏe tôi có vấn đề nhưng bây giờ bận quá, nếu có duyên sẽ gặp lại. Rồi “duyên” đến, tôi được cô ấy chữa, chỉ sau 15 ngày là hết bệnh. Thấy hay quá, tôi xin theo học và tôn cô ấy làm “sư phụ”. Được theo nghề, tôi mừng quá, cố công học với ý định đơn giản là để giúp mọi người. Tôi theo học đến nay đã chín năm. Tôi học theo kiểu hàm thụ và thực hành cùng sư phụ mỗi lần sư phụ về dịp nghỉ hè và Tết. Tay nghề của tôi được nâng cao dần theo năm tháng. Bây giờ tôi đã được “thầy” tin tưởng giao cho việc tiếp tục theo dõi bệnh nhân theo phác đồ điều trị. “Sư phụ” tôi sẽ trở về nước trong hè này với nhiều dự án, trong đó chương trình chữa cho 600 bệnh nhân miễn phí sẽ là dự án lâu dài mà chắc chắn, tôi sẽ là một trợ lý đắc lực.

* Nghe đâu “sư phụ” của Hương Giang chính là người chữa khỏi một cách thần kỳ bệnh của nghệ sĩ Thành Lộc?

- Anh Thành Lộc lúc đó do lao lực quá bị kiệt sức, đi khám mới hay bị một loạt bệnh: nám phổi, đau gan, gai đầu gối…, nguy nhất là bị một cái gai ở đốt sống cổ mọc ngược, chĩa vào gần tới thanh đới, chỉ cần anh căng cổ la lên là chạm tới gai. “Sư phụ” tôi đã cùng với anh trải qua 48 ngày khổ ải trong lịch trình điều trị. Khi xem kết quả kiểm tra lại tại Trung tâm y khoa Medic (TP.HCM), ba anh em chúng tôi đã ôm nhau hét vang vì mừng, ngay trước cổng trung tâm.

DV Huong Giang: “Toi chi thieu thoi gian”

Vở Xóm vịt trời

* Người ta thường cho rằng, chỉ sống với mẹ, con trai dễ bị “nữ tính hóa”. Hương Giang có sợ con mình rơi vào tình trạng đó không?

- Tính tình tôi thẳng thắn, quen sống một mình và làm việc liên tục nên tôi cũng dạy con phải mạnh mẽ. Tôi và con trai như hai người bạn. Tôi cho cháu học Đông y như mình và hàng ngày luyện võ theo những bài tập. Mỗi hè, tôi cho cháu đi “học kỳ quân đội” đề rèn thêm nhiều kỹ năng sống.

* Có bao giờ chị khóc và thấy thiếu một người đàn ông bên mình?

- Mạnh mẽ thì mạnh mẽ, nhưng vẫn là phụ nữ, nên tôi không tránh khỏi những lúc phải chảy nước mắt. Nhưng không bao giờ tôi thấy thiếu một người đàn ông bên mình. Khi cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối, thì cần cái nệm để nằm xuống ngủ một giấc. Cái tôi thấy thiếu nhất là thời gian. Bao nhiêu năm qua, hoàn cảnh “người mẹ đơn thân” cũng khiến không ít người đeo đuổi tôi, nhưng giao tiếp vài lần, tôi thấy không ổn nên dừng ở mức tình bạn. Hơn ai hết, tôi hiểu bản thân mình cần gì nên vẫn chưa thấy đúng với điều mình cần. Thế nhưng, cuộc sống của tôi luôn vui vẻ vì chung quanh tôi còn có khán giả, còn có rất nhiều bệnh nhân thương yêu, các anh chị đồng nghiệp ở sân khấu IDECAF rất tốt, gia đình cha mẹ và các em tôi lúc nào cũng gần gũi sum vầy. Vì vậy, cuộc sống của tôi luôn đầy ắp tiếng cười. Tôi thấy mình qua tuổi 19, 20 lâu rồi, quỹ thời gian không còn nhiều nên ráng cống hiến để báo hiếu cha mẹ, để đức cho con.

* Cũng một thời là “hoa hậu điện ảnh”, nhưng không có mấy những hào quang như thế hệ trẻ ngày nay. Chị có thấy mình thiệt thòi?

- Mỗi người sinh ra đều có nhân duyên riêng, vị trí riêng. Với tôi, công việc hiện nay làm còn không hết, sức đâu mà so đo. Tôi tự nói với mình rằng, mỗi ngày là một cuộc chiến đấu, mình phải chiến thắng mình ngay giây phút đầu tiên. Nghề Đông y dạy tôi thái độ sống là đối mặt - chấp nhận - giải quyết, không tránh né, không bi quan, không bế tắc trước bất cứ một tình huống nào. Bên cạnh tình cảm của khán giả dành cho qua các vai diễn, nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân khi họ hết bệnh, là tôi thấy hạnh phúc, là có nguồn năng lượng để đi tiếp con đường đã chọn.

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI