Dùng quá nhiều đường có thể bị nghiện, hại não

11/12/2024 - 06:20

PNO - Theo WHO, lượng đường tự do cao sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống khi cung cấp năng lượng đáng kể nhưng không có chất dinh dưỡng.

TS.BS Bùi Thị Mai Hương khuyến cáo giảm đường để bảo vệ sứ khỏe
TS.BS Bùi Thị Mai Hương khuyến cáo giảm đường để bảo vệ sức khỏe

Sáng 10/12, chia sẻ về xu hướng sử dụng đường tại Việt Nam, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Mai Hương - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ khoa học kỹ thuật dinh dưỡng - thực phẩm (Viện Dinh dưỡng quốc gia) - cho hay, lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo bà Bùi Thị Mai Hương, 1 lon nước ngọt có gas chứa tới 36 gam đường. Kết quả nghiên cứu gần 2.000 người cho thấy trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Trong đó, 13% nam giới uống nước ngọt có gas mỗi ngày, gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống nước ngọt có gas mỗi ngày.

Theo WHO, lượng đường tự do cao sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống khi cung cấp năng lượng đáng kể nhưng không có chất dinh dưỡng. Điều này dẫn tới tình trạng tăng cân, béo phì và nguy cơ gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là sâu răng, là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn cầu.

Bà Bùi Thị Mai Hương cũng nhấn mạnh, chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não, các nghiên cứu đã ghi nhận có sự liên kết giữa việc glucose dư thừa với trí nhớ và các khiếm khuyết về nhận thức. Một lý do khác khiến đường có hại cho não là vì nó ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến nghiện đường.

Từ thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng cần giảm đường trong khẩu phần mỗi ngày. WHO khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng hấp thụ. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân hạn chế thức ăn nhiều đường, đồ uống có đường.

Ngoài ra, người dân nên làm quen với việc lựa chọn thực phẩm không đường hoặc sử dụng chất tạo ngọt thay thế từ thiên nhiên ít calo để điều chỉnh dần thói quen sử dụng đường. “Nước lọc là tốt nhất cho sức khỏe. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể thay thế bằng trà đá không đường và các loại đồ uống không đường khác có hương vị” - đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyên.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI