Dùng lịch sử để phát triển văn hóa đọc và kết nối

29/12/2022 - 06:28

PNO - 14 năm dạy môn lịch sử và đào tạo phương pháp giảng dạy môn sử cho giáo viên, thạc sĩ khoa học giáo dục Đặng Thu Trang khẳng định: “Học sinh THCS không có khái niệm môn chính, môn phụ. Bản tính của các em là tò mò, thích khám phá, chinh phục. Chỉ có người lớn làm mất đi sự tò mò, hứng thú học tập của các em”.

Môn sử không có tội

* Phóng viên: Khi dạy môn lịch sử, cô đối mặt với những khó khăn nào?

- Thạc sĩ Đặng Thu Trang: Năm 2009, tôi bắt đầu dạy học, với 3 lớp Mười hai yếu nhất khối. Học sinh ghét sử, sợ môn sử. Các bạn bị gieo đúng những điều như tôi đã bị gieo khi học phổ thông, rằng lịch sử là môn học thuộc lòng, cùng rất nhiều định kiến khác. Tôi thấy khó khăn. Nhưng chính học sinh đã giữ chân tôi lại. Tôi tìm hiểu vì sao các bạn không thích môn này, đồng thời lắng nghe xem các bạn thích học theo cách nào. Sau đó, tôi học cao học để tìm cách giải quyết cái gốc của vấn đề và chinh phục học trò.

Học xong, tôi xin dạy lớp Sáu và nhận ra các em không có khái niệm môn chính, môn phụ. Môn nào, các em cũng thích học. Bản tính của trẻ con là tò mò, thích khám phá, chinh phục. Chỉ có người lớn làm mất đi sự tò mò, hứng thú học tập của các em. Học sinh lớp Tám ở trường tôi dạy được chọn học môn chuyên sâu 2 tiết/tuần. Cả tôi và nhà trường đều bất ngờ khi rất đông học sinh đăng ký học môn lịch sử. Điều đó cho thấy, môn sử không có tội và học sinh không hề ghét học sử.

* Theo cô, phương pháp dạy môn sử có vai trò như thế nào đối với việc “chống ngủ gật”?

- Tôi thấy hiệu quả nhất là mình dạy ít đi và cùng các em học nhiều hơn. Giờ dạy lịch sử của tôi dày đặc các hoạt động. Tiết dạy đầu tiên ở lớp Sáu, tôi xuất hiện với một trang phục đặc biệt và tổ chức các trò chơi, qua đó các em tự khám phá ra tôi là ai, nhân vật trong trang phục đặc biệt đó sống ở thời nào, và tôi mang đến cho các em môn học nào. Đồng thời, các em phải trả lời câu hỏi “tại sao cần học lịch sử”. 

Các tiết học luôn có 2 phần: sử và luận. Phần sử chính là thông sử - tức ngày tháng năm nào, ở đâu, ai, số liệu… Phần này có hết trong sách giáo khoa, nếu đọc trên lớp sẽ mất thời gian. Nên dành nhiều thời gian cho phần quan trọng là phần luận. Với phần kiểm tra bài cũ, tôi kiểm tra theo cách để cả lớp cùng tham gia. Ví dụ chia nhóm để từng em lên bảng viết đáp án của nhóm mình cho một câu hỏi. Tất cả câu hỏi ở phần khởi động sẽ liên quan đến bài học ngày hôm nay. 
Với hoạt động dày đặc, cùng sự vận động tối đa của não bộ, các em sẽ không thể nào buồn ngủ được.

Lịch sử biết nói, không khô khan

* Theo cô, tại sao học sinh ghét môn sử?

- Theo tôi, nếu tách bạch câu hỏi học sinh ghét môn sử hay ghét cách dạy môn sử, cách học môn sử, cách thi môn sử thì tôi tin có rất nhiều câu trả lời khiến chúng ta bất ngờ. Khi tôi cùng Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) làm dự án với chủ đề “Em viết lịch sử quê hương”, tôi đi cùng học sinh lớp Sáu lang thang khắp các con phố, đến những di tích lịch sử nơi các em sống, chứng kiến các em tìm hiểu từng con đường, ngõ phố một cách rất hào hứng, không hề ghét sử.

* Khi được tiếp cận môn học với phương pháp khác với truyền thống, học sinh thể hiện năng lực bản thân như thế nào?

- Sách giáo khoa có đầy đủ thông tin về việc Vua Lý Công Uẩn dời đô nên tôi cùng học sinh thảo luận. Tôi hỏi: “Đã có bạn nào chuyển nhà chưa?”. Học sinh trả lời: “Con chuyển rồi, mệt lắm”. Tôi gợi: “Thế mà ông chuyển cả một kinh đô khi mới lên ngôi được 1 năm. Nếu các em là quý tộc thời đó, các em thấy thế nào?”. Học sinh trả lời: “Có nhiều người ủng hộ dời đô, nhưng cũng nhiều người phản đối”. “Vậy các em nghĩ xem bên phản đối sẽ nói gì, bên ủng hộ sẽ nói gì?”. 

Tôi chia lớp làm 2 phe để các em tranh biện. Có em nói được điều không có trong sách: “Ông dũng cảm, đối diện với cả đất nước để đưa ra quyết định lớn khủng khiếp, đó là dời đô”. Những câu hỏi tại sao, như thế nào tăng lên để tăng phần luận cho học sinh. Tiếng Việt và môn lịch sử hoàn toàn có thể giúp học sinh rèn kỹ năng tranh biện từ phổ thông.

* Có rất nhiều lý do được đưa ra: sách giáo khoa dài, khô khan, dày đặc số liệu và sự kiện…

- Nếu chúng ta ở miền núi, cách trường 15 - 20km đường rừng, chúng ta bỏ học do đi lại quá khó khăn hay chọn vượt lên những điều đó? Chương trình có những khó khăn nhất định, sách có những hạn chế nhất định, nhưng không vì thế mà chúng ta dừng lại. Chương trình giáo dục phổ thông cũng không nói sách giáo khoa là tuyệt đối mà vẫn mở cho giáo viên, học sinh sử dụng những nguồn tham khảo. Nhiệm vụ của giáo viên là tìm ra những nguồn tham khảo chất lượng, phù hợp với học sinh.

Khi dạy về chiến tranh, hơn 90 triệu người chết trong Thế chiến thứ 2, tôi hỏi: “Các em có biết, hơn 90 triệu người đó tương đương dân số của nước nào không?”. Các em trả lời: “Việt Nam”. Tôi hỏi: “Liên Xô và các nước đồng minh thắng trận. Liên Xô mất hơn 27 triệu người. Thắng, nhưng như thế có tự hào được không?”... 

Tôi vẫn nói với học sinh: “Những con số trong lịch sử là những con số biết nói, đều chứa đựng những điều cần suy nghĩ, chứ không phải là các con số cần học thuộc để khoanh vào đáp án”.

* Vậy theo cô, chúng ta cần trả lời như thế nào cho câu hỏi “học sử để làm gì” và “vì sao cần học sử”?

- Theo tôi, với bất kỳ môn học nào, cách các em học cũng là cách các em đang sống. Mỗi môn học đều mang lại bài học và giá trị khác nhau. Chúng ta có thể dùng lịch sử để phát triển văn hóa đọc. Cũng có thể phát triển tư duy phản biện của con và dạy con cách đối nhân xử thế. Trong gia đình, cha mẹ có thể dùng các câu chuyện lịch sử để kết nối với con cái, trước hết từ lịch sử gia đình, lịch sử dòng tộc để dạy các con lòng biết ơn những người đi trước và cư xử đúng mực với ông bà, cha mẹ hiện tại.

* Xin cảm ơn cô. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI